Công ty của ông Hạnh Nguyễn cả năm chỉ lãi 3 tỷ đồng
Trong bối cảnh ngành hàng không trong nước trải qua năm khó khăn nhất trong lịch sử, những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại sân bay như Sasco cũng điêu đứng.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco (mã chứng khoán: SAS) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với các số liệu tiếp tục đà ảm đạm khi ngành hàng không vẫn chưa thể phục hồi nhanh chóng sau giai đoạn gần như "đóng băng" dài. Hậu quả kéo theo là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại sân bay (phòng chờ, cửa hàng miễn thuế) như Sasco cũng tiếp tục khó khăn.
Trong quý cuối năm, Sasco báo cáo doanh thu thuần chỉ 61 tỷ đồng, sụt giảm hơn 70% so với cùng kỳ 2020. Trong khi các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đi, đến sân bay Tân Sơn Nhất chưa được khôi phục trong quý vừa qua, tần suất khai thác các chuyến bay nội địa cũng thấp so với cùng kỳ năm trước khi các đường bay mới được nối lại từ tháng 10.
Không chỉ riêng Sasco khó khăn, các doanh nghiệp liên doanh, liên kết cũng gặp tình trạng tương tự khiến phần cổ tức, lợi nhuận công ty nhận được giảm mạnh. Do đó, thu nhập từ hoạt động tài chính của Sasco trong 3 tháng cuối năm 2021 chỉ đạt 21 tỷ đồng, cũng giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu quá thấp nên dù các chi phí giảm mạnh so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty do doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT trong quý IV chỉ còn 3 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm trước 95%.
Tổng kết cả năm qua, doanh số của doanh nghiệp sở hữu hệ thống phòng chờ, cửa hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất đạt 321 tỷ đồng, chỉ tương đương 1/3 so với 2020. Do khoản lỗ nặng của quý III/2021 xóa sạch thành quả của nửa đầu năm trước đó nên cả năm qua, Sasco lãi đúng 3 tỷ đồng, sụt giảm 98% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp kỷ lục của Sasco từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Biểu đồ: Việt Đức.
Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Sasco đạt hơn 1.500 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ đồng sau 12 tháng. Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, công ty của ông Hạnh Nguyễn đã chủ động giảm mạnh giá trị hàng tồn kho từ hơn 135 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn chưa đến 20 tỷ đồng vào cuối năm. Một lý do khác khiến tổng tài sản của Sasco sụt giảm là công ty giảm hơn 100 tỷ đồng tiền phải trả nhà cung cấp.
Nhờ sự thay đổi để ứng phó với tình hình ảm đạm của ngành hàng không trong giai đoạn dịch bệnh, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Sasco vẫn dương 8 tỷ đồng dù lợi nhuận rất thấp. Trong khi đó, vào năm ngoái khi lần đầu chịu tác động bởi dịch Covid-19, dòng tiền kinh doanh của Sasco âm gần 200 tỷ đồng.
Sở hữu tổng tài sản hơn 1.500 tỷ đồng nhưng nợ phải trả của công ty này chỉ vỏn vẹn 130 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản của công ty chưa đến 10%. Đặc biệt, Sasco chỉ có đúng 2 tỷ đồng vay nợ ngân hàng.
Hiện tại, nhóm cổ đông của ông Hạnh Nguyễn sở hữu 48% cổ phần Sasco còn Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nắm giữ 49% vốn điều lệ doanh nghiệp dịch vụ sân bay này. Với cơ cấu cổ đông quá cô đặc, lượng cổ phiếu lưu hành tự do trên thị trường thấp nên thị giá SAS trên sàn UPCoM không biến động lớn với thanh khoản giao dịch nhỏ giọt. Hiện tại, cổ phiếu SAS được giao dịch quanh vùng giá 27.000 đồng.
Nguồn Dân Trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cong-ty-cua-ong-hanh-nguyen-ca-nam-chi-lai-3-ty-dong-20220123130213831.htm
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine