Đánh thuế tài sản với nhà ở: Nỗi lo và tranh cãi

Thứ ba, ngày 8 tháng 3 năm 2022 | 10:51

Bên cạnh ý kiến ủng hộ với lý do chống đầu cơ, tăng giá, kiểm soát tham nhũng thì có nhiều ý kiến cho rằng việc đánh thuế trong bối cảnh hiện nay không những khó khả thi mà có thể gây hiệu ứng ngược.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho đề xuất đánh thuế tài sản đối với nhà ở. Thực tế, dù mới là 1 văn bản lấy ý kiến về việc có cần xây dựng về thuế tài sản với nhà ở hay không, chưa phải là 1 đề xuất, càng chưa phải là một dự thảo mà đã khiến thị trường hoang mang, nhiều lo ngại nếu thêm loại thuế này sẽ đẩy giá nhà ở tăng cao, cơ hội sở hữu nhà của người dân càng thêm khó.

Nỗi lo chồng chéo

Thuế chồng thuế là một trong những nguy cơ đầu tiên mà ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chỉ ra khi đánh giá về đề xuất đánh thuế tài sản với nhà ở mà Bộ Tài chính đang đưa ra để lấy ý kiến các bộ, ngành.

Ông Châu cho rằng, việc đưa ra thuế tài sản với BĐS nhưng vẫn duy trì việc thu tiền sử dụng đất là một vấn đề cần xem xét

“Thuế là một công cụ rất hiệu quả nhưng nếu công cụ sai lại tác hại ghê gớm nên phải cân đối mọi thứ và phải phải nhìn vào tổng thể. Nếu áp thuế tài sản thì phải giảm tiền sử dụng đất xuống và cần có lộ trình để không gây sốc cho thị trường”, Chủ tịch HoREA đề xuất.

Đồng quan điểm, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng hiện nay Việt Nam đang áp dụng nhiều khoản thuế, phí, liên quan đến BĐS. Ông lấy ví dụ về tiền sử dụng đất, về bản chất cũng là một loại thuế tài sản mà chủ sở hữu mảnh đất phải nộp cho Nhà nước. Nếu bổ sung thêm thuế tài sản mà vẫn giữ các loại thuế cũ sẽ dẫn tới thuế chồng thuế. 

Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, giá nhà ở trên thị trường sẽ tiếp tục tăng cao nếu phải gánh thêm thuế tài sản bởi mọi loại thuế, phí cuối cùng đều “chạy” vào giá thành. Khi đó, những đối tượng khách hàng cuối cùng, gồm cả người mua và người thuê, sẽ chịu thiệt. Đồng nghĩa, mục tiêu giảm nhiệt thị trường nhà ở và bảo vệ người có thu nhập thấp của thuế tài sản sẽ khó đạt được.  

Đánh thuế tài sản với nhà ở: Nỗi lo và tranh cãi
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho đề xuất đánh thuế tài sản đối với nhà ở.

PGS. Đinh Trọng Thịnh cũng nêu kinh nghiệm của các nước cho thấy nguồn thu từ thuế tài sản không quá lớn, chủ yếu các nước thu từ thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó, thuế tài sản sẽ làm thay đổi nhiều thứ, từ thói quen tiêu dùng đến hành vi mua, bán nhà. Vì thuế tài sản hàng năm nặng nề mà nhiều người có thể phải tạm gác lại nhu cầu mua nhà để chuyển sang đi thuê. Việc áp thuế nếu thực hiện sẽ làm thị trường BĐS trầm lắng trong giai đoạn tới.

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, BĐS có sức ảnh hưởng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, xi măng, sắt thép, tài chính, ngân hàng...

Thời gian qua, do tác động của dịch bệnh, BĐS được xem là lĩnh vực hiếm hoi góp phần đáng kể mang lại sức sống và đà hồi phục cho cả nền kinh tế. Việc phải gánh thêm một loại thuế có thể khiến thị trường gián đoạn, chặt đứt đà tăng trưởng của lĩnh vực được xem là đầu kéo của nền kinh tế.

Biệt thư đại gia chịu thuế như căn hộ ổ chuột?

