Đây là một trong lý do khiến trái phiếu doanh nghiệp 'đông cứng'

Thứ ba, ngày 14 tháng 2 năm 2023 | 8:23

Trong các mục đích phát hành trái phiếu, Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã loại bỏ mục đích “tăng quy mô vốn hoạt động” ra khỏi danh sách các mục đích phát hành trái phiếu

Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa có kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ vướng mắc của Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Cụ thể, VBMA cho biết, trong các mục đích phát hành trái phiếu, Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã loại bỏ mục đích “tăng quy mô vốn hoạt động” ra khỏi danh sách các mục đích phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, VBMA cho rằng cơ quan chức năng cần đưa mục đích phát hành để tăng quy mô vốn hoạt động – như đã từng quy định tại Nghị định 153/2020 quay trở lại thực tiễn.

"Thui chột" hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp

Nhận định về vướng mắc của doanh nghiệp khi quy định mới loại bỏ mục đích phát hành trái phiếu để “tăng quy mô vốn hoạt động”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch VBMA cho biết: “Điều này vô hình trung làm hạn chế khả năng huy động vốn của doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động kinh doanh thông thường, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất.

Ngoài nhu cầu vốn trung dài hạn để đầu tư vào các dự án thì doanh nghiệp có nhiều nhu cầu sử dụng tiền cho các hoạt động kinh doanh của mình mà không được tính là đầu tư dự án như: Tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, các định chế tài chính khác, các doanh nghiệp nhu cầu bổ sung vốn cho hoạt động thường xuyên. Nhất là doanh nghiệp sản xuất như mua máy móc thiết bị, chi phí cho sản xuất, chi phí lương, thanh toán thuế… mà những chi phí này không được tính vào chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp.

Nếu không được phát hành trái phiếu cho mục đích tăng quy mô hoạt động thì vô hình chung chặn việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp này trong khi doanh nghiệp có quyền tự chủ quyết định việc huy động vốn đối với các nhu cầu hợp pháp của doanh nghiệp như: bổ sung vốn kinh doanh, mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh…

Bên cạnh đó, khả năng phát hành của doanh nghiệp bị hạn chế đáng kể khi lược bỏ mục đích tăng quy mô vốn hoạt động do số lượng doanh nghiệp có dự án mới khá hạn chế. Các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn với tiềm lực tài chính tốt thường sử dụng mục đích này và chào bán cho đối tượng nhà đầu tư tổ chức sẽ bị ảnh hưởng đáng kể”.

Từ những bất cập kể trên, đại diện VBMA cho biết đơn vị này đã kiến nghị mục đích sử dụng vốn là thỏa thuận thương mại giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành, doanh nghiệp huy động vốn tự chịu trách nhiệm với nhà đầu tư về việc sử dụng vốn, đưa vào hoạt động kinh doanh và thu xếp dòng thu, nguồn tiền trả nợ cho nhà đầu tư. Bộ Tài chính cũng đã bổ sung các quy định về việc báo cáo sử dụng vốn định kỳ để nhà đầu tư được biết và kiểm soát được tình hình sử dụng vốn của doanh nghiệp.

“Vì vậy chúng tôi đề xuất giữ nguyên nội dung quy định về mục đích phát hành trái phiếu, bao gồm cho phép mục đích phát hành để tăng quy mô vốn hoạt động như quy định tại Khoản 2, Điều 5 Nghị định 153” - ông Tùng nêu quan điểm.

Đây là một trong lý do khiến trái phiếu doanh nghiệp 'đông cứng' ảnh 1

 

Khó khăn bủa vây hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản

Trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới bằng 0

Theo Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 1 do Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa công bố cho thấy hoạt động huy động vốn trên thị trường này hoàn toàn "đông cứng".

Tổng hợp dữ liệu từ HNX và SSC, VBMA nhận thấy tính đến hết tháng 1 năm nay, toàn thị trường không ghi nhận bất cứ đợt phát hành nào trong năm 2023.

Các đợt phát hành được công bố trong tháng 1 vừa qua, hầu hết đều được phát hành vào tháng 12 năm ngoái. Trong các đợt phát hành này, nhóm ngân hàng chiếm đa số với 3,269.5 tỉ đồng phát hành trái phiếu riêng lẻ và 10,637.8 tỉ đồng phát hành ra công chúng. Ba đợt phát hành còn lại đến từ nhóm các công ty chứng khoán và bất động sản, chỉ chiếm khoảng 3%.

Cũng trong tháng Giêng năm nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 8.068 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2023, sẽ có khoảng 285.178 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn.

Có thể thấy, dù giá trị trái phiếu đáo hạn đã giảm xuống đáng kể nhờ hoạt động mua lại, song áp lực đảo nợ vẫn rất lớn. Khoản nợ này đang tạo sức ép rất lớn với các đơn vị phát hành, ngay cả với những đại gia bất động sản đầu ngành.

Nguồn: https://plo.vn/