Đánh vào túi tiền TT Putin: Nga thiệt nặng, toàn cầu đối mặt mối nguy
Các nước phương Tây đưa ra một quyết định chưa từng có lên Nga khi Kremlin đẩy mạnh cuộc chiến tại Ukraine. Đây là bước đầu cho một cuộc chiến có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Lệnh trừng phạt chưa từng có
Các nước phương Tây vừa nhất trí quyết định loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu SWIFT (hệ thống tài chính toàn cầu lớn nhất thế giới) sau khi Moscow đẩy mạnh chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Việc phương Tây đồng loạt nhất trí loại Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu là chưa từng có tiền lệ. Trước đó, năm 2014, ý tưởng loại Nga khỏi SWIFT từng được đưa ra sau khi Moscow sáp nhập Crimea năm 2014, nhưng đã không trở thành hiện thực sau khi Nga cho rằng điều này ngang với một tuyên bố chiến tranh.
Quyết định lần này nằm trong gói biện pháp trừng phạt tài chính bổ sung (loạt biện phát trừng phạt thứ 3) được công bố trong tuyên bố chung giữa Mỹ, Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italy, Anh và Canada.
Phương Tây quyết định loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT. |
Theo AFP, những ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT là các tổ chức "đã bị cộng đồng quốc tế cũng như các tổ chức khác trừng phạt" và quyết định này nhằm cắt đứt các tổ chức đó ra khỏi dòng tài chính quốc tế và sẽ hạn chế hàng loạt hoạt động toàn cầu của họ.
Đòn trừng phạt chưa từng có được đưa ra khi mà chính quyền ông Putin dồn dập tấn công Ukraine theo mọi hướng sau khi Kiev từ chối đàm phán vì cho rằng các điều kiện từ Moscow (yêu cầu quân đội Ukraine hạ vũ khí và khẳng định sẽ trung lập, không tham gia NATO).
Trước đó, Mỹ và EU cũng đã quyết định trừng phạt ông Putin và các đồng sự cao cấp Nga sau khi Nga tấn công Ukraine qua đường bộ, đường biển và đường không, tạo nên cuộc tấn công lớn nhất vào một quốc gia châu Âu kể từ Thế chiến 2.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, toàn bộ tài sản và lợi ích tại Mỹ của ông Putin và các quan chức sẽ bị phong tỏa. Tất cả giao dịch liên quan đến ông Putin và các quan chức trong danh sách hoặc tài sản của họ đều bị cấm, trừ khi được cấp phép đặc biệt.
Việc trừng phạt nguyên thủ quốc gia là quyết định hiếm có mà Mỹ và EU áp dụng.
Căng thẳng nổ ra sau khi Nga tuyên bố chiến tranh lên Ukraine. |
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine được xem là một bước ngoặt quan trọng ảnh hưởng đến toàn bộ trật tự sau Thế chiến II trên toàn châu Âu. Tình hình cũng trở nên phức tạp sau khi Tổng thống Nga Putin ra lệnh tấn công toàn diện Ukraine và tiến hành các cuộc tấn công tên lửa vào thủ đô Kiev. Và ngay lập tức Mỹ và các nước phương Tây áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga, giới lãnh đaọ - doanh nhân và cá nhân TT Putin.
Thế giới đối mặt rủi ro lịch sử
Nga chưa bình luận về thông tin phương Tây loại một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây là một đòn gần như cao nhất của phương Tây, còn hơn cả việc ngừng nhập khí đốt.
SWIFT là một hệ thống tài chính toàn cầu, liên kết hơn 11.000 tổ chức tài chính trên 209 quốc gia và vùng lãnh thổ, giúp các ngân hàng trên thế giới là thành viên của SWIFT chuyển tiền cho nhau trị giá nhiều tỷ USD mỗi ngày hoặc trao đổi thông tin. Tổn thất về kinh tế đối với Nga là rất lớn nếu bị cắt khỏi hệ thống SWIFT.
