Đảm bảo lợi ích tốt nhất khi đưa người nghiện ma túy dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Thứ tư, ngày 2 tháng 3 năm 2022 | 10:22

Ngày 1/3, tại phiên họp toàn thể lần thứ 4, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du cho biết, theo quy định tại Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy thì người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp: (a) người nghiện ma túy không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; (b) người nghiện ma túy trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; (c) người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện…

dam bao loi ich tot nhat khi dua nguoi nghien ma tuy duoi 18 tuoi vao co so cai nghien bat buoc hinh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên phát biểu tại phiên họp.

Cũng theo quy định tại Khoản 4, Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy, thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục này chưa được quy định cụ thể. Khoản 5, Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng nêu rõ, một trong sáu mục đích xây dựng Pháp lệnh là “bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của người dưới 18 tuổi”.

Cho ý kiến bước đầu về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên, đại diện Nhóm nghiên cứu của Ủy ban cho rằng, đây là loại việc đặc thù, nên cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm thủ tục thân thiện cũng như các yêu cầu nói chung để thực hiện có hiệu quả thủ tục này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm thủ tục thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị tại phần quy định chung trong dự thảo Pháp lệnh; đồng thời rà soát để bổ sung một số quy định của thủ tục thân thiện vào các điều khoản có liên quan.

Theo Congluan.vn

https://congluan.vn/dam-bao-loi-ich-tot-nhat-khi-dua-nguoi-nghien-ma-tuy-duoi-18-tuoi-vao-co-so-cai-nghien-bat-buoc-post183589.html