Cuộc đua phát triển xe điện

Thứ tư, ngày 21 tháng 9 năm 2022 | 7:27

Được đánh giá là một trong những lĩnh vực năng lượng sạch năng động nhất hiện nay, thị trường ô-tô điện có bước tăng trưởng nhảy vọt những năm gần đây. Nhiều quốc gia trên thế giới công bố hàng loạt mục tiêu đầy tham vọng để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong một báo cáo về triển vọng phát triển thị trường xe điện toàn cầu, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, năm 2012 chỉ có khoảng 120.000 chiếc ô-tô điện được bán ra trên toàn thế giới. Đến năm 2021, số xe điện bán ra mỗi tuần nhiều hơn tổng số xe bán ra trong cả năm 2012. Đà tăng của thị trường xe điện tiếp tục giữ vững, 2 triệu ô-tô điện được bán ra trong quý đầu tiên của năm 2022, tăng 75% so cùng kỳ năm 2021.

Những con số đầy ấn tượng trong báo cáo của IEA cho thấy sự phát triển đầy năng động của thị trường xe điện. Theo nhận định của giới chuyên gia, các mục tiêu đầy tham vọng về chuyển đổi năng lượng, xu hướng xanh hóa môi trường, mà cụ thể là chính sách hỗ trợ sản xuất xe điện tạo ra động lực mạnh mẽ giúp ngành này tăng trưởng vượt bậc.

Mức trợ cấp và ưu đãi của các nước dành cho ngành xe điện tăng gần gấp đôi trong năm 2021, lên gần 30 tỷ USD. Ngày càng có nhiều quốc gia công bố mục tiêu dần chuyển sang phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu sạch.

Năm 2021, số xe điện bán ra mỗi tuần nhiều hơn tổng số xe bán ra trong cả năm 2012. Đà tăng của thị trường xe điện tiếp tục giữ vững, 2 triệu ô-tô điện được bán ra trong quý đầu tiên của năm 2022, tăng 75% so cùng kỳ năm 2021.

Nhằm đẩy mạnh thực hiện cam kết thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, tuần qua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ký chỉ thị yêu cầu các chính quyền trung ương và địa phương sử dụng xe điện trong các hoạt động công vụ.

Theo Văn phòng Tổng thống Indonesia, việc chuyển đổi sang xe điện giúp giảm bớt áp lực về trợ cấp nhiên liệu, hướng tới tự chủ năng lượng quốc gia, cũng như tiết kiệm ngoại hối nhờ giảm nhập khẩu nhiên liệu.

Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu đạt số lượng xe điện xuất xưởng nội địa khoảng 700.000 chiếc vào năm 2030, chiếm 30% tổng sản lượng xe hơi. Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á gần đây ban hành nhiều chính sách khuyến khích xe điện, như giảm thuế, tăng trợ cấp cho cả người tiêu dùng lẫn các nhà sản xuất. Nhận được sự khuyến khích từ chính phủ, nhiều doanh nghiệp lớn đang tích cực theo đuổi việc lắp ráp xe điện, sản xuất pin và xây dựng các trạm sạc.

 

Ví sự tăng trưởng của thị trường xe điện là "cuộc cách mạng thầm lặng", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của thị trường xe điện vài năm trở lại đây, Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm của các phương tiện không gây tiếng ồn. Chính phủ Ấn Độ đưa ra nhiều ưu đãi để đẩy mạnh nhu cầu mua xe điện. Từ phía người dân, ngày càng nhiều người tiêu dùng chấp nhận xe điện như phương tiện giao thông chính.

Tổ chức Clean Energy nhận định, Canada đứng trước cơ hội trở thành một cường quốc trên thị trường xe điện, qua đó chuyển đổi một ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ CAD mỗi năm trở nên thân thiện hơn với môi trường. Bằng cách kết hợp trình độ lắp ráp ô-tô, sản xuất phụ tùng, chế tạo pin và khai thác mỏ với việc phát triển lĩnh vực vật liệu pin, Canada ở vị trí lý tưởng để đi đầu trên thị trường xe điện toàn cầu, ước tính có thể đóng góp 48 tỷ CAD mỗi năm cho nền kinh tế và tạo hàng trăm nghìn việc làm.

Theo Đạo luật Giảm lạm phát được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành hồi tháng 8 vừa qua, Chính phủ Mỹ sẽ cấp hàng tỷ USD vốn tài trợ mới cho hoạt động sản xuất xe điện, 3 tỷ USD để Cơ quan Bưu điện Mỹ mua xe điện và các thiết bị sạc pin. Nền kinh tế số 1 thế giới đặt mục tiêu đến năm 2030, 50% số phương tiện mới được bán ra là xe điện hoặc xe lai điện.

Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu về doanh số bán xe điện. Trong quý I/2022, doanh số bán hàng ở quốc gia đông dân nhất thế giới tăng hơn gấp đôi so cùng kỳ năm 2021 và chiếm phần lớn tăng trưởng toàn cầu.

Tuy nhiên, tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, ngành sản xuất xe điện chưa thật sự tạo được bứt phá. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường xe điện còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng, nếu chính phủ các nước kịp thời đưa ra chính sách hỗ trợ thích hợp.