Cục diện chiến trường Ukraine khi Nga đổi chiến thuật
Nga thông báo rút lực lượng gần Kiev, mở ra giai đoạn mới trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, khi các trận đánh ác liệt nhiều khả năng tập trung ở miền đông.
Các đoàn xe bọc thép của Nga đã bắt đầu rời khỏi khu vực ngoại ô Kiev và Chernihiv ở miền bắc Ukraine hôm 31/3, sau khi Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố "giảm mạnh" hoạt động quân sự ở khu vực này để "tăng cường tin tưởng lẫn nhau và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán tiếp theo".
Động thái này của lực lượng Nga giúp quân đội Ukraine giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực xung quanh Kiev, đồng thời thắp lên hy vọng về một giai đoạn giảm căng thẳng trong cuộc xung đột giữa hai bên. Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó cho thấy đây chỉ là một phần trong hoạt động thay đổi chiến thuật của lực lượng Nga trên chiến trường Ukraine, khi các lực lượng rút khỏi Kiev đang được dồn đến miền đông nước này.
Serhiy Haidai, người đứng đầu chính quyền quân sự vùng Luhansk, miền đông Ukraine, hôm nay xác nhận quân đội Nga "tập hợp lượng lớn binh sĩ và khí tài" trong khu vực, dường như chuẩn bị cho một đợt tấn công lớn. "Họ đã tìm cách đột phá qua Rubizhne tối qua, nhưng bị đẩy lùi", Haida nói. "Chúng tôi đang trụ vững, nhưng đối phương đang tập kết lực lượng lớn".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 2/4 cũng nhận định Nga sẽ gia tăng sức ép ở phía đông và phía nam, sau khi giảm hoạt động ở miền bắc. "Mục tiêu của quân đội Nga là gì? Họ muốn chiếm cả Donbass và miền nam Ukraine. Mục tiêu của chúng tôi là gì? Bảo vệ bản thân, tự do, lãnh thổ và người dân của chúng tôi", ông nói.
Hai lính Ukraine đứng cạnh một phương tiện quân sự bị hỏng ở ngoại ô Kiev hôm 2/4. Ảnh: NY Times.
"Người Nga đang điều chỉnh mục tiêu để phù hợp với tình hình thực tế", Lawrence Freedman, giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến tranh tại Đại học King ở London, nói. "Họ biết đà tiến quân ở Kiev không thuận lợi, nên họ đổi chiến thuật, chuyển hướng tập trung vào Donbass, bởi thực tế đó là tất cả những gì họ có thể làm".
Igor Strelkov, cựu sĩ quan tình báo Nga, cho rằng quyết định rút lực lượng khỏi Kiev và Chernihov là cần thiết, do hiệu quả tác chiến ở mũi tiến công này không cao, trong khi mối đe dọa với binh sĩ Nga tăng lên từng ngày. Thời tiết ở Kiev và miền bắc Ukraine đang ấm dần lên, cung cấp thảm thực vật có thể là nơi ẩn nấp thuận lợi cho lực lượng Ukraine tiến hành các đợt phục kích, tập kích.
"Nếu trước sau gì cũng phải rút khỏi một khu vực mà bạn không thể giữ, tốt nhất là làm điều đó trước khi lực lượng của bạn hứng chịu tổn thất nặng nề hơn", Strelkov nói. "Nga vẫn cần lực lượng này, cuộc chiến sẽ còn dài".
Mykhaylo Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraine, cũng nói rằng động thái rút quân của Nga là nhằm "ưu tiên một chiến thuật khác".
"Nga sẽ rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ Ukraine, trừ khu vực phía nam và phía đông", ông Podolyak nói. "Họ sẽ thiết lập hệ thống phòng không để kiểm soát bầu trời, giảm đáng kể tổn thất và đưa ra các điều khoản trên bàn đàm phán".
