Dân bán hàng online điêu đứng vì nguồn hàng từ Trung Quốc khó nhập
Nguồn hàng nhập từ Trung Quốc đang bị chặn đứng, các chủ cửa hàng kinh doanh online mòn mỏi chờ đợi. Không những thế, nhiều người khốn đốn vì ngoài tiền vốn còn phải gánh thêm những khoản về chi phí kho bãi, nhân sự.
Bị trì hoãn vì không nhập được hàng
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều người lựa chọn mua hàng online để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Nhờ đó mà hình thức kinh doanh qua mạng được nhiều người lựa chọn trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, công việc của buôn bán trực tuyến của nhiều người đang bị gián đoạn vì việc nhập hàng hóa về từ Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Thậm chí, nhiều khi phải chờ tới hơn 1 tháng vẫn không thấy hàng về.
Chủ shop kinh doanh online “điêu đứng” vì nguồn hàng từ Trung Quốc khó nhập.
Chị Hoàng Thị Ngọc Anh (34 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), chủ shop kinh doanh online các mặt hàng quần áo được đặt từ Trung Quốc đã 2 năm nay cho biết, khoảng 1 tháng nay, hàng hóa tắc biên khiến chị phải liên tục gửi thông báo xin lỗi tới khách hàng của mình vì đơn mãi không thấy về tới kho.
“Các bên vận chuyển đều báo về rằng phải mất nhiều thời gian hơn bởi phía Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát phòng chống dịch tại các cửa khẩu. Hàng bị trì hoãn, mãi không thế về, khách thì lo lắng vì đơn hàng mãi không được giao. Tôi phải đăng bài và gửi thông báo cập nhập tình hình liên tục cho khách hàng” - chị Ngọc Anh chia sẻ.
Tương tự chị Ngọc Anh, anh Nguyễn Văn Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, anh rất khó nhập hàng từ Trung Quốc về, trong khi nguồn hàng của anh chủ yếu có nguồn gốc từ nước này. Hơn nữa, chi phí thuê mặt bằng làm kho để hàng, nhân sự,... cũng tốn thêm một khoản lớn khiến anh không biết xoay xở thế nào.
“Mỗi lô hàng tôi nhập sẽ dao động từ 50 - 100 triệu đồng, thêm chi phí thuê kho bãi và nhân viên cũng tốn khá nhiều. Giờ hàng về chậm mà cứ duy trì, kéo dài như vậy thì thiệt hại sẽ tăng lên rất nhiều mà nghỉ bán thì lại không có đồng ra đồng vào” - anh Bình than thở.
Đồng loạt thông báo tắc biên, nghỉ bán
Trước tình hình đó, các chủ cửa hàng kinh doanh đều phải chủ động thông báo trước với khách về tình hình các đơn hàng của họ. Nhiều cửa hàng buộc phải nghỉ bán vì không thể gánh thêm những chi phí khi cố duy trì kinh doanh mà không thể nhập hàng.
Nhiều cửa hàng đồng loạt thông báo tắc biên, nghỉ bán. (Ảnh chụp màn hình).
Chị Nguyễn Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) phải dừng page bán hàng online và cho nhân viên của mình tạm nghỉ vì hàng không thể thông quan. Ngoài ra, chị phải xoay xở bằng cách nhập bán các mặt hàng trong nước như hoa quả, khẩu trang,...
“Trước đây, chỉ mất từ 5-7 ngày là nhận được hàng từ bên phía vận chuyển nhưng hiện tại hàng đang kẹt cứng, không thể thông quan. Không có hàng nên tôi buộc phải thông báo nghỉ bán, những đơn hàng đang vận chuyển thì vẫn phải chờ để giao cho khách, cũng lo sợ khách lẻ chờ lâu sẽ hủy đơn” - chị Trang chia sẻ.
Thường hay mua hàng qua mạng, Chị Lan (24 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, gần đây chị không thể đặt mua vì các shop đều báo tắc biên, hàng lâu về.
Chị Lan nói: “Người bán đều bảo tôi chờ ít nhất 20 ngày mới nhận được hàng. Trước đây thì nhanh lắm, vài ba ngày là đã có hàng về tay. Nhiều bên cũng nói vì không thể chủ động được như trước nên bảo tôi nếu có thể chờ được thì hãy đặt hàng”.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/dan-ban-hang-online-dieu-dung-vi-nguon-hang-tu-trung-quoc-kho-nhap-post189229.html
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine