Công nghiệp ICT Việt Nam vươn mình ra biển lớn
Không dừng lại ở lắp ráp, gia công, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng và phát triển các sản phẩm mang thương hiệu Việt có giá trị cao, để lại dấu ấn sâu sắc trên bản đồ công nghệ thế giới.
Sức sống mãnh liệt của ngành công nghiệp tỷ USD
Theo thống kê của Bộ TT&TT, ước tính đến hết năm 2024, doanh thu công nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt 3,95 triệu tỷ đồng (155 tỷ USD), nộp ngân sách Nhà nước hơn 54.000 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam đạt khoảng 673.000 tỷ đồng (tương đương 26,4 tỷ USD).
Các kỹ sư trẻ tại một doanh nghiệp kinh doanh phần mềm và dịch vụ CNTT. Ảnh: FPT
Ðến hết tháng 11/2024, cả nước có tổng cộng hơn 27.600 doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 1,26 triệu người. Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân tại Việt Nam hiện ở mức 0,76.
Trong đó, bao gồm 4.500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần cứng (thiết bị máy tính, điện tử viễn thông, thiết bị thông minh), 12.500 doanh nghiệp sản xuất phần mềm, 750 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nội dung số và 9.700 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ CNTT.
Về cơ cấu lao động, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần cứng chiếm dụng lao động ở mức cao nhất với hơn 900.000 người. Tiếp đến là các doanh nghiệp phần mềm khi tạo công ăn việc làm cho hơn 224.000 lao động.
Cả nước hiện có 84.000 người làm việc tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT và hơn 3.700 người làm việc tại các doanh nghiệp nội dung số.
5 năm theo đuổi chiến lược Make in Viet Nam
Ðể thúc đẩy kinh tế số, ngay từ năm 2019, Việt Nam đã khai sinh cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số với sứ mệnh Make in Viet Nam: nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam.
Slogan Make in Viet Nam kể từ khi ra đời đã như một lời hiệu triệu, nhằm truyền tải định hướng của chính phủ Việt Nam về sự chuyển dịch hướng phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số.
Chỉ trong vòng 5 năm, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, trong năm 2024, giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT hiện đạt khoảng 1,16 triệu tỷ đồng (hơn 45,5 tỷ USD).
Riêng doanh thu CNTT đạt 248.000 tỷ đồng. Giá trị Việt Nam tạo ra trong doanh thu của các doanh nghiệp FDI là khoảng 486.000 tỷ đồng (19 tỷ USD).
Ðáng chú ý, giá trị xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa phần cứng công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông trong năm 2024 ước đạt 132.000 tỷ đồng, chiếm 32% tỷ trọng tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của quốc gia.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đã tăng mạnh từ khi phát động chiến lược Make in Vietnam.
Tỷ trọng này đạt 21,35% năm 2019 và đến nay đã đạt khoảng 31,8%.
Khi thực hiện chiến lược Make in Viet Nam, các doanh nghiệp sẽ phải sáng tạo nhiều hơn, thiết kế nhiều hơn, nhờ vậy phát huy trí tuệ, khả năng sáng tạo trong việc giải quyết các bài toán lớn của đất nước, và từ đây đi ra toàn cầu.
Giá trị gia tăng tại Việt Nam vì thế cũng sẽ cao hơn so với việc chỉ đơn thuần là gia công, lắp ráp.
Chiến lược Make in Viet Nam không chỉ là động lực giúp các doanh nghiệp công nghệ số trong nước phát triển mà còn là kim chỉ nam để các doanh nghiệp Việt Nam vươn mình ra thị trường quốc tế.
Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, hiện có khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài.
Theo số liệu của Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), năm 2023 ghi nhận 207 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực TT&TT, với tổng vốn đăng ký 2,82 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của cả nước.
Khởi nguồn từ gia công phần mềm, các doanh nghiệp Việt Nam đã dần chuyển mình, vươn tới những lĩnh vực sáng tạo và công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn.
Những bước tiến ấn tượng này là minh chứng rõ rệt cho thế mạnh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên trường quốc tế.
