Đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực, bản lĩnh vững vàng để làm việc trong môi trường quốc tế
Sáng 25-5, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế”.
Quang cảnh hội thảo khoa học sáng 25-5.
Chủ trì hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương: Hoàng Đăng Quang, Nguyễn Thị Thanh; PGS.TS Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương.
Đại biểu thành phố Hà Nội dự hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến.
Tham dự hội thảo còn có hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương; 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và các chuyên gia, nhà khoa học.
Xác định mục tiêu, lộ trình cụ thể trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang cho biết, xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng của Việt Nam là một đòi hỏi cấp thiết, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải có năng lực hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Nghị quyết số 26/NQ-TƯ ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là bước đột phá trong tư duy lý luận của Đảng ta về xây dựng cán bộ cấp chiến lược. Để đạt được những mục tiêu trong nghị quyết, việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó chú trọng những nội dung về nâng cao khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh hội nhập quốc tế là xu hướng khách quan, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có được những năng lực nội sinh nhất định mới có khả năng đáp ứng được những yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Thực tế này đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải được xây dựng theo một khung năng lực được thiết kế bài bản, khoa học, có tầm nhìn và lộ trình cụ thể thì mới đáp ứng được yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế.
Các ý kiến nhất trí với một số nhóm tiêu chí đối với cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, gồm: Lập trường tư tưởng chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức trong sáng; năng lực chuyên môn đạt chuẩn quốc tế; hiểu biết sâu sắc pháp luật, thông lệ quốc tế; am hiểu về văn hóa của các nước đối tác; tác phong làm việc chuyên nghiệp; thông thạo ngoại ngữ, tin học; có khả năng tổng hợp, phân tích, thuyết trình, phản biện, làm việc nhóm... Cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, góp phần thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TƯ (khóa XII).
Xây dựng Chương trình quốc gia tổng thể về đào tạo cán bộ
Tham luận tại hội nghị với chủ đề “Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế - Từ thực tiễn của Đảng bộ Hà Nội”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, những năm qua, Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, ban hành các chủ trương, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có đủ khả năng, năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.
Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020-2025 là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: “Nghiên cứu xây dựng chương trình và lựa chọn cán bộ cử đi đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, kiến thức chuyên sâu ở trong và ngoài nước, tạo nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, thành phố thông minh”. Trên cơ sở đó, Thành ủy Hà Nội đã sớm ban hành và triển khai các chương trình, nghị quyết, đề án nhằm cụ thể hóa, sớm hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu trên vào thực tiễn cuộc sống, trong đó có Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20-9-2017 về “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý”. Mới đây, thành phố đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng ở thành phố Hà Nội giai đoạn hiện nay”, qua đó gợi mở nhiều định hướng, giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô đến năm 2025 và những năm tiếp theo…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến tham luận tại hội thảo.
Để tiếp tục hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã đề xuất một số định hướng, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Trong đó, cùng với việc quan tâm bố trí nguồn lực, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng đề xuất nghiên cứu, xây dựng một Chương trình quốc gia tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Từ đó, các tỉnh, thành phố cụ thể hóa, vận dụng phù hợp, ban hành khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. Cùng với đó, cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nhất là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chất lượng cao; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng cho rằng, cần chủ động thúc đẩy hợp tác để tranh thủ các nguồn lực tham gia đào tạo cán bộ; duy trì việc cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo Đề án 165.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị tại hội thảo nhằm góp phần vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong tham mưu xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26/NQ-TƯ (khóa XII) và cụ thể hóa những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.
Nguồn https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1032934/dao-tao-doi-ngu-can-bo-co-nang-luc-ban-linh-vung-vang-de-lam-viec-trong-moi-truong-quoc-te
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam