Đạo đức cách mạng là "gốc" của cán bộ

Thứ ba, ngày 2 tháng 7 năm 2024 | 10:12

Trong bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập cụ thể tiêu chuẩn của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV. Đó là phải có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức tương đối toàn diện để tham gia hoạch định đường lối, chính sách…

Lãnh đạo Huyện ủy Phú Riềng (Bình Phước) trao đổi lấy ý kiến đánh giá, góp ý của nhân dân tại cơ sở. (Ảnh: nhandan.vn)
Lãnh đạo Huyện ủy Phú Riềng (Bình Phước) trao đổi lấy ý kiến đánh giá, góp ý của nhân dân tại cơ sở. (Ảnh: nhandan.vn)

Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh tới phẩm chất đạo đức cách mạng, xem đây là gốc: "Nói tóm lại là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc". Đây cũng chính là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, cán bộ cần phải vừa có đức, vừa có tài. Không có tài thì làm việc gì cũng khó. Nhưng có tài mà không dựa trên nền tảng đạo đức thì thành người vô dụng, thậm chí là có hại. Đạo đức cách mạng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là: Trung với nước hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024): Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Quy định thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về phẩm chất chính trị, trong sáng về đạo đức, lối sống.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong công tác cán bộ, Đảng ta luôn đề cao phẩm chất đạo đức cách mạng và có nhiều giải pháp để cán bộ, đảng viên rèn luyện, nâng cao. Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII đề cập đến chiến lược đội ngũ cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước xác định nội dung đào tạo phải chú trọng bồi dưỡng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa...

Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII đề cập đến xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược tiếp tục xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trước tiên là nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; trong đó chú trọng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo với rèn luyện trong thực tiễn và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, đến nay chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp ngày càng nâng cao; đa số có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện; trình độ, năng lực được nâng lên, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường đã làm không ít cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" sa vào nạn quan liêu, tham nhũng làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Theo Tổng Bí thư, tình hình tư tưởng trong Đảng và tâm trạng trong nhân dân hiện nay, bên cạnh mặt tích cực là cơ bản, thì sự suy thoái dẫn đến tham nhũng, tiêu cực của đội ngũ cán bộ chính là "những biểu hiện đáng lo ngại".

 

Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đầy cam go thời gian qua cho thấy, chính "gốc đạo đức" không bền là nguyên nhân dẫn tới nhiều cán bộ, đảng viên trong đó có cả cán bộ lãnh đạo quản lý bị tha hóa, biến chất, có hành vi nhận tham ô, hối lộ. Để ngăn chặn những biểu hiện này, phải bắt đầu từ việc vun xới sao cho "gốc vững, cây bền" nghĩa là người cán bộ trước tiên đạo đức cách mạng phải thật vững.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh "Đức làm gốc", bởi vậy trong xây dựng, lựa chọn đội ngũ cán bộ, chúng ta cần làm tốt hơn nữa những chủ trương, định hướng của Đảng về nội dung này như: Đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021, Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương…

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024): Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Quy định thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về phẩm chất chính trị, trong sáng về đạo đức, lối sống.

Quy định ngắn gọn, gồm 5 điều chính, chứa đựng nội dung cốt lỗi về phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ cách mạng chân chính; là cẩm nang cho các cấp ủy đảng trong công tác giáo dục đảng viên cũng như tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa hằng ngày. Việc trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng là việc khó, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.

Thời gian chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng không còn nhiều. Thiết nghĩ mỗi cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên cần đẩy mạnh thực hiện những chủ trương, định hướng về rèn luyện đạo đức cách mạng của Đảng, nhất là những quy định mới để góp phần xây dựng, lựa chọn được những cán bộ thật sự tiêu biểu, đủ đức đủ tài, có uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.