Đằng sau các dự án
36 chủ đầu tư của 84 dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp trên cả nước đang “ngồi trên đống lửa” khi hàng nghìn tỷ đồng đầu tư cho mỗi dự án “đắp chiếu” trong thời gian dài vừa qua. Không sốt ruột sao được khi tiền vay ngân hàng cứ đến ngày đến giờ là phải trả.
Đơn thư được 36 chủ đầu tư các dự án gửi khắp nơi, từ Ban Kinh tế T.Ư, Văn phòng Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đến Quốc hội và hàng loạt bộ ban ngành đề nghị gỡ khó. Các doanh nghiệp nêu rõ mong muốn đều muốn dự án được đi vào vận hành để có tiền trả ngân hàng. Tuy nhiên, nội tình vì sao các dự án không kịp tiến độ, không được Bộ Công Thương, địa phương cấp phép dự án nghiệm thu cũng cần được doanh nghiệp nêu ra một cách rõ ràng, sòng phẳng.
Thực tế, Bộ Công Thương đã hai lần có văn bản chỉ đạo, EVN cũng có văn bản, tổ chức đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp để hướng dẫn thủ tục đàm phán giá điện cho các dự án. Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân xác nhận, EVN hết sức hợp tác và có gì vướng mắc sẽ báo cáo Bộ Công Thương tháo gỡ. Tập đoàn nhiều lần có các đề nghị các chủ đầu tư nhanh chóng nộp hồ sơ cho Công ty Mua bán điện nhưng đến hết ngày 31/3/2023, mới chỉ có 6/85 chủ đầu tư nộp hồ sơ.
Trường hợp của dự án nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam tại Ninh Thuận mới đây bị Bộ Công Thương nêu đích danh lý do không nghiệm thu và cho huy động 172 MW xuất phát từ việc dự án này có sai phạm, thi công không đúng thiết kế. Bộ Công Thương chỉ đích danh việc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận đã xử lý sai phạm về thi công công trình chưa đúng quy định và yêu cầu tháo dỡ phần vi phạm. Có sai phạm chưa khắc phục xong nhưng chủ đầu tư vẫn gửi đơn kêu khắp nơi.
Chính sách ưu đãi năng lượng tái tạo đã được Chính phủ công bố rõ ràng về lộ trình cũng như mức giá, thời gian ưu đãi. Trong quãng thời gian đó, rất nhiều dự án quy mô rất lớn ở nhiều địa phương, có cả những dự án điện mặt trời, điện gió lớn nhất Việt Nam dù gặp khó khăn vẫn kịp tiến độ đưa vào vận hành để hưởng ưu đãi. Còn những doanh nghiệp “mắc kẹt” chủ yếu lại là những doanh nghiệp thuộc khối tư nhân mới tham gia làm điện ít năm gần đây.
Để gỡ nút thắt, các doanh nghiệp phải tự khắc phục các sai phạm, hồ sơ phải chuẩn, quy trình thực hiện đúng luật. Chỉ như vậy, Bộ Công Thương, EVN mới có thể có giải pháp cho các dự án kiểu như Trung Nam hay như dự án Nhà máy điện gió Cầu Đất của Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Đại Dương (mới bị tỉnh Lâm Đồng phạt 225 triệu đồng, buộc nộp lại số tiền thu lợi trên 1,1 tỷ đồng do nhiều sai phạm liên quan tới việc thuê đất, sử dụng không đúng mục đích).
Doanh nghiệp kiến nghị nhưng nếu không có thêm chỉ đạo của Chính phủ chỉ đạo kéo dài chính sách ưu đãi thì Bộ Công Thương, EVN cũng không thể làm được gì khác ngoài việc làm theo đúng quy định. Cũng sẽ không có chuyện Bộ Công Thương hay EVN dám đặt bút ký để hợp thức hóa các dự án có sai phạm của doanh nghiệp.
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo