Công ty nước ngoài rút khỏi Nga

Thứ ba, ngày 1 tháng 3 năm 2022 | 14:43

Các công ty nước ngoài đang rút khỏi Nga, đảo ngược 30 năm đầu tư của phương Tây và các doanh nghiệp nước ngoài vào Nga kể từ sau Liên Xô sụp đổ.

Theo Bloomberg, danh sách các công ty nước ngoài cắt quan hệ hoặc xem xét hoạt động của họ tại Nga vẫn đang tăng lên từng giờ khi các nước áp lệnh trừng phạt Nga, đóng cửa không phận với máy bay Nga và loại một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT.

Một số công ty cho rằng rủi ro về danh tiếng và tài chính là quá lớn nếu tiếp tục ở lại.

Đồng rúp đã giảm 30% trong phiên hôm qua sau khi Mỹ cấm giao dịch với ngân hàng trung ương Nga, cản trở Nga sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối trị giá 630 tỷ USD để bảo vệ đồng tiền.

Đối với một số doanh nghiệp, quyết định rời khỏi Nga đồng nghĩa với việc từ bỏ nhiều thập kỷ đầu tư sinh lợi. Kể từ những năm 1990, nhiều hãng năng lượng lớn nước ngoài đã đổ tiền vào Nga. Nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Nga BP mới đây cũng thông báo thoái gần 20% cổ phần tại hãng dầu khí do nhà nước Nga kiểm soát Rosneft, một động thái có thể làm xóa sổ 25 tỷ USD và giảm sản lượng dầu khí toàn cầu của gã khổng lồ năng lượng Anh xuống 1/3.

Công ty nước ngoài rút khỏi Nga - 1

Nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Nga BP mới đây thông báo thoái gần 20% cổ phần tại hãng dầu khí do nhà nước Nga kiểm soát Rosneft (Ảnh: Bloomberg).

Tương tự, hãng dầu lửa Shell hôm qua cũng cho biết đang chấm dứt quan hệ đối tác với Gazprom, hãng dầu khí do nhà nước Nga kiểm soát, bao gồm cơ sở khí đốt Sakhalin-II và dự án đường ống Nord Stream 2 có tổng trị giá khoảng 3 tỷ USD.

Equinor ASA, hãng năng lượng lớn nhất Na Uy, cũng tuyên bố bắt đầu rút khỏi các dự án liên doanh ở Nga, trị giá khoảng 1,2 tỷ USD.

Các động thái này khiến Exxon Mobil và TotalEnergies SE trở thành những tập đoàn năng lượng lớn có hoạt động khai thác dầu đáng kể ở Nga.

Exxon giám sát dự án Sakhalin-1 cùng với Rosneft và các công ty từ Nhật Bản và Ấn Độ. Trong khi đó, TotalEnergies là cổ đông lớn của Novatek, nhà sản xuất khí đốt ngoài quốc doanh lớn nhất tại Nga.

Tuần trước, CEO của TotalEnergies vẫn khẳng định ông chưa thấy tác động gì từ cuộc khủng hoảng này. Nhưng ít nhất đến hiện tại, xu hướng rút khỏi Nga đang gia tăng trong các công ty nước ngoài có hoạt động tại Nga.

"Tôi không ngạc nhiên khi thấy ngày càng nhiều thông báo rút khỏi Nga", ông Allen Good, chiến lược gia tại Morningstar nói và cho rằng: "BP có thêm áp lực từ chính phủ Anh, tôi không chắc TotalEnergies sẽ đối mặt với áp lực tương tự vì quan hệ giữa Pháp và Nga khác nhau".

Sau khi Liên Xô tan rã, các doanh nghiệp nước ngoài đã đua nhau đổ tiền vào đầu tư, mua bán và hợp tác khi nhìn thấy cơ hội lớn ở Nga - một thị trường khổng lồ mới với hàng triệu người tiêu dùng cũng như giàu khoáng sản và dầu mỏ. Tuy nhiên, cuộc chiến tại Ukraine đã khiến cho xu hướng đó ngừng lại.

Quỹ tài sản có chủ quyền của Na Uy, quỹ lớn nhất thế giới, cho biết đang đóng băng tài sản của Nga trị giá khoảng 2,8 tỷ USD và sẽ đưa ra kế hoạch rút khỏi nước này từ 15/3.

Baker McKenzie là một trong số ít những hãng luật công khai tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ với một số khách hàng Nga nhằm tuân thủ các lệnh trừng phạt. Khách hàng của hãng luật có trụ sở tại Chicago này bao gồm Bộ Tài chính Nga, ngân hàng lớn thứ 2 Nga VTB. Baker McKenzie cũng cho biết đang xem xét các hoạt động tại Nga.

Tương tự, hãng luật Linklaters có trụ sở tại London cũng tuyên bố đang xem xét tất cả các công việc liên quan đến Nga.

Một số công ty luật lớn nhất ở London, bao gồm Allen & Overy và Clifford Chance, từ chối trả lời các câu hỏi của Bloomberg về việc xử lý các khách hàng Nga. Các tòa án ở London từ lâu đã trở thành nơi giải quyết các tranh chấp về các hợp đồng kinh doanh cũng như các vụ kiện tụng chia tài sản sau ly hôn của nhiều người giàu Nga.

Áp lực đối với những công ty có doanh số và liên doanh tại Nga đang ngày càng gia tăng. Daimler Truck Holding AG, một trong những nhà sản xuất xe thương mại lớn nhất thế giới, cho biết sẽ ngừng các hoạt động kinh doanh tại Nga cho đến khi có thông báo mới và có thể xem xét quan hệ với đối tác liên doanh với công ty địa phương Kamaz PJSC.

Volvo Car AB và Volvo AB, nhà sản xuất xe tải, cũng thông báo tạm ngừng bán hàng và sản xuất tại Nga. Tương tự, General Motor cũng cho biết dừng các chuyến hàng tới Nga vì vấn đề chuỗi cung ứng và một số vấn đề ngoài tầm kiểm soát của công ty. Hãng xe Mỹ này xuất khẩu sang Nga mỗi năm 3.000 chiếc.

Trong một tuyên bố mới đây, Harley-Davidson cũng cho biết đã tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga. Trong năm ngoái, thị trường này cùng với châu Âu và Trung Đông chiếm 31% doanh số bán xe máy của hãng. Nhà sản xuất xe máy nổi tiếng của Mỹ đã không phân chia doanh số bán hàng riêng cho Nga.

Theo Dân Trí

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cong-ty-nuoc-ngoai-rut-khoi-nga-20220301100149829.htm