Đại đoàn kết toàn dân tộc trong chính sách pháp luật đất đai
Quan điểm của Đảng ta về đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện xuyên suốt, lồng ghép trong nhiều quy định của Luật Đất đai năm 2024 bảo đảm sự bình đẳng giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tạo nên khối đoàn kết bền vững cùng nhau phát triển, cùng nhau sẻ chia lợi ích đặc biệt là việc nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam tại nước ngoài.
Thực hiện dân chủ, tăng đồng thuận xã hội
Trong nhiều văn kiện và nghị quyết của Đảng luôn định hướng giải pháp tối quan trọng là tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc. Quán triệt quan điểm đó, Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung 1 Điều riêng quy định vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai (Điều 19). Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tham gia phản biện xã hội, cho ý kiến trong nhiều khâu quản lý nhà nước về đất đai, từ xây dựng chính sách, pháp luật cho đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cưỡng chế thu hồi đất, xây dựng và thực hiện bảng giá đất, hòa giải tranh chấp đất đai.
Tại các điều luật quy định quy trình thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai cũng đồng thời quy định chi tiết sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong từng bước công việc như góp ý kiến đối với quy hoạch sử dụng đất các cấp (Điều 70); tham dự họp Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giám sát (Điều 86); phối hợp phổ biến các thông tin về dự án cần thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại khu vực thu hồi đất và thuyết phục, vận động tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện (Điều 87); tham gia giám sát việc cưỡng chế thu hồi đất (Điều 89); tham dự cuộc họp thẩm định giá đất (Điều 161); tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai (Điều 235). Các quy định này tạo pháp lý rõ ràng để chính quyền các cấp thực hiện tốt cơ chế phối hợp và bảo đảm các điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia quản lý nhà nước, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Đặc biệt, trong Luật đã khẳng định vai trò giám sát đối với việc quản lý, sử dụng đất đai (Điều 19 và Điều 230), nhờ đó, từng bước nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng với các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trong giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của nhân dân.
Tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” gắn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung 1 mục mới với 3 Điều (Mục 3 Chương II từ Điều 23 đến Điều 25) quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền tiếp cận thông tin đất đai nhằm thể chế quan điểm của Đảng về “Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững” và làm rõ nội hàm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” được khẳng định tại Điều 53 Hiến pháp.
Đồng thời, hoàn thiện các quy định cụ thể nhằm tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến (Điều 70); quy định tổ chức họp với người có đất trong khu vực thu hồi để phổ biến, tiếp nhận ý kiến về các vấn đề có liên quan trước khi ban hành thông báo thu hồi đất (Điều 87); quy định cụ thể về việc giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai (Điều 231)... từ đó có thể thấy rằng các quy định mới của Luật Đất đai đã làm rõ vai trò chủ sở hữu đất đai, tăng cường lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân khi thực hiện nhiều nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai.
Ngoài ra, Luật quy định chi tiết điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu tái định cư (Điều 110); giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu đối với trường hợp sử dụng đất ở của người dân, cán bộ ở vùng sâu, vùng xa, cùng có điều kiện kinh tế khó khăn, các nhóm yếu thế trong xã hội (Điều 124); chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (Điều 157)...
Điều đó đã tạo điều kiện về thể chế để tổ chức thực hiện tốt các chính sách xã hội, an sinh, giảm nghèo bền vững gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội; khuyến khích làm giàu chính đáng; có cơ chế, chính sách bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, cơ hội tiếp cận cho mỗi người dân trong quá trình phát triển, đóng góp cho sự phát triển đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển.
Quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài
Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta được khẳng định từ Đại hội VIII tới nay, đồng thời đặt ra yêu cầu các quy định pháp luật cần khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này cũng được quy định trong khoản 2 Điều 18 Hiến pháp “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.
Tại Luật Đất đai năm 2024 có nhiều quy định đối xử với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam (công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài) bình đẳng như công dân Việt Nam ở trong nước, có đầy đủ các quyền và khả năng tiếp cận đất đai như cá nhân trong nước.
Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài từng có quốc tịch Việt Nam và con cháu của họ (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài) được giữ nguyên các quyền và khả năng tiếp cận đất đai như hiện hành (Luật Đất đai năm 2013).
Việc mở rộng quyền sử dụng đất với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam đã tạo điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có môi trường thuận lợi để đầu tư, kinh doanh, làm việc… Đây là chính sách tiến bộ, cởi mở của Luật Đất đai năm 2024, cùng sự thống nhất chính sách với Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023, Luật Nhà ở năm 2023 sẽ tăng cơ hội tiếp cận, sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, thu hút kiều hối, đầu tư của kiều bào ở nước ngoài, đẩy mạnh nền kinh tế, nhất là thị trường bất động sản.
Cùng với việc thuận lợi tiếp cận đất đai trong nước, chính sách này có thể tạo điều kiện thu hút lượng lớn trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, nhà khoa học, nhà quản lý người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hướng về Tổ quốc và đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“
Bên cạnh những chính sách riêng biệt cho các nhóm đối tượng đặc biệt như đồng bào dân tộc thiểu số, kiều bào, người nông dân, Luật Đất đai năm 2024 đã chỉnh lý, bổ sung nhiều quy định để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân như: quản lý chặt chẽ hơn việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất trong giai đoạn chưa thực hiện quy hoạch sử dụng đất (Điều 76); đa dạng hoá các hình thức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và người sử dụng đất được ưu tiên đăng ký lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền khi lập phương án (Điều 91).
Có thể nói, Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18-1-2024 sau 4 kỳ họp đã trở thành sự kiện nổi bật nhận được nhiều quan tâm của dư luận cả nước. Những cải cách trong chính sách của đạo luật đặc biệt quan trọng này là kết quả thể chế hoá những chủ trương của Đảng, bám sát tư tưởng và đường lối của Đảng, trong đó là tư tưởng về đại đoàn kết toàn dân tộc là một tư tưởng xuyên suốt trong đạo luật.
Sự đón nhận nồng nhiệt và đánh giá cao của nhân dân cả nước đối với Luật Đất đai năm 2024 là minh chứng rõ ràng nhất kết quả xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật được xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân và giải quyết hài hoà lợi ích trong xã hội.
LÊ MINH NGÂN
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam