“Dân là gốc” nhìn từ hoạt động giám sát, phản biện xã hội
Giám sát (GS), phản biện xã hội (PBXH) là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc. Giai đoạn từ 2018 đến nay, nội dung, phương thức GS, PBXH của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu.
Đa dạng các hình thức giám sát
Để việc GS đi vào chiều sâu, hàng năm, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, xác định rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian, chủ thể tiến hành GS. Trên cơ sở đó, GS bằng hình thức nghiên cứu, xem xét đối với 2.960 văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; chủ trì, tổ chức gần 3.300 cuộc GS bằng hình thức thành lập đoàn GS. Nội dung GS gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, địa phương, được nhân dân quan tâm như: Công tác xây dựng Đảng, chính quyền; quản lý tài nguyên đất đai; đầu tư xây dựng hạ tầng; công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội; thực hiện chính sách an sinh xã hội...
Đặc biệt, Ủy ban MTTQ các cấp còn thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò GS thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban GS đầu tư của cộng đồng. Trong đó, Ban Thanh tra nhân dân tiến hành gần 970 cuộc GS liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân như: Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; bình xét các đối tượng nghèo; thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư... Riêng Ban GS đầu tư của cộng đồng đã phát huy hiệu quả GS, nhất là với công trình do Nhà nước và nhân dân cùng làm; theo sát các công trình thi công, ghi nhận ý kiến của nhân dân, vận động nhân dân tham gia GS, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Qua gần 1.000 cuộc GS, Ban GS đầu tư của cộng đồng đã kịp thời kiến nghị, phản ánh, giúp cơ quan quản lý nhà nước các cấp, chủ đầu tư phát hiện những thiếu sót, bất cập trong quá trình thực hiện dự án đầu tư để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư dự án trên địa bàn; bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của người dân khi triển khai các công trình.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) giám sát việc phát triển kinh tế ở cơ sở. |
Cùng với kết quả trên, khi được cơ quan có thẩm quyền mời GS, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đều tham dự và tham gia ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao. Kết quả, đã tham gia GS trên 2.000 cuộc, trong đó, cấp tỉnh phối hợp GS 64 cuộc, cấp huyện 567 cuộc, cấp xã gần 1.400 cuộc. Theo đánh giá của nhiều cơ quan chuyên môn: Sự tham gia của đại diện MTTQ và các tổ chức thành viên đã góp phần vào thành công của các đoàn GS. Nhiều ý kiến chất lượng của MTTQ và các tổ chức thành viên được cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, hoàn thiện đưa vào các báo cáo, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
“Cầu nối” ý Đảng, lòng dân
Hoạt động PBXH của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã trở thành kênh quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền tỉnh có thêm thông tin trước khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chứng minh mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đều là sản phẩm kết tinh của ý Đảng, lòng dân. Không những vậy, mối quan hệ tổng thể Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ được phát huy cao độ đã khơi dây sức mạnh tổng hợp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân để tham gia Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Mới đây, Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh đã thông qua 36 nghị quyết quan trọng. Trong đó, nhiều nghị quyết ghi dấu ấn đặc biệt của Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên khi tham gia PBXH, nhất là phản biện chính sách liên quan trực tiếp đến phát triển KT-XH và đời sống nhân dân. Trước khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ kinh phí thực hiện hoàn tất thủ tục hưởng chế độ trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị PBXH đối với dự thảo Nghị quyết trên (do Sở Tư pháp phối hợp với Sở Lao động - TBXH tham mưu UBND tỉnh trình Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh). Tại hội nghị, có 18 lượt đại biểu đóng góp ý kiến trực tiếp vào căn cứ pháp lý, đối tượng áp dụng, nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ, kinh phí thực hiện để góp phần xây dựng, hoàn thiện chính sách, tạo sự đồng thuận xã hội về nhận thức và thống nhất về hành động của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, Nghị quyết được ban hành đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để 172 gia đình có 275 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại bỏ đi khỏi địa phương được hưởng chế độ trợ giúp xã hội, trợ giúp pháp lý.
Ví dụ trên chỉ là 1 trong số 237 hội nghị PBXH của Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên vào 298 dự thảo nghị quyết, chương trình, kế hoạch, quyết định, đề án về phát triển KT-XH của cấp ủy, chính quyền các cấp. Khi tổ chức hội nghị PBXH, Ủy ban MTTQ các cấp đều mời đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản cùng dự để đơn vị trình bày, lắng nghe, tiếp thu, đối thoại trực tiếp với các thành viên tham gia ý kiến phản biện. Không những vậy, MTTQ các cấp còn tham gia phản biện bằng văn bản gửi đến đơn vị có yêu cầu phản biện. Qua đó, kịp thời phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp với thực tế, quy định của pháp luật, chủ trương của Đảng để kiến nghị điều chỉnh, bổ sung, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp.
Thực tế cho thấy: Công tác GS, PBXH của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao; trở thành giải pháp căn bản để thực hiện hiệu quả phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân GS, dân thụ hưởng”. Đồng thời, khắc phục tình trạng: Chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được thể chế đầy đủ thành pháp luật hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc; công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên; giữa chủ trương và tổ chức thực hiện còn cách biệt.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo