Công ty chip Mỹ ươm tạo startup robot, AI Make in Viet Nam

Thứ tư, ngày 6 tháng 3 năm 2024 | 10:32

Nhiều startup Make in Viet Nam như robot DeltaX, thiết bị nhận dạng khuôn mặt Aircity, nền tảng AI đàm thoại Vbee... vừa lọt vào vòng ươm tạo khởi nghiệp của doanh nghiệp Mỹ.

Nhà sản xuất chip Qualcomm của Mỹ vừa công bố danh sách các startup Việt lọt vào vòng ươm tạo của chương trình Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2024. Ra mắt từ tháng 12/2019, đây là chương trình được doanh nghiệp này tổ chức nhằm tìm kiếm và nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam. 

Chương trình có sự tham gia hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển hệ sinh thái công nghệ Việt, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thiết kế các sản phẩm 5G, IoT, trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh...

startup viet.png

 

10 startup Việt Nam được Qualcomm đưa vào ươm tạo bằng việc hỗ trợ tài chính, kỹ thuật. 

Theo đó, có tổng cộng 10 startup Việt lọt vào vòng ươm tạo của Qualcomm. Các startup này bao gồm AirCity - Thiết bị nhận dạng khuôn mặt để kiểm soát truy cập; DeltaX - Dòng robot với giá cả phải chăng; GoTrust - “Ki ốt” tự phục vụ dịch vụ chăm sóc sức khỏe tự động; HSPTech - Thiết bị đeo theo dõi thời gian thực chống tĩnh điện; VOXCool - Pin lạnh tích hợp IoT; MET EV với sản phẩm xe điện thông minh. 

Bên cạnh đó, còn 4 startup có yếu tố AI là Palexy - công ty sử dụng AI phân tích dữ liệu nhằm tối ưu hoá hoạt động bán lẻ; Vbee - Nền tảng AI đàm thoại, tập trung vào ngành tài chính; Olli Technologies với các sản phẩm nhà thông minh và Realtime Robotics – Gimbal đa camera dựa trên AI đầu tiên trên thế giới.

Theo Qualcomm, các startup này được lựa chọn dựa trên nhiều tiêu chí, bao gồm năng lực kỹ thuật, sản phẩm sáng tạo và các công nghệ có thể được cấp bằng sáng chế. Ngoài ra, còn có yếu tố về sự phù hợp với quá trình chuyển đổi số quốc gia và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam.

robot delta x 2.jpg

Xưởng chế tạo cánh tay robot dùng trong dây chuyền sản xuất công nghiệp của startup Delta X. 

Các startup sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ tài chính trị giá 10.000 USD để tiếp tục phát triển dự án của mình trong 6 tháng tới khi tham gia vào giai đoạn ươm tạo. Chương trình còn bao gồm việc hỗ trợ kỹ thuật, huấn luyện kinh doanh và đào tạo kiến thức về sở hữu trí tuệ.

Các startup tham gia cũng sẽ được hỗ trợ chi phí nộp bằng sáng chế lên đến 5.000 USD. Qualcomm sẽ tổ chức vòng chung kết chương trình vào tháng 8/2024 để chọn ra 3 đội chiến thắng với tổng giải thưởng tiền mặt trị giá 225.000 USD.

Theo ông Thiều Phương nam, Tổng giám Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, Việt Nam là một khu vực trọng điểm để nuôi dưỡng tài năng đổi mới sáng tạo. Các công ty khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

“Chúng tôi rất vui mừng được hỗ trợ và nuôi dưỡng những công ty triển vọng này khi họ phát triển các giải pháp đột phá trong lĩnh vực thành phố thông minh, robot và IoT. Chúng tôi mong muốn được chứng kiến tác động của những giải pháp này trong việc định hình bối cảnh công nghệ và góp phần vào sự thành công của Việt Nam”, ông Thiều Phương Nam nói.