Cuộc đấu trí quyết liệt trên bàn đàm phán

Thứ ba, ngày 16 tháng 7 năm 2024 | 16:26

Cách đây 70 năm, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết, đánh dấu một mốc son lịch sử chói lọi của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Hướng tới dịp kỷ niệm sự kiện trọng đại này, các chuyên gia, học giả nước ngoài đã chia sẻ suy nghĩ về ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm từ Hiệp định. Xin trân trọng giới thiệu.

Cuộc đấu trí quyết liệt trên bàn đàm phán ảnh 1

GIÁO SƯ CỐC NGUYÊN DƯƠNG, NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU KINH TẾ VÀ CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI THUỘC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRUNG QUỐC:

Thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao

Hiệp định Geneva là một thắng lợi to lớn của Việt Nam trên mặt trận ngoại giao tiếp sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, là dấu mốc lịch sử trên con đường đấu tranh giành độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của đất nước và nhân dân Việt Nam anh hùng.

Hiệp định Geneva là sự tiếp nối Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa thắng lợi trên chiến trường thành chiến thắng trên bàn đàm phán, góp phần trực tiếp vào việc kết thúc sự thống trị của thực dân Pháp tại Việt Nam và toàn cõi Đông Dương.

Để giành được thắng lợi có ý nghĩa quyết định này, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã trải qua quá trình chuẩn bị lâu dài với những sách lược, bước đi bài bản và hiệu quả, trước tiên là chín năm kháng chiến trường kỳ kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ làm thất bại hoàn toàn Kế hoạch Navarre, đập tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp.

Đây chính là tiền đề quan trọng để các bên thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.

Những khó khăn, gian nan trên bàn đám phán cũng không kém gì đánh trận trên chiến trường, với nhiều vòng thương lượng, đấu tranh hết sức cam go, phức tạp, có sự tham gia của nhiều bên với chủ trương, quan điểm và lợi ích khác nhau.

Việt Nam đã rất khéo léo tận dụng lợi thế từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, duy trì đoàn kết và quyết tâm cao, vừa kiên quyết về nguyên tắc vừa mềm dẻo về biện pháp trong quá trình đàm phán, tranh thủ cao nhất sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa, để đạt được mục tiêu cao nhất là buộc Pháp rút quân khỏi Việt Nam, chấm dứt ách đô hộ thực dân kéo dài hàng chục năm.

Trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ và đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva, Việt Nam và Trung Quốc đã duy trì sự hợp tác, tương trợ và đoàn kết hết sức chặt chẽ, tạo ra sức mạnh chung để chiến thắng chủ nghĩa thực dân, đế quốc, làm nên dấu ấn quan trọng gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế.

Hiệp định Geneva không chỉ có ý nghĩa lịch sử, mà còn có ý nghĩa hiện thực, đây là dịp để tổng kết những kinh nghiệm, bài học lịch sử, từ đó đánh giá chính xác những biến động lớn của môi trường quốc tế đương đại, nhận biết những thuận lợi, tích cực để phát huy; khó khăn, thách thức để vượt qua.

Là một nhân sĩ hữu nghị từng nhiều lần được mời sang Việt Nam dự các hoạt động kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva, tôi mong rằng vào những dịp kỷ niệm trọng đại của hai nước, giới nghiên cứu, học giả sẽ có nhiều cơ hội thăm viếng, trao đổi, nhằm tăng cường hiểu biết và tình cảm gắn bó, đưa thực tiễn sinh động vào các công trình nghiên cứu để phổ biến tới công chúng hai nước, phát huy và viết tiếp lịch sử hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc trong thời đại mới.

Cuộc đấu trí quyết liệt trên bàn đàm phán ảnh 2

GIÁO SƯ LỊCH SỬ ĐƯƠNG ĐẠI PIERRE JOURNOUD TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC PAUL-VALÉRY MONTPELLIER (PHÁP):

Kết hợp sức mạnh tổng hợp

Hiệp định Geneva năm 1954 không chỉ là thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam mà còn khẳng định vị thế, đường lối ngoại giao đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị Geneva chính thức đàm phán về vấn đề Đông Dương kể từ ngày 8/5/1954.

Với vai trò lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã áp dụng khéo léo chiến lược kết hợp thắng lợi trên trận địa để tạo lợi thế trên bàn đàm phán. Cả Pháp và Việt Nam đều xác định Điện Biên Phủ là trận dồn lực cuối cùng để đạt lợi thế và đi đến đàm phán.

