Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư

Chủ nhật, ngày 17 tháng 11 năm 2024 | 14:53

Đã thành thông lệ, vào tháng 11 hằng năm, các khu dân cư trên cả nước nói chung, địa bàn Hà Nội nói riêng lại đồng loạt tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11).

Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng, hướng đến từng gia đình, mỗi người dân; góp phần xây dựng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương xung quanh vấn đề này.

mttq.jpg

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương. Ảnh: Thế Khánh

Tôn vinh sức mạnh cộng đồng

- Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Xin đồng chí cho biết, kết quả phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc từ những hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố trong thời gian qua?

- Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn nỗ lực làm tròn nhiệm vụ tăng cường xây dựng, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết, là “cầu nối” giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân.

Nhiệm kỳ 2019-2024, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã kết nạp thêm 4 tổ chức thành viên; thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên và các cấp chính quyền động viên, phát huy vai trò đoàn kết các giai tầng, nêu cao vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giới, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc luôn quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi và vận động, lôi cuốn để nhân dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động; phát huy mọi nguồn lực, khả năng sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã khẳng định mạnh mẽ vai trò là trung tâm quy tụ, tập hợp khối đại đoàn kết; phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên giải quyết kịp thời những vấn đề khó, mới, liên quan trực tiếp tới đời sống của nhân dân.

Các cuộc vận động, phong trào thi đua được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua, lao động sáng tạo của nhân dân và sự chung sức của cả cộng đồng tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, huy động được số tiền ủng hộ các loại quỹ lớn nhất từ trước đến nay.

- Thưa đồng chí, năm nay, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của Thủ đô có gì mới so với mọi năm?

- Năm nay, UBND thành phố Hà Nội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã thống nhất ban hành Kế hoạch liên tịch về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn thành phố. Theo đó, Ngày hội gồm cả phần lễ và phần hội để tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay cũng đúng vào dịp Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029 vừa diễn ra thành công tốt đẹp, cùng với phương hướng, nội dung, chương trình có nhiều điểm mới, trong đó có nội dung “Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”. Đây cũng chính là nội dung quan trọng được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đưa vào nội dung của Ngày hội để người dân cùng đóng góp ý kiến, hiến kế xây dựng khu dân cư phát triển hơn.

Thời gian tổ chức Ngày hội diễn ra từ ngày 1-11 đến hết ngày 18-11. Các địa phương bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ, căn cứ tình hình thực tế, để có hình thức tổ chức phù hợp; ưu tiên cho các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại; triển khai công tác vệ sinh môi trường; các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

- Tinh thần và hiệu quả từ Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ được phát huy, nhân rộng như thế nào trong việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, thưa đồng chí?

- Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư không ngừng được đổi mới nội dung và phương thức tổ chức, trở thành đợt sinh hoạt chính trị - xã hội rộng rãi thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Đây cũng là dịp để lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cùng sinh hoạt với nhân dân, qua đó thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, tăng cường vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân.

Các ý kiến góp ý tại Ngày hội là kênh thông tin phong phú, chính xác từ cộng đồng dân cư, là cơ sở để xây dựng, điều chỉnh các chủ trương, chính sách cho phù hợp với thực tiễn, là bước cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Đây còn là dịp để tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân với các cấp ủy Đảng, chính quyền.

mttq1.jpg

Tiết mục văn nghệ của các tầng lớp nhân dân trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 tại khu dân cư 15-16 phường Bưởi (quận Tây Hồ). Ảnh: Đỗ Tâm

Luôn đồng hành với nhân dân

- Đồng chí có thể chia sẻ thông qua Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc đã phát huy vai trò gắn kết cộng đồng ra sao, đặc biệt là việc phát huy mọi nguồn lực toàn dân trong công tác giảm nghèo?

- Theo thời gian, Ngày hội Đại đoàn kết ngày càng có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ Mặt trận các thời kỳ, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo diễn ra thiết thực.

Ngoài ra còn có hoạt động vinh danh các gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; tổng vệ sinh môi trường, giữ gìn trật tự đô thị, tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, sinh hoạt cộng đồng, tổ chức bữa cơm Đại đoàn kết… tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Những hoạt động đó đã kết nối “tình làng, nghĩa xóm”, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên và truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tương thân, tương ái trong mỗi cộng đồng dân cư, cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Hơn 20 năm qua, đã có 4.385 công trình dân sinh được xây dựng, 9.978 nhà Đại đoàn kết được xây mới, 3.940 nhà Đại đoàn kết được sửa chữa, 5.878 nhà Đại đoàn kết được trao tặng trong dịp tổ chức Ngày hội.

- Để nâng cao vai trò, uy tín của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ chú trọng thực hiện những nội dung, nhiệm vụ nào, thưa đồng chí?

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động để thực sự là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy vai trò nòng cốt chính trị và trách nhiệm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội; khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc thành phố tiếp tục xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, kịp thời tổng hợp và định hướng dư luận xã hội; tăng cường dân chủ, đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Cùng với đó là tăng cường đồng thuận, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại; góp phần giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!