Năm 20 tuổi, tôi bắt đầu nhận ra mình có những cảm xúc tiêu cực thường xuyên xuất hiện như cáu gắt, căng thẳng cực độ, lo lắng và dễ khóc vì những chuyện nhỏ nhất.
Tôi cứ để mặc mọi thứ trôi qua như vậy, tự cho rằng cố gắng không nghĩ đến nữa thì mọi thứ sẽ tốt lên. Cho đến một ngày những vấn đề về tâm lý chuyển thành vật lý.
Những cơn lo lắng, chán ăn và mất ngủ liên tục khiến tôi thường xuyên bị đổ mồ hôi và run tay. Giai đoạn run tay kéo dài đến mức tôi gần như không thể tiếp tục đi xe máy hay gõ phím lâu. Tất cả làm xáo trộn cuộc sống và thói quen sinh hoạt hàng ngày, cuốn tôi vào một vòng lặp bế tắc không thể kiểm soát.
Tôi không biết cách diễn đạt những suy nghĩ lộn xộn của mình, càng không thể sắp xếp để nói những câu dài hoàn chỉnh mà không bị nấc cục. Tôi cũng không dám bộc lộ bản thân quá nhiều vì cảm giác thiếu an toàn và mất kết nối với mọi người xung quanh.
Một người bạn của tôi khi phát hiện ra những triệu chứng đó đã khuyên tôi đi tìm kiếm sự giúp đỡ và tư vấn tâm lý trước khi mọi chuyện tồi tệ hơn.
Thời điểm đó, việc tìm được một người trị liệu tâm lý phù hợp, với mức phí hợp lý là vô cùng khó khăn. Phần vì ngành tư vấn tâm lý ở Việt Nam chưa phát triển, phần vì không có một khoảng giá cụ thể nào cho việc điều trị tâm lý trên thị trường lúc bấy giờ.
Tôi đã mất đến 3 tháng, cùng rất nhiều tiền cho các buổi tư vấn ngắn hạn, trước khi gặp được một người tư vấn tâm lý thật sự phù hợp với mình. Sau những buổi chia sẻ, tôi thường được giao bài tập về nhà.
Bài tập đầu tiên của tôi là dọn tủ quần áo và gấp chúng lại một cách gọn gàng. Đấy là những bước đầu tiên để tôi sắp xếp lại cuộc sống của mình, bỏ bớt đồ thừa và những thứ không cần thiết.
Tôi cũng nhận được lời khuyên hãy học bơi và thử sức với bơi lội. Ngay lập tức, tôi gạt phăng đi suy nghĩ đó trong đầu, phần vì tôi luôn cảm thấy không an toàn khi chới với giữa dòng nước, phần vì việc đến những bể bơi đông người thường khiến tôi luôn lo lắng bất an.
Chị tư vấn tâm lý của tôi lúc đó nói rằng, dù thế nào tôi cũng hãy cũng cố gắng thử, không thể bơi một cách thành thạo thì ít nhất cũng là nổi được trên mặt nước.
Mỗi buổi tư vấn tâm lý, chị đều hỏi tôi rằng hôm nay, em đã sẵn sàng để đi học bơi chưa. Sau khi lảng tránh quá lâu, tôi đã học cách đối mặt với nỗi sợ của mình. Tôi đăng ký học bơi, tập thở dưới nước và nổi trên mặt nước.
Đó cũng là cách tôi học cách kết nối lại với bản thân mình, với thiên nhiên, những thứ xung quanh trước khi kết nối với con người.
Những buổi trị liệu tâm lý, tôi đều có những bài tập về nhà như thế, cùng với một người đồng hành, để cải thiện giấc ngủ, giảm triệu chứng run tay và những nỗi bất an, sang chấn trong lòng.
700 nghìn cho mỗi buổi trị liệu tâm lý hàng tuần, liên tục trong 3 tháng, tôi nhận ra sức khoẻ tinh thần của mình ngày càng được cải thiện tốt hơn. Nhiều người bạn vẫn hỏi tôi rằng vì sao phải chi cả chục triệu để có một người lắng nghe mình, mà không tâm sự với những người xung quanh. Nhưng vấn đề không chỉ đơn giản như thế.
Bạn không thể bắt những người thân thiết quanh mình hằng ngày lắng nghe những vấn đề của riêng bạn, trong khi ai cũng đang có khó khăn của bản thân.
Bạn càng không thể chỉ tìm cách làm dịu đi những nỗi niềm của mình, mà bỏ qua trường hợp nó cũng có thể gây ảnh hưởng đến tâm trạng của người bên cạnh. Hơn nữa, liệu bạn có chắc chắn rằng, ở trước mặt một người quen, bạn sẽ cởi mở và chịu dốc hết lòng với một người xa lạ?
Việc bỏ ra một số tiền nằm trong khả năng chi tiêu để cải thiện vấn đề tâm lý, với tôi luôn là một quyết định đúng đắn. Đó không chỉ là cách tôi đối mặt, phân tích, cải thiện sức khỏe tinh thần của mình, mà còn giúp tôi gìn giữ được các mối quan hệ xung quanh và sự riêng tư cá nhân.