Đại biểu Quốc hội đề nghị khảo sát hơn 700 Chủ tịch huyện về sự cần thiết của Thanh tra cấp huyện

Thứ ba, ngày 14 tháng 6 năm 2022 | 8:39

Cho rằng lý do không cần thanh tra ở cấp huyện vì nhu cầu ít là chưa “sâu sát”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị cần có khảo sát xem có bao nhiêu người trong số hơn 700 Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong cả nước nói không cần thiết phải có Thanh tra cấp huyện.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều nay (13/6), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

dai bieu quoc hoi de nghi khao sat hon 700 chu tich huyen ve su can thiet cua thanh tra cap huyen hinh 1

Quang cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Lý do bỏ Thanh tra cấp huyện là chưa "sâu sát"

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) về tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH Quảng Ninh cho biết, qua báo cáo thẩm tra, thảo luận ở tổ có ý kiến cho rằng không cần thanh tra ở cấp huyện, vì nhu cầu thanh tra ở cấp huyện ít.

Đại biểu cho biết, qua thống kê thấy hàng năm số cuộc thanh tra do thanh tra huyện thực hiện không nhiều, trình độ nghiệp vụ hạn chế, số lượng cán bộ ít, bình quân chỉ có 5,2 người trên một cơ quan thanh tra, nếu bỏ Thanh tra cấp huyện thì đưa nhiệm vụ thanh tra cho Thanh tra tỉnh làm có việc thì để Ủy ban Kiểm tra làm, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thì để Ban tiếp công dân làm, v.v. thậm chí còn tính đến việc giảm được 1.426 người giữ chức danh Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra như báo cáo đã nêu để góp phần tiết kiệm chi ngân sách. "Tôi cho rằng những lý do đó là chưa sâu sát", bà Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Đại biểu Đoàn Quảng Ninh nêu rõ: Đề nghị cần có khảo sát xem có bao nhiêu người trong số hơn 700 Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong cả nước nói không cần thiết phải có Thanh tra cấp huyện. Đây là những người sát thực nhất, nắm tình hình, chất lượng hoạt động, hiệu quả công tác và sự cần thiết có hay không có của tổ chức Thanh tra cấp huyện hiện nay và từ trước tới nay.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, cần giữ nguyên mô hình Thanh tra cấp huyện như hiện nay khi mà các quy định tại Điều 2, Điều 3, Điều 5 vẫn đang tồn tại, bởi một số lý do: Không có Thanh tra cấp huyện thì ai sẽ giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phát hiện sơ hở, phát hiện vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn, nhất là vi phạm những quy định của chính quyền cấp huyện ban hành? Nếu nói chuyển cho Thanh tra tỉnh làm thì khi đó Thanh tra tỉnh ngoài chức năng là cơ quan giúp việc của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời cũng lại giúp việc cả Ủy ban nhân dân cấp dưới nữa liệu có ổn không?

dai bieu quoc hoi de nghi khao sat hon 700 chu tich huyen ve su can thiet cua thanh tra cap huyen hinh 2

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH Quảng Ninh phát biểu tại Phiên thảo luận.

Cũng theo đại biểu, phải đánh giá là thực trạng Thanh tra cấp huyện làm được ít cuộc thanh tra chứ không phải nhu cầu thanh tra ở cấp huyện ít. "Là do ít người, do thường xuyên luân chuyển nên trình độ chuyên môn hạn chế, lại quen biết nên hiệu quả thấp, do nể nang, xuê xoa, thậm chí còn không làm được theo đúng ý chí của mình, bản lĩnh của mình. Các nguyên nhân đó là lỗi của công tác quản lý bộ máy và chính quy định của luật", bà Hà nhấn nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, hằng năm Thanh tra cấp huyện có ít cuộc thanh tra còn vì phải tập trung thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, xác minh để giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là ở những nơi có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh. Nếu bỏ Thanh tra cấp huyện thì phải có bộ máy thay thế, khi đó việc giảm biên chế, đầu mối ở cấp huyện lại là chuyện "đánh bùn sang ao".

"Khi bỏ Thanh tra cấp huyện, chuyển nhiệm vụ cho Thanh tra tỉnh nhất thiết phải tăng biên chế, tổ chức phòng nghiệp vụ cho Thanh tra tỉnh, vì vậy, vấn đề giảm biên chế ở cấp huyện so với tăng ở cấp tỉnh thì hiệu quả ra sao? Hàng loạt vấn đề phải tính đến kèm theo như: Chi phí đi lại cho hoạt động thường xuyên trên địa bàn huyện sẽ tăng thêm, sử dụng đội ngũ công chức thanh tra hiện hữu ở cấp huyện như thế nào, mối quan hệ công tác giữa Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra huyện trong xử lý cán bộ ở cấp huyện là đảng viên như thế nào, v.v.. Những vấn đề này chưa thấy được đề cập đầy đủ trong báo cáo đánh giá tác động của dự án luật.", bà Hà nêu vấn đề.

dai bieu quoc hoi de nghi khao sat hon 700 chu tich huyen ve su can thiet cua thanh tra cap huyen hinh 3

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho biết, Thanh tra là một công cụ quản lý nhà nước rất quan trọng.

Thanh tra là một công cụ quản lý nhà nước rất quan trọng

Bày tỏ thống nhất phương án vẫn tiếp tục duy trì cơ quan thanh tra cấp huyện, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái nêu lý do: Vì theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì huyện là một cấp chính quyền quan trọng, phạm vi và thẩm quyền quản lý nhà nước rất lớn, nhất là trong thời gian tới khi Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, trong khi thanh tra là một công cụ quản lý nhà nước rất quan trọng.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận, cơ quan thanh tra cấp huyện không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực thanh tra, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong thực tế giải quyết khiếu nại, tố cáo có những vụ việc rất cần cơ quan thanh tra kiểm tra xác minh, thậm chí là phải thực hiện thanh tra theo quy định. Nhưng nếu không có tổ chức thanh tra cấp huyện thì sẽ rất khó cho Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc giải quyết, dễ dẫn đến những vi phạm.

Mặt khác, nếu không tổ chức thanh tra huyện thì thanh tra tỉnh cũng phải tăng thêm biên chế và tổ chức thêm các phòng chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ của thanh tra cấp huyện khi có yêu cầu, nên thực tế việc tinh giản bộ máy cũng không lớn. "Do vậy, tôi đề nghị cần có tổ chức thanh tra để giúp Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện những nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa phương", đại biểu Đoàn Yên Bái đề nghị.

 

 

Nguồn https://congluan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-khao-sat-hon-700-chu-tich-huyen-ve-su-can-thiet-cua-thanh-tra-cap-huyen-post198979.html