Yaroslav Trofimov, phóng viên đối ngoại chính của WSJ, cho rằng quyết định chuyển hướng sang miền đông Ukraine, dồn lực kiểm soát Donbass có thể cho phép Nga tập trung hỏa lực vào một mặt trận nhỏ hơn, rút ngắn đường tiếp tế và giúp hoạt động yểm trợ hỏa lực của không quân dễ dàng hơn, mang lại cho Moskva cơ hội tốt hơn về mặt quân sự. Nó cũng giúp Nga có thể bao vây một số đơn vị tinh nhuệ nhất của Ukraine đang đóng quân ở miền đông.
Trong khi đó, quân đội Ukraine cũng "rảnh tay" khỏi nhiệm vụ phòng thủ Kiev và có thể dồn lực lượng tới mặt trận Donbass. Phương Tây nhiều khả năng sẽ tăng cường viện trợ vũ khí, khí tài cho Ukraine nhằm tăng cường khả năng phòng thủ ở miền đông.
"Đây là công thức cho một cuộc xung đột kéo dài, khi cả hai bên đều tin rằng mình có thể thắng, khiến cơ hội sớm đạt thỏa thuận bằng các cuộc đàm phán hòa bình trở nên mong manh hơn", Trofimov viết.
Nhiều nhà phân tích quân sự cũng cho rằng cuộc xung đột có thể kéo dài trong nhiều tháng và thậm chí lâu hơn, với những cuộc giao tranh dữ dội tập trung ở các thành phố lớn miền đông và miền nam Ukraine.
Trong khi các nhà đàm phán hai bên đã đạt được một số tiến bộ, trong đó Ukraine chấp nhận từ bỏ tham vọng gia nhập NATO để tuyên bố trung lập, Kiev và Moskva vẫn chưa thể tìm thấy tiếng nói chung về tình trạng của khu vực Donbass và bán đảo Crimea.
Một đoàn xe quân sự di chuyển trên cao tốc Mariupol - Donetsk ở Ukraine hôm 23/3. Ảnh: Reuters.
Kết cục của cuộc chiến thu hẹp quy mô này sẽ phụ thuộc vào khả năng bổ sung lực lượng, khí tài của hai bên sau những trận giao tranh khốc liệt.
Vào giai đoạn đầu của chiến dịch tại Ukraine, Nga đã triển khai những đơn vị tinh nhuệ nhất ở mặt trận miền bắc, với mục tiêu nhanh chóng kiểm soát Kiev. Tuy nhiên, nhiều đơn vị trong số đó đã hứng chịu tổn thất trước sức kháng cự của quân đội Ukraine, vốn được trang bị nhiều loại tên lửa hiện đại của phương Tây.
"Lực lượng Nga có nhiều khí tài, nhiều phương tiện thiết giáp, nhưng có một vấn đề lớn là không có nhiều quân nhân chuyên nghiệp để bổ sung cho những đơn vị đã chịu tổn thất", cựu bộ trưởng quốc phòng Andriy Zagorodnyuk, cố vấn của Tổng thống Zelensky, nói.
Zagorodnyuk đánh giá quân đội Ukraine, với khoảng 200.000 người lúc bắt đầu chiến dịch, có thể bổ sung một lực lượng có quy mô tương tự khi cần thiết. "Nếu cuộc chiến kéo dài, câu hỏi duy nhất là liệu Ukraine có tiếp tục nhận được hỗ trợ từ các đối tác phương Tây hay không, trước hết là Mỹ. Nếu có nguồn viện trợ này, chúng tôi có thể cầm cự lâu hơn", ông nói.
Peter Dickinson, nhà phân tích kỳ cựu của Hội đồng Đại Tây Dương ở Mỹ, nhận định với những diễn biến này trên chiến trường, "xung đột ở Ukraine rõ ràng vẫn chưa thể sớm kết thúc".
"Trong những tuần tới, giao tranh ở miền nam và miền đông Ukraine sẽ diễn ra quyết liệt, song song với các cuộc đàm phán hòa bình, khi cả hai bên đều tìm cách sử dụng thành quả trên chiến trường để củng cố lập trường đàm phán", Dickinson cho hay.
Nguồn VnExpress.net
https://vnexpress.net/cuc-dien-chien-truong-ukraine-khi-nga-doi-chien-thuat-4447115.html
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí