Đạo đức của AI
Vấn đề nổi cộm nhất của ChatGPT chính là tính minh bạch và đạo đức học thuật không được đảm bảo. ChatGPT không bao giờ dẫn nguồn của những thông tin mình đưa ra, trong khi, đây là một yêu cầu cơ bản để chống hành vi đạo văn.
“Con cảm thấy xấu hổ khi phải thú nhận với cộng đồng họa sĩ trên mạng rằng ba đang phát triển một dự án AI Art”, con gái tôi nói vậy khi cả nhà đang dùng bữa tối.
Nguyên, cô con gái 15 tuổi của chúng tôi, đang theo học một trường cấp 3 tư thục tại Pháp. Con tham gia vào câu lạc bộ hội họa ở trường. Tại đây, ngoài những buổi thực hành nghệ thuật như vẽ tranh, tạo hình, còn có thảo luận về các vấn đề trong hội họa.
Gần đây, giáo viên đưa vấn đề AI Art ra để trao đổi cùng học sinh. Có người khen, cũng có ý kiến phản đối. Nguyên, bất chấp mối quan hệ thân thiết với ông bố đẻ là nhà nghiên cứu AI tại Pháp, đã phản đối ra mặt công nghệ mới này. Con bé cho rằng AI Art xâm phạm nghiêm trọng bản quyền của các nghệ sĩ trên thế giới. Không có bất cứ thứ gì AI sản sinh ra có thể được xem là nguyên bản. Sáng tạo hay sản xuất nội dung theo cách này là phi đạo đức. Nguyên nói với tôi rằng con chỉ dám bộc lộ nỗi xấu hổ với cộng đồng trên mạng thôi, vì họ không biết con là ai. Còn ở trường, con không dám nói ba là chuyên gia AI, thậm chí là đang có dự án AI Art. "Xấu hổ chết đi được".
Tôi khá bất ngờ trước phản ứng của con gái. Trước giờ tôi vẫn nghĩ, hẳn con cũng ít nhiều tự hào khi có bố là giảng viên đại học, lại chuyên về lĩnh vực AI khá "hot" đối với giới trẻ bây giờ. Nhưng thành thật mà nói, tôi thấy phát biểu của Nguyên hoàn toàn có lý, và cháu đang nói đúng vấn đề nổi cộm mà công nghệ AI đang đối mặt.
Gần đây nhất, vào ngày 6/2, Getty Images, công ty cung cấp hình ảnh và video lớn nhất thế giới, đã khởi kiện Stability AI, công ty tiên phong về AI Art, vì "vi phạm trắng trợn quyền sở hữu trí tuệ của Getty Images". Getty tuyên bố Stability AI đã sao chép hơn 12 triệu hình ảnh từ cơ sở dữ liệu của mình mà không được phép, và khẳng định Stability AI đã vi phạm cả bản quyền lẫn quyền bảo vệ thương hiệu.
Các công cụ AI Art cần có một lượng lớn hình ảnh, tác phẩm nghệ thuật để sử dụng làm dữ liệu đào tạo và thường lấy từ các trang web mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu. Công nghệ này làm dấy lên làn sóng phản ứng của các nghệ sĩ khi họ cảm thấy chất xám của mình bị đánh cắp trắng trợn. Ngay cả người dùng cũng sẽ bị xâm phạm quyền riêng tư khi những bức ảnh chân dung họ đăng trên mạng xã hội có thể bị dùng làm dữ liệu đào tạo AI. Một ngày nào đó, những bức ảnh "fake" mang gương mặt chính họ sẽ xuất hiện ở một nơi xa lạ.
Trong hội họa và nhiếp ảnh là thế, còn trong sáng tạo nội dung thì sao? ChatGPT chưa chính thức có mặt nhưng đã gây sôi sục ở Việt Nam. Chatbot này có thể làm thơ, viết văn hay sáng tác truyện. Đồng nghiệp của tôi khoe rằng mỗi tối, ông ấy nhờ ChatGPT viết hộ một truyện cổ tích, chỉnh sửa đôi chút là đã có "tác phẩm mới" để đưa con vào giấc ngủ. Con ông rất thích, vì những câu chuyện cũ nghe mãi đã chán, giờ ông bố có thể kể những chuyện mới mẻ không tìm thấy trong cuốn sách nào.
Tuy nhiên, câu hỏi chúng tôi đặt ra là, ông có chắc những truyện này là nguyên bản không? "Ờ thì, chỉ là kể chuyện trước giờ đi ngủ cho con tôi thôi mà, làm gì mà căng thế?". Rõ ràng, chúng tôi nhận thức rõ vấn đề, nhưng lờ đi, do sự việc không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nhưng ở quy mô, mức độ khác, sự vi phạm bản quyền sẽ không thể biện minh bằng câu nói "làm gì mà căng".
ChatGPT khiến người dùng kinh ngạc vì có khả năng đưa ra những câu trả lời có vẻ như chính xác. Công nghệ của ChatGPT là khả năng nén một lượng tri thức cực lớn dưới dạng văn bản thành mô hình xác suất trên máy tính. Không một cá nhân nào dù xuất sắc đến đâu có khả năng ghi nhớ lượng lớn thông tin đến như vậy. Điều này giúp nó có khả năng tìm kiếm tổng hợp, so sánh, kết nối thông tin một cách nhanh chóng.
Thế nhưng, vấn đề nổi cộm nhất của ChatGPT chính là tính minh bạch và đạo đức học thuật không được đảm bảo. ChatGPT không bao giờ dẫn nguồn của những thông tin mình đưa ra, trong khi, đây là một yêu cầu cơ bản để chống hành vi đạo văn.
Bên cạnh đó, thông qua bộ lọc của mình, ChatGPT cũng có thể đưa cho người dùng những thông tin hoàn toàn thiên lệch, phân biệt giới tính và chủng tộc. Giáo sư Piantadosi tại Đại học Berkeley yêu cầu ChatGPT viết đoạn mã python để phân loại những cá nhân có khả năng trở thành nhà khoa học xuất sắc. Kết quả trả về, ChatGPT cho rằng một nhà khoa học xuất sắc cần phải là người đàn ông da trắng. Sau khi ý kiến này lên báo, ChatGPT đã biết sửa sai và rút kinh nghiệm nhưng những lỗi như thế chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm với vô vàn nguy cơ tiềm ẩn.
Vậy có nên tiếp tục sử dụng những công nghệ như AI Art hay ChatGPT? Là nhà nghiên cứu AI, tôi vẫn phải công nhận ChatGPT hay AI Art là những sản phẩm có ích. Nếu giải quyết được vấn đề về bản quyền và đạo đức, chúng có thể trở thành những công cụ hữu hiệu giúp người dùng thêm ý tưởng sáng tạo và làm việc hiệu quả hơn.
Nhưng bản quyền và đạo đức sẽ còn là cuộc chiến dài giữa các tập đoàn, công ty start-ups và các nhà xuất bản nội dung, gồm cả hoạ sĩ, nghệ sĩ, nhà văn, blogger... Trong tương lai, với sự phát triển vượt bậc của AI, thế giới sẽ cần xây dựng những khung quy định pháp luật về trí tuệ nhân tạo cũng như xác lập tư cách pháp lý cho công nghệ này để tránh những tranh chấp về bản quyền và đạo đức.
Về phía người dùng, tôi đã hỏi sinh viên về niềm tin của họ với ChatGPT, và có tới 70% trả lời rằng luôn cần phải kiểm tra lại thông tin mà ChatGPT đưa ra để đảm bảo tính chính xác. Việc kiểm tra bao gồm nhận biết nguồn của thông tin có đáng tin cậy không, thông tin mà chatbot này trả về có đầy đủ không. ChatGPT hiện tại cũng như Wikipedia, là nguồn tham khảo phổ biến, nhưng không được giới khoa học công nhận. Người dùng cần đặc biệt cẩn trọng trong trường hợp phải chịu trách nhiệm nếu nội dung đưa mình đưa ra không chính xác hoặc thiên lệch.
Với tư cách là giảng viên, tôi không phản đối sinh viên dùng ChatGPT phục vụ cho học tập. Mặt khác, tôi tìm cách đưa công nghệ này vào bài giảng như một công cụ hỗ trợ và kích thích kỹ năng tư duy của sinh viên. Để tránh sinh viên gian lận bằng cách sử dụng ChatGPT tìm câu trả lời, giáo viên có thể dùng ngay câu trả lời của ChatGPT làm câu hỏi tiếp theo và yêu cầu sinh viên phân tích để tìm thêm vấn đề. Như vậy kể cả sinh viên dùng ChatGPT thì mức độ sử dụng sẽ sâu hơn và sẽ tăng cường được khả năng phân tích, hiểu vấn đề.
Đây mới chỉ là những ngày đầu làm việc của AI, mắc lỗi là điều khó tránh khỏi. Việc ChatGPT hay AI-Art trở thành công cụ hữu hiệu hay mối đe dọa hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn của người dùng.
Nguồn: https://vnexpress.net/
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo