Cột mốc mới trong nỗ lực phát triển AI có trách nhiệm tại Việt Nam
Trong khuôn khổ hội thảo công nghệ cấp cao “Trí tuệ nhân tạo An toàn – Định hình Đổi mới Có Trách nhiệm” vừa diễn ra tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã công bố thành lập Ủy ban Đạo đức Trí tuệ nhân tạo (AI).
Đây là kết quả từ hai thỏa thuận hợp tác giữa FPT và Viện Nghiên cứu AI Mila, lần lượt ký vào năm 2020 và 2023 nhằm xây dựng chiến lược và khung trách nhiệm AI, đảm bảo tính đạo đức trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ này.
Tại sự kiện “Định hình tương lai sáng tạo AI có trách nhiệm” do FPT, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa), cùng Viện Mila đồng tổ chức tại Hà Nội, ông Bengio - một trong những nhà khoa học đặt nền tảng cho sự phát triển của AI, nhận định sức mạnh của AI và ứng dụng liên quan công nghệ này đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
“Từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm điện toán đào tạo tăng gấp bốn lần, hiệu quả sử dụng dữ liệu tăng 30%, hiệu suất thuật toán tăng gấp ba lần và số tiền đầu tư cho AI đạt trung bình 100 tỷ USD/năm - tương ứng mức tăng 30%”, nhà sáng lập viện Mila chia sẻ.
Giáo sư Yoshua Bengio có bài phát biểu tại trụ sở Tập đoàn FPT chiều 5/12. Ảnh: Ngô Vinh
Cũng tại sự kiện, giáo sư Yoshua Bengio, nhà sáng lập Viện nghiên cứu Mila - một trung tâm toàn cầu về công nghệ học sâu (deep-learning) đã chia sẻ tầm nhìn về tương lai con người hợp tác với trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như những nguy cơ và cách thức giải quyết rủi ro tiềm ẩn của các hệ thống AI này.
“Bản năng sinh tồn của AI”
Theo người đứng đầu Viện nghiên cứu Mila, loài người sẽ đi trên con đường nguy hiểm khi tăng cường sức mạnh cho những hệ thống học sâu mà chưa thực sự hiểu hết công nghệ này.
Hiện nay, AI đang vượt trội con người về khả năng ngôn ngữ, song vẫn thua kém ở những lĩnh vực như suy luận, lập kế hoạch và khả năng tự chủ.
Tuy nhiên, “không có bằng chứng khoa học nào chứng minh con người là đỉnh cao của trí thông minh” - giáo sư người Canada nhận định, đồng thời chỉ ra tiềm năng của những hệ thống siêu AI đánh bại con người ở nhiều tác vụ đòi hỏi trí tuệ khác trong tương lai.
Bên cạnh những nguy cơ tạo ra khi năng lực AI ngày càng tăng như tác động thị trường lao động, tấn công mạng hay sinh học bằng thuật toán, thì việc xã hội không thể kiểm soát AI cũng là một lo ngại đối với cộng động nghiên cứu.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT trao kỷ niệm chương cho ông Yoshua Bengio đánh dấu 5 năm hợp tác giữa hai bên. Ảnh: FPT
“Cách nhìn đối với những nguy cơ này sẽ có đôi chút khác biệt dựa vào những kỳ vọng về cách thức xã hội có thể áp dụng để ngăn chặn rủi ro, hiệu quả của những biện pháp cũng như tốc độ mà AI gia tăng sức mạnh”, ông Bengio phân tích.
Trong đó, giáo sư đầu ngành về AI nhấn mạnh đến nguy cơ khi AI trở nên có nhận thức hơn, nó có thể phát sinh “bản năng sinh tồn tương tự như các thực thể sống khác trên trái đất”.
Bản năng sinh tồn sẽ tìm cách thoát khỏi sự kiểm soát, chẳng hạn như “ngăn con người tắt hệ thống” hoặc một sơ suất không chủ ý tạo điều kiện cho AI “nghĩ ra được một kế hoạch đào tẩu có tỷ lệ thành công cao”, từ đó nhanh chóng đưa loài người vào con đường sụp đổ quy mô lớn.
Ngoài ra, ông Yoshua Bengio cũng đặt ra câu hỏi về mặt đạo đức AI, “Ở cấp độ thông minh như con người và hơn nữa, AI có thể được sử dụng để thiết kế ra những vũ khí mới. Ai sẽ là người đặt ra mục tiêu cho các hệ thống AI? Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị và an ninh toàn cầu nhức nhối như hiện nay”.
Chìa khóa ở cách thức đào tạo thuật toán
Theo giáo sư Yoshua Bengio, cách thức giảm thiểu rủi ro tiềm năng trên nằm ở quy trình huấn luyện AI. Điểm mấu chốt là phải loại bỏ những tác nhân có thể khiến thuật toán trở nên không thể đoán trước.
Cách tiếp cận này được gọi là “phi tác nhân” - không nên tạo ra các hệ thống giống con người về mặt cảm xúc, ngoại hình, hay ý thức và quyền tự chủ. Khi đó hệ thống chỉ có khả năng trả lời câu hỏi dựa trên dữ liệu được cung cấp.
Nhà sáng lập Mila chia sẻ, cách tiếp cận này có khả năng hỗ trợ giới khoa học tăng tốc khám phá, giải quyết các thách thức kỹ thuật đang gặp phải, giúp tạo ra bộ lọc xác định hành vi nào của một hệ thống AI là nguy hiểm và không được phép, nhưng vẫn có thể tận dụng kiến thức chuyên môn hẹp cho các ứng dụng thương mại.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT khẳng định giáo sư Yoshua Bengio có những đóng góp to lớn đối với nhân loại trong việc phát triển những phương pháp máy học hiện đại, làm thay đổi cách thức hệ thống AI hoạt động ngày nay.
Giáo sư Yoshua Bengio sinh năm 1964 tại Canada, là một trong những nhà khoa học đặt nền móng cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và tiên phong trong lĩnh vực học sâu (deep learning).
Năm 1993, ông thành lập Viện nghiên cứu Mila và trở thành trung tâm toàn cầu của những tiến bộ khoa học, góp phần quan trọng đưa Montreal (Canada) trở thành trung tâm toàn cầu về công nghệ học sâu. Đến 2020, Google, Facebook, Microsoft và Samsung đều đã thành lập phòng thí nghiệm vệ tinh ở Montreal.
Bên cạnh giải thưởng Turing danh giá đạt được năm 2018, Bengio còn là nhà khoa học máy tính được trích dẫn nhiều thứ hai trên thế giới theo Guide2Research năm 2021.
- Siêu phẩm iPhone không viền đẹp long lanh của Apple có sớm thành hiện thực?
- Người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại từ hôm nay
- iPhone 17 Pro có thể trở thành siêu phẩm của năm 2025?
- YouTube bắt đầu xử lý video ‘giật tít câu view’
- Từ 25/12: Chỉ tài khoản đã xác thực mới được đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội
- VNPT chính thức cung cấp dịch vụ 5G
- YouTube bắt đầu xử lý video ‘giật tít câu view’
- YouTube bắt đầu xử lý video ‘giật tít câu view’
- Người Việt đã dễ dàng nhận diện ứng dụng của cơ quan nhà nước trên Google Play