Đấu giá tần số 5G: Cơ hội lớn, thách thức nhiều
Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông báo kế hoạch đấu giá tần số cho 5G trong tháng 3-2024 và nếu không có gì thay đổi, quý II tới, các nhà mạng sẽ chính thức công bố thương mại hóa dịch vụ này. Việc triển khai công nghệ di động thế hệ mới là xu thế tất yếu với các nhà mạng nhưng cũng đặt doanh nghiệp trước không ít thách thức.
Giới thiệu với khách hàng các dịch vụ 5G tại Trung tâm Kinh doanh VNPT, số 75 phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm).
Sẵn sàng phương án đấu giá
Từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, ba nhà mạng VinaPhone, Viettel, MobiFone đã lần lượt phát sóng thử nghiệm dịch vụ 5G. Đến nay, 5G đã được thử nghiệm thương mại ở 59 tỉnh, thành phố. Theo đại diện Viettel, qua khảo sát, 100% người sử dụng được hỏi mong muốn sớm triển khai 5G. Còn đại diện VinaPhone, MobiFone cho biết, khách hàng cảm nhận rõ sự thay đổi về chất lượng mạng 5G so với các công nghệ di động trước đó.
Do vậy, việc Bộ Thông tin và Truyền thông công bố phương án đấu giá, thời điểm tổ chức đấu giá tần số cho 5G được cả “người trong cuộc” là các nhà mạng lẫn dư luận quan tâm.
Theo Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), có 3 khối băng tần đấu giá cho 5G lần này, gồm B1 (2.500-2.600MHz), C3 (3.800-3.900MHz) và C2 (3.700-3.800MHz), với các mức giá khởi điểm là gần 3.984 tỷ đồng (B1) và gần 1.957 tỷ đồng (C3, C2). Thời gian đấu giá lần lượt vào các ngày 8, 14 và 19-3 theo nguyên tắc: Doanh nghiệp đã trúng giá thì không được tham gia đấu giá khối tiếp theo…
Đánh giá về mức giá khởi điểm đấu giá tần số, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, so với công bố trước, mức thu cơ sở đấu giá tần số lần này được xây dựng khoa học hơn và phù hợp với các thông lệ quốc tế về cách thức tính toán dựa trên dữ liệu tham chiếu.
Đại diện các nhà mạng Viettel, VinaPhone đều mong muốn cơ quan quản lý sớm thúc đẩy việc thương mại dịch vụ 5G, đồng thời cho biết, sẵn sàng tham gia đấu giá tần số lần này. Đại diện MobiFone còn đề xuất sử dụng chung hạ tầng mạng 5G để rút ngắn thời gian, khối lượng đầu tư và giảm thiểu rủi ro cho các nhà mạng.
Về thời điểm triển khai 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, năm 2024 là thời điểm phù hợp để triển khai diện rộng mạng 5G. Bởi vì, so với 4 năm trước (năm 2020), giá thiết bị tại thời điểm này đã giảm 4 lần, trong khi đó, lượng thuê bao 5G trên toàn cầu đạt 15%, là mốc phù hợp để bắt đầu thương mại hóa. Đầu tư mạng 5G cũng là một trong những điểm nhấn mà lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng cho các doanh nghiệp viễn thông chủ chốt của Nhà nước, để tạo nền tảng mới, động lực mới cho phát triển.
Sẽ triển khai 5G nhưng...
Dù việc triển khai công nghệ di động 5G là xu hướng tất yếu, song các nhà mạng đều cho rằng, đầu tư mạng 5G gắn với bài toán kinh doanh là thách thức. Kinh nghiệm từ các nhà mạng trên thế giới cho thấy không có nhiều thành công. Trúng đấu giá tần số 5G cũng kèm theo các điều kiện cụ thể về thời gian triển khai, về số trạm BTS.
Tính đến hết năm 2023, dựa trên dữ liệu hệ thống, mạng VinaPhone có hơn 18% khách hàng sử dụng máy 5G. Tỷ lệ này của MobiFone khoảng 17%. Còn Viettel không có số liệu. Con số trên có thể chưa toàn diện, song phần nào cho thấy giá thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G vẫn là một vấn đề với người sử dụng.
Đại diện một nhà mạng phân tích, hiện nay, khách hàng sử dụng 5G chủ yếu là cá nhân, bởi thực tế, việc triển khai mạng 5G dùng riêng không đơn giản. Nhà mạng sẽ phải thiết lập cơ chế hợp tác, đầu tư hạ tầng dùng riêng (không chỉ riêng trạm BTS 5G) cho đối tác, sẵn sàng nguồn lực lớn cũng như cơ chế, chính sách. Bài học từ nhà mạng Trung Quốc China Mobile đạt tăng trưởng doanh thu tới 10% sau khi triển khai 5G cho các ứng dụng ngành công nghiệp một phần nhờ Chính phủ chi đầu tư và có cơ chế ưu đãi cho hạ tầng…
Chia sẻ về thách thức khi triển khai 5G, đại diện Viettel cho rằng, các dịch vụ nội dung trên 5G hiện chưa có nhiều, chỉ có video 4K, 8K, live streaming, còn ít các dịch vụ AR, VR (thực tế tăng cường, thực tế ảo), do vậy, các nhà mạng phải là đơn vị đi đầu trong việc triển khai xây dựng nội dung cho 5G. Với Viettel, lựa chọn ưu tiên là triển khai 5G ở những khu vực có nhu cầu cao, tỷ lệ máy điện thoại hỗ trợ 5G cao, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm đổi mới sáng tạo...
Các nhà mạng đều khẳng định sẽ triển khai 5G, vì với ngành Viễn thông, nếu không đầu tư liên tục cho hạ tầng, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, khi đó nhà mạng có thể mất khách, mất doanh thu. Nhưng đầu tư công nghệ 5G cũng chưa chắc đã thành công khi đối mặt với thách thức về hiệu quả kinh doanh.
Chia sẻ về khó khăn, thách thức với nhà mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, vấn đề đặt ra là đầu tư cho 5G thế nào và khi nào? Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2024 là thời điểm chín muồi để triển khai 5G. Các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT cần đẩy nhanh đầu tư cho mạng 5G để phát triển hạ tầng số, theo hướng dành từ 15% đến 20% doanh thu để chi cho phát triển hạ tầng. Riêng MobiFone có thể gộp tần số với một doanh nghiệp khác để đầu tư, vì 5G có lợi thế là chia sẻ được hạ tầng BTS. Cùng với đó, nhà mạng phải sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ 5G để bán cho doanh nghiệp, để tích cực tham gia chuyển đổi số cùng các doanh nghiệp, các ngành, các địa phương...
- Nhiều startup công nghệ thắng lớn tại Techfest Việt Nam 2024
- Indonesia: Apple đã rót hơn 15 tỷ USD vào sản xuất tại Việt Nam
- Chuyển đổi số để phát triển quận Bắc Từ Liêm xứng tầm
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- OpenAI chi bao nhiêu để mua nội dung đào tạo ChatGPT?
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- Doanh nghiệp Việt loay hoay tăng thu giảm chi bằng chuyển đổi số
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số
- Điện thoại Trung Quốc thách thức Samsung, Apple tại châu Âu