 

Thực tế vào lúc đó đàm phán ngoại giao là điều mà cả Pháp và Việt Nam đều mong muốn. Một số người trong quân đội và trí thức Pháp đã nghi ngờ về khả năng chiến thắng của quân Pháp trước quân đội Việt Minh, vốn có tinh thần chiến đấu kiên cường, quyết chiến, quyết thắng.

Cùng lúc, gánh nặng tài chính và thái độ phản đối chiến tranh của nhân dân Pháp ngày càng mạnh mẽ cho nên phía Pháp cũng mong đàm phán ngoại giao. Ngày 7/5/1954, cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ sụp đổ. Ngay ngày hôm sau, cuộc đàm phán mở ra tại Geneva. Diễn biến này đã tạo một lợi thế mạnh mẽ và có tính bước ngoặt cho đoàn đàm phán Việt Nam.

Việt Nam đã áp dụng khôn khéo chiến lược kết hợp sức mạnh tổng hợp trên cả mặt trận ngoại giao, đấu tranh chính trị và quân sự. Những chiến thắng trên trận địa đã giúp Việt Nam giành lợi thế trên bàn đàm phán ngoại giao.

Đây là một chiến lược được đúc kết qua nhiều thế hệ người Việt trong lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm, tiếp tục được áp dụng thành công trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước.

Hiệp định Geneva được ký kết là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Chiến thắng của Việt Nam tại Điện Biên Phủ và việc ký Hiệp định Geneva có ý nghĩa biểu tượng cao, khích lệ các dân tộc khác trong cuộc đấu tranh đòi độc lập, giành quyền định đoạt vận mệnh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Việc ký kết Hiệp định cũng làm thất bại âm mưu kéo dài, mở rộng, quốc tế hóa chiến tranh xâm lược tại Đông Dương.

Cuộc đấu trí quyết liệt trên bàn đàm phán ảnh 3

ÔNG CAO TẤT MINH, NGUYÊN CHỦ TỊCH HỘI KIỀU BÀO TỈNH KHON KAEN, ĐÔNG BẮC THÁI LAN:

Sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam

Khi những thông tin về Hiệp định Geneva đến được Thái Lan, kiều bào ta vui mừng khôn xiết cùng niềm hân hoan, hãnh diện, khi đất nước thoát ách đô hộ của thực dân Pháp.

Nhớ lại thời kỳ đó khi mới 8 tuổi, được bố mẹ kể lại về Hiệp định Geneva, tôi và bạn bè cùng trang lứa rất háo hức với suy nghĩ đơn giản, mọi người sẽ được tự do hoạt động, sinh sống và học tập.

Khi được nghe ông bà, cha mẹ nói chuyện về Chiến thắng Điện Biên Phủ và sau đó là Hiệp định Geneva, tôi đã sang nhà hàng xóm để hỏi thêm thông tin về các sự kiện. Tài liệu, sách báo bằng tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào khi xưa rất ít, không phổ biến như hiện nay. Mọi người phải chuyền tay nhau đọc sách tiếng Việt và nghe thông tin về Việt Nam trên đài phát thanh.

Lớn lên, khi tìm hiểu thêm những tư liệu về sự kiện lịch sử này, là một người con của dân tộc Việt Nam tôi càng thấy hãnh diện khi thấy người dân Thái Lan bày tỏ sự khâm phục đối với đất nước Việt Nam, tuy nhỏ bé nhưng có thể đánh thắng thực dân Pháp để thoát ách nô lệ.

Kiều bào ta ở Đông Bắc Thái Lan mỗi năm vào dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva đều ngồi lại với nhau, trò chuyện, kể cho nhau nghe về những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc.

Khi Hiệp định Geneva được ký kết, kiều bào ta càng được người dân bản địa tôn trọng. Họ còn bày tỏ sự khâm phục đối với đất nước Việt Nam, tuy nhỏ bé nhưng có thể đánh thắng thực dân Pháp và buộc nước Pháp phải ký Hiệp định Geneva, công nhận những quyền cơ bản của Việt Nam.

Việc ký kết Hiệp định Geneva là một thắng lợi to lớn của dân tộc ta và cũng là một mốc son lịch sử của nền ngoại giao nước nhà. Hiện nay Đảng, Nhà nước đang tiếp tục phát huy thành quả của thắng lợi đó trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.