Đánh thuế cao người 'lướt sóng' nhà đất, chặn đứng được nạn đầu cơ?

Thứ ba, ngày 3 tháng 12 năm 2024 | 9:50

Đánh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian sở hữu để tránh đầu cơ như một số nước là việc phải làm. Tuy vậy có lo ngại tính thuế vào giá bán khiến giá nhà có thể bị tăng cao?

Có làm tăng giá bất động sản?

Như VietNamNet thông tin, Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), trong đó có nội dung về mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS).

Hiện tại, chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tại Việt Nam không phân biệt theo thời gian nắm giữ bất động sản của người chuyển nhượng. Thu nhập chịu thuế từ mua bán nhà, đất được xác định thuế suất 2% theo giá chuyển nhượng.

Tại tờ trình mới đây, Bộ Tài chính đề xuất có thể thực hiện thu thuế TNCN từ chuyển nhượng nhà đất theo thời gian nắm giữ giống như một số quốc gia.

Bộ này cũng đề xuất nghiên cứu điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công cho phù hợp với sự thay đổi về thu nhập và các chỉ số kinh tế vĩ mô trong giai đoạn gần đây và rà soát, điều chỉnh các mức thuế suất tại biểu thuế toàn phần tương ứng với các nội dung sửa đổi về thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng BĐS.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS cho rằng, hiện nay, thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng BĐS được xác định là giá chuyển nhượng từng lần, thuế suất áp dụng là 2%. Nên việc đánh thuế nhà đất theo thời gian sở hữu cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng tránh thuế chồng thuế. 

W-thue bat dong san vietnamnet.jpg

Tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán. Sau 2 năm, mức thuế suất là 50%; sau 3 năm là 25%. Ảnh: Hồng Khanh

“Thực tế, hiện do rất thiếu nguồn cung nên giá nhà đất tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đang rất cao. Nhiều biện pháp được đưa ra để hạ nhiệt giá nhà trong đó có đề xuất đánh thuế ngôi nhà thứ hai, người có nhiều nhà đất, đánh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS… Nhưng hiện tượng thiếu nhà, “sốt giá” không phải tình trạng chung trên cả nước mà chỉ xảy ra ở các thành phố lớn. Không nên nhìn một vài hiện tượng, địa phương mà nói về cả thị trường. 

Vị này cho rằng, việc đánh thuế như đề xuất có thể khiến chủ đầu tư tính vào giá bán khiến giá nhà có thể bị tăng cao. 

“Chặn đứng” đầu cơ, lướt sóng

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lại có quan điểm đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính, đánh thuế bất động sản theo thời gian nắm giữ.

“Đây là việc phải làm để tránh đầu cơ, làm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh”, vị chuyên gia nhìn nhận. 

Trước ý kiến lo ngại việc đánh thuế trên có thể làm tăng giá bất động sản khi chủ đầu tư tính cả vào giá bán, ông Thịnh cho rằng, hiện nay, khi cung ít mà cầu quá cao thì "quyền lực" thị trường nằm trong tay người bán, việc cộng lên hay giảm đi phần lớn có thể do người bán quyết định. Nhưng khi cung - cầu được cải thiện thì việc đánh thuế sẽ giảm được đầu cơ, làm cho thị trường lành mạnh hơn. 

“Tôi đồng tình với việc phải đánh thuế cao hơn với các trường hợp chuyển nhượng nhà, đất trong thời gian ngắn. Đó là việc phải làm. Còn đánh thuế như thế nào thì quá trình làm luật sẽ có tính toán cụ thể hơn. Có thể tính toán đến phương án mua bán ngay trong năm thì nên đánh thuế cao, càng về sau càng thấp, sau 5 năm có thể đánh thuế rất thấp hoặc không đánh thuế…”, ông Thịnh nêu ý kiến. 

Cũng đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính, tuy nhiên ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng, cần cân nhắc về thời điểm thực hiện. 

“Việc đánh thuế luỹ tiến về mua bán bất động sản theo thuế TNCN là việc tất yếu cần phải làm. Nhưng trong giai đoạn hiện nay thị trường đang còn nhiều khó khăn, việc đề xuất có thể tạo hiệu ứng đến tâm lý. Do đó, cần có giai đoạn, lộ trình cụ thể”, ông Điệp nói. 

Theo ông Điệp, lộ trình có thể trong 2-3 năm tới đưa ra ở một mức phù hợp. Tiếp đến trong 5-7-10 năm nữa sẽ lại thay đổi theo một mức khác theo từng bước. Bước đầu mức thuế sẽ thấp sau đó nâng dần lên khi thị trường ổn định, có data dữ liệu đất đai đầy đủ.

Một số quốc gia trên thế giới đã sử dụng các công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ BĐS trong nền kinh tế, trong đó có thuế TNCN.

Ngoài ra, một số nước còn áp dụng thuế đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch BĐS phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian mua, bán lại. Nếu thời gian này diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao, diễn ra chậm hơn thì thuế suất thấp hơn.  

Như tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán. Sau 2 năm, mức thuế suất là 50%; sau 3 năm là 25%.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), giao dịch BĐS thực hiện trong 2 năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 45%; thực hiện trong 2-5 năm thuế suất là 35%; trong 5-10 năm thuế suất 20% và thực hiện sau 10 năm mức thuế suất là 15%.