Đại biểu đề nghị luật hoá sáng kiến của Đảng đoàn Quốc hội về chiến lược lập pháp
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đề nghị, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là luật hoá sáng kiến của Đảng đoàn Quốc hội về chiến lược lập pháp.
Nên có tầm nhìn xa hơn về xây dựng pháp luật
Ngày 24/5, thảo luận trước Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng: Việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật thường xuyên cho thấy tính ổn định của chương trình chưa bền vững, trong khi đây là gốc rễ thuộc quyền lập pháp của Quốc hội. Vì vậy, khi Quốc hội thông qua một luật nào đó rồi thì hạn chế tối đa việc điều chỉnh mới.
Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là luật hoá sáng kiến của Đảng đoàn Quốc hội về chiến lược lập pháp. Quốc hội đã có chiến lược liên quan đến kinh tế-xã hội, đầu tư công, kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm thì nên có tầm nhìn xa hơn về xây dựng pháp luật.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận.
Ngoài ra, cần mở rộng thành phần soạn thảo các dự án, chú trọng ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là đối tượng chịu tác động. Lấy ý kiến nhân dân rộng rãi về dự án luật có tác động rộng. Không đưa vào chương trình các dự án luật mà Quốc hội đã không tán thành.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nêu quan điểm: Các dự án luật khi được trình Quốc hội có nhiều nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với những nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết phải kèm theo nghị định hướng dẫn đi cùng với hồ sơ.
Tuy nhiên, đây là nội dung ít được quan tâm và cơ bản những dự thảo nghị định hoặc những văn bản quy định chi tiết đi kèm còn mang tính "đối phó", chưa được quan tâm và trong quá trình Quốc hội, các cơ quan Quốc hội thẩm tra rất ít quan tâm đến các văn bản chi tiết. Tuy nhiên, hệ thống này khi luật được ban hành rất quan trọng trong việc bảo đảm “sức sống” của các dự án luật.
Không vì số lượng, thời hạn mà để ảnh hưởng chất lượng xây dựng pháp luật
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo khá đầy đủ tại Tờ trình số 223.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) phát biểu.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, chất lượng rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng cần được cải thiện hơn, bảo đảm rõ ràng. Đặc biệt, thiết kế điều về áp dụng luật trong các dự thảo luật phải được đầu tư hơn. Qua nghiên cứu báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội cho thấy, đây là nội dung có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng phải làm rõ, hoàn thiện thêm để phân biệt rõ về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng.
Yêu cầu lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã hết sức rõ ràng, thời hạn cũng rất cụ thể từ thời hạn rà soát cho đến thời hạn trình. Đây cũng là những nội dung mà các cơ quan trình tự đề xuất. Vì vậy, phải chủ động để đảm bảo yếu tố chất lượng, không vì đáp ứng số lượng, thời hạn mà để ảnh hưởng đến chất lượng.
Về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2022-2023, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cơ bản tán thành, đề nghị cơ quan trình tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án luật, dự thảo nghị quyết bảo đảm chất lượng và thời hạn gửi Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Nguồn https://congluan.vn/dai-bieu-de-nghi-luat-hoa-sang-kien-cua-dang-doan-quoc-hoi-ve-chien-luoc-lap-phap-post196259.html
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam