"Cuộc đua" 5G thúc đẩy chuyển đổi số

Thứ năm, ngày 17 tháng 10 năm 2024 | 13:0

Sự kiện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức cung cấp dịch vụ 5G trên toàn quốc ngày 15-10, ngoài việc cung cấp trải nghiệm công nghệ mới tới khách hàng, còn khởi động một cuộc cạnh tranh mới không kém phần quyết liệt trên thị trường viễn thông di động giữa các nhà mạng.

Các chuyên gia cho rằng, việc triển khai 5G sẽ góp phần mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

tap-doan-cong-nghiep-vien.jpg

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức cung cấp dịch vụ 5G trên toàn quốc từ ngày 15-10.

Đẩy nhanh tiến độ khai trương

Những năm gần đây, thị trường viễn thông di động đã ở ngưỡng bão hòa, dường như không thấy những cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nhà mạng. Thế nhưng, khi Viettel khai trương dịch vụ 5G thì câu chuyện cạnh tranh lại sôi động trở lại.

Trước đó, dù không công bố cụ thể thời điểm khai trương dịch vụ 5G, song Viettel đã có hàng loạt động thái chuẩn bị, như ra mắt gói cước “NINE” để khách hàng trải nghiệm tốc độ 5G sớm nhất.

Cùng với đó, hệ thống cửa hàng giao dịch của Viettel thay đổi nhận diện thương hiệu với hình ảnh dịch vụ 5G… Ngay lập tức, VNPT/VinaPhone đã phát thông báo mời khách hàng trải nghiệm dịch vụ 5G từ ngày 13-10 đến 15-11-2024, đồng thời thực hiện các hoạt động truyền thông, như mời trải nghiệm dịch vụ siêu tốc miễn phí. Tương tự, MobiFone cũng thông báo khách hàng trải nghiệm dịch vụ 5G từ tháng 11-2024 cùng các động thái truyền thông rộng rãi…

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, ngoài Viettel đang lắp đặt trạm thu phát sóng (BTS) 5G, VNPT cũng đang gấp rút hoàn thành lắp đặt 500 trạm BTS tại địa bàn Thủ đô trong tháng 10-2024. Tại Hà Nội, Viettel đăng ký lắp đặt 1.500 trạm BTS 5G trong quý IV-2024. Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Đào Xuân Vũ, Viettel lắp đặt khoảng 6.000-7.000 trạm BTS 5G trên cả nước để chính thức khai trương dịch vụ 5G.

Viettel là doanh nghiệp có nhiều thuận lợi về cơ chế trong triển khai các dự án đầu tư hạ tầng. Do vậy, việc Viettel sớm cung cấp dịch vụ 5G trên toàn quốc là không bất ngờ. Nhưng khi Viettel chính thức cung cấp dịch vụ này sẽ là cú hích rất mạnh buộc các nhà mạng còn lại (VNPT/VinaPhone, MobiFone) phải đẩy nhanh tiến độ khai trương dịch vụ 5G, nếu không muốn thuê bao của mình, nhất là khách hàng quan trọng, khách hàng trẻ chuyển sang dùng mạng Viettel.

Động lực thúc đẩy kinh tế số

Các chuyên gia cho rằng, việc triển khai dịch vụ 5G là một nhân tố tích cực trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế số, cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp và tổ chức áp dụng công nghệ số; đồng thời giúp cải thiện chất lượng cuộc sống con người (giải pháp 5G cho thành phố thông minh, cho ô tô tự lái…). Một điểm đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa nữa là dịch vụ 5G có thể đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến cho sản xuất thông minh, nông nghiệp thông minh, robot công nghiệp.

Theo Kế hoạch nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động Việt Nam đến năm 2025 đã được phê duyệt, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ mục tiêu: Triển khai hiệu quả thương mại hóa 5G với 100% các tỉnh, thành phố có sóng dịch vụ 5G. 100% các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga, cảng biển, sân bay quốc tế có sóng dịch vụ 5G.

Về vấn đề này, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng cho biết, khi dịch vụ 4G đang ở đỉnh cao thì Viettel đã nhanh chóng nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ 5G và kết nối thành công cuộc gọi đầu tiên 5G từ tháng 5-2019 với tốc độ tương đương với mạng 5G trên thế giới. Viettel cũng là nhà mạng đầu tiên thử nghiệm 5G tại 63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, sự kiện khai trương dịch vụ 5G trên toàn quốc ngày 15-10 vừa qua của Viettel là một minh chứng mạnh mẽ cho hành trình tiên phong, bứt phá về di động của Việt Nam. “Quan điểm nhất quán của Viettel là phát triển hạ tầng, dịch vụ 5G rộng khắp tới 100% tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, trung tâm nghiên cứu, nhà ga, cảng biển, sân bay. Viettel nhanh chóng cung cấp hệ sinh thái dịch vụ, ứng dụng phong phú cho mạng 5G để khai phá hiệu quả và đưa công nghệ mới vào các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là tạo chuyển dịch cho các ngành như sản xuất, y tế, giáo dục, giao thông, logistics,…”, ông Tào Đức Thắng khẳng định.

Đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), việc khai trương dịch vụ 5G là trọng tâm lớn của VNPT trong năm 2024. Tại thời điểm khai trương, 5G của VNPT sẽ có sự hiện diện trên 63/63 tỉnh, thành phố và sẽ mở rộng nhanh chóng vùng phủ sóng rộng khắp toàn quốc. Mạng 5G của VNPT không chỉ hướng đến các khách hàng cá nhân và dịch vụ truyền thống như trước đây, mà còn được triển khai ưu tiên cho các khu vực kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu sản xuất thông minh, tự động hóa và internet vạn vật (IoT). Việc triển khai 5G sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ đang cung cấp, đưa ra dịch vụ mới vượt trội về trải nghiệm bởi sự tận dụng tối đa những năng lực thực sự của 5G, từ đó giúp VNPT có được những nguồn doanh thu mới.

Còn theo đại diện Tổng công ty Viễn thông MobiFone, sau khi giành được quyền sở hữu khối băng tần C3, MobiFone sẵn sàng cho việc thương mại hóa 5G để khách hàng sẽ được trải nghiệm dịch vụ 5G từ tháng 11-2024. Để tăng cường hiệu quả triển khai 5G, MobiFone hợp tác dùng chung với nhà mạng có cùng tần số cung cấp dịch vụ và với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm chia sẻ kinh nghiệm, đổi mới sáng tạo, bảo đảm an ninh mạng trên môi trường internet. “Với nhiều sự nỗ lực và quyết tâm, MobiFone sẽ mang tới những trải nghiệm 5G ưu việt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu trong nền kinh tế số, đời sống số của khách hàng”, đại diện MobiFone thông tin.