Đánh thuế bất động sản: Sẽ thực hiện thấu đáo, toàn diện

Thứ năm, ngày 17 tháng 10 năm 2024 | 12:58

Việc bổ sung chính sách thuế liên quan đến kinh doanh và giao dịch bất động sản nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, “lướt sóng”, mua đi bán lại trong thời gian ngắn.

 

img_0523.jpg

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng chủ trì họp báo. Ảnh: Bích Ngọc

Sáng 17-10, tại họp báo thường kỳ quý III-2024 của Bộ Xây dựng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Vương Duy Dũng nêu, giải pháp chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh và giao dịch bất động sản nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, “lướt sóng”, mua đi bán lại trong thời gian ngắn, gây tác động, ảnh hưởng đến giá bất động sản, được Bộ Tài chính cùng một số bộ, ngành liên quan đồng tình.

“Tuy nhiên, đây là chính sách mới nên việc nghiên cứu, đề xuất cần thấu đáo, toàn diện. Khi xây dựng chính sách cụ thể cần đánh giá tác động đầy đủ, đến các đối tượng chịu tác động của chính sách, doanh nghiệp kinh doanh, người dân, bên bán, bên mua, bên thuê”, ông Vương Duy Dũng khẳng định.

Ngoài ra, các chính sách này cũng phải phù hợp với thông lệ quốc tế, điều kiện cụ thể phát triển kinh tế - xã hội trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích, tránh tác động tiêu cực đến thị trường, đến hoạt động kinh doanh, giao dịch bất động sản.

Cũng tại họp báo, thông tin về các biến động giá nhà trên thị trường thời gian qua cũng như các giải pháp nhằm ổn định thị trường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, qua phân tích, việc tăng giá nhà ở có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu là do tăng chi phí đầu vào của các dự án, đặc biệt chi phí liên quan đến tiền sử dụng đất, chi phí nhân công.

Tiếp đó, giá nhà tăng do nguồn cung bất động sản hạn chế, dù trong quý II đã được cải thiện. Giới đầu cơ, cá nhân môi giới có tác động kích giá, thổi giá, làm cho giá nhà bị tác động tăng thêm.

Ngoài ra, khi các hoạt động đầu tư kinh doanh các lĩnh vực khác chưa thuận lợi, nhà đầu tư lựa chọn bất động sản để đầu tư, tích lũy nguồn vốn.

Trên cơ sở đánh giá như vậy, Bộ Xây dựng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp ổn định thị trường. Trong đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, để các nội dung đã được sửa đổi tháo gỡ khó khăn cho thị trường sớm đi vào cuộc sống.

Liên quan đến pháp luật về đất đai, vừa qua có hiện tượng biến động giá do hoạt động đấu giá tại một số địa phương, cần có giải pháp rà soát, hướng dẫn quy định pháp luật có liên quan; điều tra các hoạt động đấu giá, điều chỉnh bảng giá đất các địa phương theo quy định Luật Đất đai 2024, tránh tác động tiêu cực đến thị trường, bảo đảm quyền lợi cho người dân, nhà đầu tư.

"Ngoài ra, cần có giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch, tổ chức môi giới, hướng tới giải pháp đưa giao dịch bất động sản qua sàn, có sự quản lý của Nhà nước nhằm làm cho giao dịch kinh doanh bất động sản công khai, minh bạch, tránh hiện tượng nâng giá, thổi giá”, ông Vương Duy Dũng khẳng định.