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản với nhà ở. Tháng 4/2018, Bộ này từng đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản, song, do vấp phải sự phản ứng của dư luận, đề xuất đã bị thu hồi. Gần đây, tình trạng sốt đất diễn ra khắp nơi, ý tưởng về đánh thuế tài sản tiếp tục được Bộ Tài chính xới lại.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thực tế của nước ta hiện nay, việc đánh thuế ngôi nhà thứ 2, thứ 3… để ngăn đầu cơ là không dễ dàng.

Đánh thuế tài sản với nhà ở: Nỗi lo và tranh cãi
 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, ở Việt Nam hiện nay chưa có định nghĩa khoa học và thực tế về đối tượng thu thuế là “tài sản”, là “căn nhà”, “căn nhà thứ 2” “căn nhà thứ 3”... Hơn nữa, quy định thu thuế tài sản dễ bị vô hiệu hóa vì bị lách luật nếu không có quy định về tuổi người được sở hữu tài sản hoặc việc đứng tên hộ tài sản sao cho đủ minh bạch và chặt chẽ...

Bên cạnh đó, không thể đánh đồng ngôi nhà vài chục trăm triệu đồng với căn biệt thự cả vài chục tỷ đồng, cũng như không thể đánh thuế ngôi nhà thứ hai, thứ ba của một chủ sở hữu mà tổng giá trị của chúng không bằng một góc nhà của “đại gia” trên cùng địa bàn nhưng không phải chịu thuế do đây là ngôi nhà thứ nhất.

“Đặc biệt, với những tài sản ‘của chìm’, giá trị lớn mà người sở hữu gửi ở nước ngoài hay không khai báo, thì có bị đánh thuế hay không và chế tài cho các vi phạm sẽ ra sao?. Chưa kể, việc thu thuế tài sản rất dễ là cơ hội cho tham nhũng trong ngành thuế, cả do các đối tượng thu thuế và người đi thu thuế bắt tay, cố tình khai báo giả để trốn thuế”, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.

Cũng hoài nghi về tính bất khả thi của việc áp thuế tài sản với nhà ở, PGS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng chỉ tại các thị trường minh bạch mới đánh thuế tài sản được. Tại Việt Nam, đến khi nào mọi giao dịch mua bán đều qua ngân hàng, không dùng tiền mặt, các nguồn thu nhập đều chứng minh được nguồn gốc thì mới có thể tính đến việc đánh thuế tài sản.

Theo các chuyên gia, mục tiêu chính của thuế nhà ở mà Bộ Tài chính đề xuất là tăng thu cho ngân sách chứ không phải chống đầu cơ nhà đất và điều tiết thị trường. Đáng nói, đây không phải giải pháp hiệu quả trong bối cảnh hiện nay do thị trường BĐS Việt Nam chưa đủ “sức khỏe” để chống chịu “cú đánh” mạnh từ thuế tài sản. Nếu bị áp thuế tài sản, thị trường BĐS còn non trẻ có thể lập tức sụt giảm, thậm chí là đóng băng. Như thế, không những các mục tiêu khó đạt, việc thu thuế còn gây hoang mang trong xã hội khiến thị trường BĐS vốn đã khó càng khó thêm

Cũng theo vị này, giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất để giải quyết các bất cập của thị trường hiện nay là giảm bớt thủ tục pháp lý, khơi thông nguồn cung. Tình trạng đầu cơ nảy sinh bắt nguồn từ sự khan hiếm nguồn cung. Ngược lại, nguồn cung dồi dào, đa dạng sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, vừa giúp tạo lập một thị trường BĐS minh bạch, vừa giúp kéo giảm giá nhà, giảm tình trạng đầu cơ, từ đó tăng cơ hội sở hữu nhà ở cho người dân. 

“Về dài hạn, song song với việc nuôi dưỡng nguồn thu, cần có các công cụ để minh bạch hóa tài sản cũng như các giao dịch. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách thúc đẩy các ngành nghề kinh doanh khác, theo quy luật tự nhiên, luồng vốn xã hội sẽ chảy vào đây thay vì đổ dồn vào BĐS. Khi đó, ngân sách sẽ có đa dạng nguồn thu chứ không chỉ chăm chăm trông chờ vào BĐS. Đây mới là cách để giải quyết tận gốc vấn đề”, vị này khẳng định.

Theo Vietnamnet.vn

https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/danh-thue-tai-san-voi-nha-o-noi-lo-va-tranh-cai-821166.html