Ðơn cử như ở mảng phần mềm và dịch vụ CNTT, với sự phát triển nhanh chóng, vững chắc, các sản phẩm, dịch vụ Make in Viet Nam đang góp phần ghi danh Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) với 20 doanh nghiệp IT Việt Nam đang hoạt động tại Nhật Bản, trong giai đoạn 2020 - 2024, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đã tăng từ 672 triệu USD lên 1,345 tỷ USD, gấp 2 lần, với tốc độ tăng trưởng từ 22 - 28%/năm. Tổng số lao động tăng thêm gần 8.000 người.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đi ra biển lớn và gặt hái những kết quả đáng ngưỡng mộ. FPT, Viettel và Sconnect là những điển hình tiêu biểu cho sự thành công của chiến lược Make in Viet Nam.
Với FPT, hành trình chinh phục thị trường quốc tế của tập đoàn này đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc. Từ những bước đi khiêm tốn khi lần đầu ra biển lớn năm 1999, FPT hiện là một trong những công ty dịch vụ CNTT hàng đầu.
Sau khi vượt mốc 1 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu phần mềm cho thị trường nước ngoài, FPT đang chuyển mình vượt khỏi nhóm các công ty dịch vụ CNTT vừa và nhỏ để bắt đầu một cuộc đua mới, với đích đến là cột mốc doanh thu 5 tỷ USD vào năm 2030.
Với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), từ một đội quân lao động sản xuất của quân đội, Viettel giờ đã trở thành tập đoàn công nghệ toàn cầu với sứ mệnh quốc gia.
Sau 15 năm kể từ khi khai trương thị trường nước ngoài đầu tiên, Viettel đã trở thành nhà đầu tư quốc tế chuyên nghiệp, đứng số 1 ở 7/10 thị trường quốc tế.
Doanh thu từ hoạt động đầu tư nước của Viettel đạt hơn 3 tỷ USD (năm 2023), duy trì tốc độ tăng trưởng cao 7 năm liên tiếp, gấp 5 lần trung bình ngành trên thế giới, đem lại nguồn thu ngoại tệ hàng năm chuyển về Việt Nam lên tới 500 triệu USD.
Viettel đã khiến thế giới sửng sốt khi công bố bảng mạch và chip 5G tại triển lãm di động lớn nhất thế giới (MWC). Càng bất ngờ hơn khi Viettel là nhà mạng duy nhất trên thế giới sản xuất được thiết bị viễn thông, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 6 quốc gia đầu tiên trên thế giới làm chủ công nghệ 5G.
Ở mảng công nghiệp nội dung số, Sconnect hiện là một trong những công ty Việt Nam tiên phong trong việc sản xuất các nội dung hoạt hình trên YouTube, hướng tới người xem là đối tượng trẻ em tại thị trường nước ngoài.
Từ nhân vật Wolfoo ban đầu, SConnect hiện đã đóng gói quy trình để sáng tạo ra các bộ tài sản trí tuệ mới, đồng thời mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như lập trình game, mobile app, cấp quyền hình ảnh, phân phối nội dung cho đến bán bản quyền nhân vật.
Chiến lược “Make in Viet Nam” không chỉ là động lực thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số trong nước mà còn là nền tảng để Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Những thành tựu này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia công nghiệp hiện đại trong mắt bạn bè quốc tế.
- Apple Intelligence ‘ngốn’ 7GB dung lượng iPhone
- Cáp quang biển AAE-1 vừa sửa xong, tuyến IA lại gặp sự cố
- Microsoft dự chi 80 tỷ USD cho trung tâm dữ liệu AI
- Huawei phả hơi nóng buộc Apple giảm giá iPhone
- Những chiếc smartphone được mong chờ nhất năm 2025
- VNPT, Viettel và Intrust CA chiếm gần 79% thị phần dịch vụ chữ ký số công cộng
- AI cũng sẽ có tài khoản Facebook trong vài năm tới
- Tính toán của Microsoft khi ‘mở cửa’ cho mô hình AI bên thứ ba?
- Sức hút Việt Nam