Cụ bà ở Hà Nội tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn
Cụ bà (86 tuổi, ở huyện Quốc Oai) trở thành bệnh nhân đầu tiên tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong năm nay trên địa bàn Hà Nội.
theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, cụ bà 86 tuổi khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao, đau đầu, lơ mơ... Sau đó, cụ được gia đình đưa đến Bệnh viện Quân y 103.
Tại đây, bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội trú và xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy. Kết quả, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis). Dù được điều trị tích cực nhưng do tuổi cao, bệnh nặng nên cụ đã không qua khỏi.
Xuất huyết dưới da là biểu hiện của nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Ảnh: M.H
Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 7 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có một trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm 6 ca và số ca tử vong tương đương.
Trước đó, như Báo Hànộimới đã đưa tin, một người đàn ông (41 tuổi ở Thanh Hóa) sau khi chế biến món tiết canh và ăn hai bát đã bị sốt cao, đau đầu, ù tai, lòng bàn chân trái có vết sưng bầm tím.
Bốn ngày sau đó, anh đến Trạm Y tế xã để khám và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, kết quả xét nghiệm chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn và được chuyển tiếp đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Sau 10 ngày được điều trị tích cực nhưng do tình trạng bệnh quá nặng nên nam bệnh nhân đã tử vong vào sáng 2-8.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có 3 nhóm đối tượng dễ bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, gồm: Những người tham gia giết mổ lợn, chế biến thịt lợn ốm, chết; người làm việc ở các lò giết mổ lợn tập trung; những người ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn không được chế biến kỹ.
Các chuyên gia y tế cho rằng, liên cầu khuẩn lợn là bệnh lý nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị cứu chữa kịp thời. Vi khuẩn này có thể lây nhiễm sang người qua đường tiếp xúc trực tiếp chăn nuôi, hay giết mổ, chế biến thịt lợn bệnh.
Liên cầu khuẩn lợn xuất hiện chủ yếu ở lợn nhà nhưng đôi khi vẫn tìm thấy ở lợn rừng, ngựa, chó, mèo, và chim. Ngoài ra, vi khuẩn này còn tồn tại ở trong rác, phân, nước. Liên cầu khuẩn lợn có 2 loại, loại I gây dịch bệnh lẻ tẻ ở những đàn lợn nhỏ đang bú sữa; loại II gây bệnh ở lợn mọi lứa tuổi và có thể lây nhiễm cho người.
Liên cầu khuẩn lợn có thể lây nhiễm sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh và lợn lành nhưng mang mầm mống bệnh. Vi khuẩn này sẽ lây sang người giết mổ, chế biến qua những vết thương hở trên da và sử dụng thịt lợn không chế biến kỹ.
Do vậy, nhiễm liên cầu khuẩn lợn không chỉ gặp ở người chăn nuôi mà còn gặp ở người giết mổ, người bán thịt, người nội trợ, chế biến thịt lợn hay ăn tiết canh, thịt lợn chưa chế biến kỹ.
Hiện, chưa có vắc xin phòng bệnh và cũng chưa có bằng chứng vi khuẩn này có thể lây truyền từ người sang người.
Cũng theo các bác sĩ, thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày, người bệnh thường có sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa.
Do đó, khi nghi ngờ mắc bệnh liên cầu lợn, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được khám và chữa trị kịp thời vì bệnh dễ gây biến chứng nguy hiểm.
- Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da khi trời hanh khô
- Căn bệnh khiến nhiều người không bao giờ tỉnh lại vào ngày hôm sau
- Bác sĩ trẻ phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối từ 2 dấu hiệu mờ nhạt
- Hà Nội: Số ca mắc sởi, sốt xuất huyết trong tuần cao nhất từ đầu năm
- Bác sĩ trẻ phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối từ 2 dấu hiệu mờ nhạt
- Hút thuốc lá 10-20 năm, phổi đen kịt do hắc ín
- Chuyên gia chỉ ra 3 thói quen gây ung thư thực quản
- Vị trí đau cảnh báo căn bệnh ung thư nguy hiểm số 1
- Viện phí điều trị ung thư đứng đầu danh sách chi trả thuốc BHYT