Theo bà Alicia García Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của Natixis chia sẻ trên tờ Aljazeera, việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ là một đòn giáng nghiêm trọng tới nước này. Các các khoản chi trả tài chính thương mại và các khoản nợ không thể thực hiện được. Điều đáng quan ngại là quyết định này sẽ ngăn cản EU nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Thế giới ra đòn chưa từng có lên Nga, rủi ro đe dọa toàn cầu |
Nga bị loại khỏi SWIFT sẽ khiến chi phí sẽ tăng vọt. Các công ty sản xuất, dịch vụ sẽ sớm rơi vào khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng đứt gãy chuỗi sản xuất sẽ trở lại sau khi đã trở thành nỗi kinh hoàng thời Covid. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới có thể quay trở lại với tình trạng tăng trưởng âm.
Theo BBC, bị ngắt khỏi SWIFT, doanh nghiệp của Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Những khoản thanh toán lớn cho sản phẩm nông nghiệp và năng lượng chắc chắn sẽ bị gián đoạn một cách nghiêm trọng. Nguồn thu của chính phủ Nga sẽ sụt giảm.
Hiện Nga là nhà cung cấp dầu, đặc biệt là khí đốt tự nhiên chính cho cả EU và rất khó để có thể thay thế. Giá nhiêu liệu tăng vọt gần đây và có thể tăng dữ dội trong thời gian tới nếu tình hình xấu đi.
Với Nga, việc bị ban khỏi SWIFT có thể khiến gây ra sự rối loạn trong hệ thống ngân hàng. GDP có thể bốc hơi vài phần trăm.
Trên tờ TASS, Nikolay Zhuravlev, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga cho biết, nếu bị loại khỏi SWIFT, Nga sẽ không nhận được ngoại tệ nhưng châu Âu cũng sẽ không nhận được dầu, khí đốt, kim loại và nhiều mặt hàng quan trọng khác.
Trên thực tế, một cuộc chiến một mất một còn vẫn còn ở phía trước. Quyết định mới nhất của phương Tây mới chỉ loại một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT. Nga là quốc gia có số lượng người dùng dịch vụ của SWIFT nhiều thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ, với hàng trăm tổ chức tài chính của Nga là thành viên của hệ thống này.
Nhiều nước châu Âu trước đó cũng đã tỏ rõ ý định không ủng hộ loại Nga hoàn toàn khỏi SWIFT vì động thái này khiến các chủ nợ châu Âu khó lấy lại tiền. Nga cũng đã và đang phát triển một hệ thống thanh toán thay thế và có thể sẽ chuyển hướng sang cổng thanh toán của các quốc gia khác không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận, chẳng hạn như với Trung Quốc.
Cuộc chiến chưa hạ nhiệt. |
Hà Lan cho rằng, lệnh cấm Nga là rất "nhạy cảm" đối với các quốc gia thành viên của EU, trong khi Đức nhận thấy nguy cơ cao khi không thể mua được khí đốt và nguyên liệu thô khác từ Nga. Chỉ có Anh sốt sắng trong việc loại Nga ra khỏi hệ thống.
Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, đòn giáng mạnh nhất với Nga chính là làm sao để giá dầu giảm. Nga phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu dầu và khí đốt. Nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ nếu giá dầu tụt giảm và sẽ thăng hoa nếu giá dầu khí tăng.
Tuy nhiên, việc hạ giá dầu là một chiến lược dài hơi, không thể làm nhanh. Mỹ khó có thể hạ giá dầu khi mà chính quyền ông Biden đảo ngược chính sách của ông Trump chuyển sang hạn chế dầu khí đá phiến vì môi trường. OPEC vài năm gần đây khổng đầu tư nhiều cho sản xuất khi mà giá dầu có khoảng thời gian sụt giảm. OPEC cũng chờ xem thái độ Mỹ trước khi có hành động.
Giá dầu cũng khó giảm khi Trung Quốc và cả nước Anh cũng đang tăng cường mua gom dầu.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitri Medvedev vừa đưa ra cảnh báo cho biết, Nga sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong đó có thể bao gồm việc không tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn hiệu lực và đóng băng các tài sản của phương Tây. Tất cả tiếp tục đẩy kinh tế thế giới rơi vào một vòng xoáy nguy hiểm.
Theo Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/danh-thang-vao-tui-tien-tt-putin-nga-thiet-nang-toan-cau-doi-mat-moi-nguy-818990.html
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine