Đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá sự lãng phí của hai cơ sở bệnh viện lớn, dự án Đại học Quốc gia
Đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá định lượng những lãng phí tại các dự án lớn như: Hai cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức, trụ sở chung của các cơ quan tại Hà Nội, Dự án Đại học quốc gia để có những bài học kinh nghiệm, xử lý cho phù hợp.
Tại phiên thảo luận tổ trong chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV ngày 25/5, các đại biểu Quốc hội đã nếu các ý kiến, kiến nghị liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên – đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.
Lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn luôn là vấn đề cần phải suy nghĩ
Phát biểu ý kiến, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên – đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2021.
Theo đại biểu Tạ Thị Yên, trong các loại hình lãng phí thì lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn luôn là vấn đề cần phải suy nghĩ bởi loại lãng phí này bao trùm lên tất cả các giai đoạn đầu tư, từ quy hoạch, kế hoạch đến bố trí vốn thực hiện dự án, bàn giao và đưa vào sử dụng.
Đại biểu Tạ Thị Yên nêu rõ: Trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cũng đã nêu rõ, vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa đảm bảo tiến độ của nhiều dự án, đặc biệt là những dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của địa phương như các dự án: Đường sắt đô thị trên cao tại Hà Nội, TPHCM; Dự án đền bù GPMB, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn với các bộ ngành, địa phương không đảm bảo tiến độ công trình, dự án, chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA gây lãng phí nguồn lực, tài chính công, giảm hiệu quả đầu tư công”, bà Yên đề nghị.
Vấn đề tiếp theo được đại biểu đoàn Điện Biên nêu ra là trong lĩnh vực tài chính, ngân sách. Theo đó, các chỉ tiêu về tiết kiệm chi thường xuyên, hiệu quả chi tiêu ngân sách đều có những chuyển biến tích cực như trong báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước có vấn đề chậm phân bổ NSNN cho các công trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong kế hoạch phục hồi phát triển KT_XH sau COVID-19.
“Nhất là chậm phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là những công trình, dự án, chương trình Quốc hội đã có Nghị quyết chuyên đề; đã dự kiến, bố trí nguồn vốn khi xây dựng thì quyết liệt, khẩn trương nhưng khi thực hiện thì lại chậm”, đại biểu Tạ Thị Yên nêu rõ.
Đại biểu đoàn Điện Biên đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm của Bộ ngành, cơ quan đơn vị đã gây ra sự chậm trễ này bởi không chỉ làm lãng phí nguồn lực tài chính công đã được bố trí mà cũng không phát huy được nguồn lực phối hợp của xã hội. “Việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu, trước hết phải soi vào việc thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, rồi sau với đến các vấn đề khác”, đại biểu nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Tạ Thị Yên, việc mua sắm công còn nhiều biểu hiện tham nhũng, lãng phí mà điển hình là vụ án Kít xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á cho thấy một bộ phận cán bộ còn thiếu trách nhiệm, chưa một tuân thủ pháp luật; tiếp tay cho nhóm người xấu tham nhũng ngân sách, làm ảnh hưởng đến công tác cán bộ. Do đó, cần có biện pháp nghiêm trị những hành vi như vậy để làm gương.
Hay vấn đề lãng phí sách giáo khoa khi nhiều loại sách đủ thiết kế dung 1 lần, làm hàng triệu cuốn sách đến cuối năm phải bỏ đi, vừa lãng phí vừa làm tổn hại đến môi trường.
“Trước đây, SGK được truyền tay học sinh từ năm này sang năm khác, anh giữ cho em học. Đây là 1 truyền thống rất tốt đẹp nên tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT xem xét lại vấn đề này”, bà Yên nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ
Tính “lượng hóa” trong tiết kiệm, chống lãng phí còn hạn chế
Nhất trí với báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ băn khoăn về tính “lượng hóa” trong tiết kiệm, chống lãng phí còn hạn chế, chưa tính được tiết kiệm được là bao nhiêu và lãng phí như thế nào.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng lấy ví dụ: Liên quan đến Dự án Đại học quốc gia (ĐHQG), ngày 19/5 vừa qua Đại học Quốc gia đã chính thức chuyển về cơ sở mới ở Hòa Lạc sau đúng 20 năm. Khởi công công trình vào năm 2003 với mức đầu tư là 20 nghìn tỷ nhằm xây dựng một Đại học tầm cỡ khu vực quốc tế nhưng sau rất nhiều năm thì đến đầu năm 2022 vừa qua thì mới chính thức chuyển về; mặc dù các cơ sở vật chất đã hoàn thiện cách đây nhiều năm rồi nhưng vẫn bỏ không. “Câu hỏi đặt ra ở đây là lãng phí kéo dài có hay không? Có lượng hóa được hay không và từ lượng hóa ấy chúng ta xử lý cho phù hợp và rút kinh nghiệm sâu sắc”, ông Hùng nêu.
Đại biểu đoàn Cần Thơ cũng cho biết, không chỉ có ĐHQG, mà rất nhiều công trình khác liên quan đến ngành giáo dục cũng lãng phí, như có 2 tòa nhà giảng đường của Đại học Kinh tế quốc dân qua 5 nhiệm kỳ Hiệu trưởng mới hoàn thành được mặc dù thời gian rất là lâu, gây lãng phí nguồn lực.
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam không được sử dụng. Ảnh: TTO
Sự lãng phí đáng chú ý tiếp theo được đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhắc đến là hai cơ sở 2 của 2 bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức. “Theo thông tin tôi có được thì 2 bệnh viện này đều được hoàn thành vào năm 2018, nhưng riêng đối với bệnh viện Việt Đức thì đến ngày hôm nay cũng chưa tiếp nhận, chưa điều trị bệnh nhân nào. Còn Bệnh viện Bạch Mai có một thời gian rất ngắn có điều trị, trưng dụng làm bệnh viện để điều trị COVID-19 một thời gian mấy tháng, đến thời điểm hiện nay lại đóng cửa trở lại. Có một thời gian rất dài đã xây dựng cũng đã triển khai nhưng hầu như cũng không có bệnh nhân để điều trị ở đây. Không biết đánh giá về mặt lãng phí ở đây cụ thể như thế nào?”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi.
Lấy tiếp một ví dụ khác ngay tại thủ đô Hà Nội đó là trụ sở chung của các cơ quan tại Hà Nội ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các cơ quan ở Hà Nội có trụ sở chung ở Xuân La, dự kiến là có 8 sở ngành chuyển về đó làm việc. Tuy nhiên khi chuyển về được 1 năm thì các sở ngành lại xin ra vì có rất nhiều vấn đề liên quan.
“Hiện các sở ngành khác cũng xin trở về chỗ cũ vì chỗ mới có nhiều bất cập, không phù hợp. Hay một số cơ sở 2 của một số trường đại học đi xa một chút là không có sinh viên học và cứ để không như vậy”, ông Hùng cho biết.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, ông muốn đi vào những ví dụ rất cụ thể như vậy để thấy rằng các công trình, các trụ sở, trường học, bệnh viện đã triển khai nhưng ở tình trạng lãng phí rất lớn.
“Tôi rất mong, cần phải có đánh giá định lượng được những lãng phí này là bao nhiêu, cần phải có những bài học kinh nghiệm để xử lý tiếp theo cho phù hợp”, ông Hùng kiến nghị.
Nguồn https://congluan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-danh-gia-su-lang-phi-cua-hai-co-so-benh-vien-lon-du-an-dai-hoc-quoc-gia-post196405.html
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam