Đẩy nhanh tiến độ chương trình “Xóa nhà tạm”

Thứ ba, ngày 30 tháng 7 năm 2024 | 9:27

Chương trình “Xóa nhà tạm” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là chương trình hỗ trợ cất nhà mới cho người dân. Kể từ khi chương trình được phát động, hàng trăm ngôi nhà đã được xây dựng hoàn thiện. Có nhà mới, người dân không còn lo lắng mỗi khi mưa to, gió lớn.

Một ngôi nhà được xây dựng theo chương trình
Một ngôi nhà được xây dựng theo chương trình "Xóa nhà tạm" tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: HỮU NGHĨA

Không còn lo lắng khi mưa, dông bão

Mấy ngày này, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo ở Đồng Tháp vui mừng khôn xiết khi được vào ở nhà mới. Chúng tôi có mặt tại nhà ông Huỳnh Văn Bé, sinh năm 1940, ngụ ấp Long Hậu, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự lúc vừa tạnh mưa. Ngôi nhà mới của ông Bé với diện tích hơn 60m2, cất từ chương trình “Xóa nhà tạm”. Bà Hồ Thị Chắn, vợ ông phấn khởi bộc bạch: “Tôi rất hạnh phúc khi có được căn nhà mà từ nhỏ mình đã mơ ước. Bữa cơm trong căn nhà mới cũng ngon hơn. Không còn cảnh vừa ăn cơm, vừa né trời mưa dột tạt nữa. Có nhà mới, chồng tôi mừng, bệnh tình cũng đỡ hơn”.

Thực hiện chương trình “Xóa nhà tạm”, theo kế hoạch, trong năm 2024, xã Long Khánh A có 19 căn được cất mới. Đến thời điểm hiện tại, 7 căn nhà được khởi công vào đầu tháng 6 đã hoàn thành; 12 căn còn lại cũng đã lập xong hồ sơ, chuẩn bị khởi công. Sau khi chương trình “Xóa nhà tạm” được triển khai, chính quyền địa phương và người dân được hỗ trợ bắt tay vào làm ngay. Theo chương trình, mỗi căn nhà được hỗ trợ 50 triệu đồng. Để ngôi nhà được khang trang hơn, các con, cháu, dòng họ của chủ hộ đã góp thêm tiền mua vật tư. Có những hộ đang xây nhà mà cuộc sống quá khó khăn, được nhà hảo tâm hỗ trợ thêm tôn, gạch lót nền.

Khi bắt tay vào khởi công các công trình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Long Khánh A và Ban công tác Mặt trận các ấp thường xuyên theo sát. “Nhà dân làm xong nền, lợp tôn, làm vách xong phần nào là chúng tôi chụp hình để báo cáo lên cấp trên liền. Nhờ theo sát cho nên những khó khăn phát sinh trong quá trình xây dựng như thợ cất nhà cần tiền xoay xở, hay chủ bán vật liệu xây dựng đòi tiền thì chúng tôi đều có cách hỗ trợ, giải quyết kịp thời. Nhờ đó, các ngôi nhà được xây bảo đảm tiến độ”, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Long Khánh A Lê Đăng Đức Phương cho biết.

Xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh có 6 ấp, 3.885 hộ dân, với hơn 15.530 nhân khẩu. Toàn xã có 99 hộ nghèo và cận nghèo. Người dân trên địa bàn phần nhiều sống bằng nghề nông và làm thuê. Chúng tôi đến căn nhà được cho là khó khăn nhất trong việc đi lại trên địa bàn xã. Nhà cách đường lộ 300m, đi lại rất khó khăn, nhất là khi vận chuyển cát, đá phải dùng xe đạp, xe máy chở về để xây nhà.

Đường vào nhà nhỏ hẹp chỉ đủ để xe gắn máy đi lại. Đất trên lối đi vào nhà cũng là đất xin được đi nhờ từ vườn nhà hàng xóm. Dù phải xây dựng trong điều kiện khó khăn, vất vả, thậm chí nhiều khi trời mưa, dông, nhưng thợ và các thành viên trong nhà quyết tâm hoàn thiện sớm. Anh Bùi Minh Vương, sinh năm 1972, ngụ ấp Tịnh Hưng, xã Tịnh Thới kể: “Năm nay tôi hơn 50 tuổi, nhưng đây là lần đầu được ở trong nhà tường.

Gia đình tôi quanh năm sống bằng nghề làm mướn, có lúc tôi nghĩ mình không bao giờ được ở trong ngôi nhà mới, an toàn”. Bà Nguyễn Huỳnh Tây Phố, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tịnh Thới cho biết: “Nhà của anh Vương là một trong 6 căn nhà được xây dựng từ chương trình “Xóa nhà tạm”. Có nhà kiên cố, người dân an tâm hơn rất nhiều, từ đó sẽ tập trung lo chuyện làm ăn”.

Việc xóa nhà tạm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đạt được nhiều kết quả thiết thực. Song, để bảo đảm tiến độ đề ra, các cấp,ngành đang rất nỗ lực chạy đua với thời gian để giúp người dân có được mái ấm càng sớm càng tốt.

Nhiều cách làm hay, hiệu quả

 

Tại lễ phát động chương trình “Xóa nhà tạm” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vào ngày 2/6/2024, lãnh đạo tỉnh cho biết phấn đấu đến tháng 9/2025 thực hiện hoàn thành xóa 2.000 căn nhà. Hưởng ứng lễ phát động, các huyện, thành phố phối hợp triển khai thực hiện sôi nổi. Đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp chính quyền và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã triển khai, hỗ trợ xây dựng 735 căn nhà Đại đoàn kết, tổng kinh phí gần 54 tỷ đồng (vận động cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ hơn 32 tỷ đồng, số còn lại do gia đình đối ứng).

Trong đó, đã tổ chức bàn giao và đưa vào sử dụng 325 căn, còn 410 căn đang xây dựng. Tỉnh dự kiến đến ngày 30/8/2024 hoàn thành và đưa vào sử dụng 100% số căn nhà hiện nay đang xây dựng. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện chương trình, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo. Nổi bật là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Châu Thành đã triển khai thực hiện mô hình “Ấp xóa trắng nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo” trên địa bàn huyện. Huyện đã huy động nhiều nguồn lực thực hiện “xóa trắng nhà tạm” được 60/77 ấp. Mô hình này được nhân rộng ra toàn tỉnh, là nền tảng quan trọng, kinh nghiệm quý để tỉnh thực hiện chương trình “Xóa nhà tạm” đến tháng 9/2025.

Trên địa bàn huyện biên giới Hồng Ngự có 98 căn nhà tạm của hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện xây dựng nhà ở. Huyện đã triển khai xây dựng và hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 43/98 căn, còn lại 55 căn đang tiếp tục xây dựng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hồng Ngự Lê Hùng Dũng cho biết: Thời gian qua, một số địa phương có các cách làm hay, sáng tạo, cụ thể: Tại 5 xã cù lao của huyện có các mô hình Tổ cưa, xẻ gỗ miễn phí; Tổ cất nhà từ thiện... giúp giảm được kinh phí xây dựng, tiết kiệm chi phí thuê mướn nhân công để có thêm kinh phí xây dựng nhà khang trang hơn. Ngoài ra, trong mùa mưa năm nay, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, ưu tiên xây dựng đối với các hộ có nhà hư hỏng nặng, có khả năng không an toàn trong mùa mưa, bão.

Tại thành phố Cao Lãnh, qua khảo sát, hiện trạng nhà ở tạm bợ, dột tạt là 238 hộ, trong đó có 82 hộ đủ điều kiện. Theo kế hoạch giai đoạn 1 (1/2024-7/2024), vận động xây dựng 35 căn. Tính đến nay, thành phố đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra với 36/35 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá 3,27 tỷ đồng. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Cao Lãnh Huỳnh Văn Tuấn cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, Mặt trận Tổ quốc thành phố phối hợp các xã, phường tranh thủ trao đổi với các hộ gia đình được hỗ trợ nhanh chóng triển khai xây dựng và giao thời hạn trong vòng 45 đến 80 ngày phải hoàn thiện căn nhà bằng tất cả nguồn lực.

Kết quả khảo sát thực trạng về nhà ở của hộ nghèo tại thời điểm đầu tháng 2/2024 cho thấy, toàn tỉnh có 2.524 hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu về nhà ở, trong đó có 1.663 hộ đủ điều kiện, có 861 hộ không đủ điều kiện cất nhà. Khó khăn nhất là không có đất hợp pháp để xây nhà (do chưa có đất, nhà đang ở trên sông, rạch, khu vực sạt lở, đất mượn...). Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh tiếp tục phối hợp khảo sát và vận động người thân, dòng tộc… hỗ trợ đất để xây dựng, qua đó tăng đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ nhà, nhằm bảo đảm thực hiện kế hoạch đề ra; huy động các nguồn lực, vận động sự tham gia trực tiếp của các lực lượng, tổ chức, hội, đoàn thể, dòng tộc, người được hỗ trợ nhà để thực hiện hỗ trợ “xóa nhà tạm” cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

“Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên; ngoài việc chủ trì, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đoàn viên, hội viên, đối tượng tổ chức mình quản lý, cần quan tâm phối hợp vận động các nguồn lực hỗ trợ, tham gia ngày công lao động... để căn nhà được xây dựng khang trang, đẹp và bền chắc hơn”, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp Đinh Văn Dũng cho biết.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh Đồng Tháp đang tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên tham gia thực hiện chương trình đạt được nhiều thuận lợi. Việc cùng chung tay vận động nguồn lực, cùng chỉ đạo, kiểm tra bước đầu bảo đảm về yêu cầu tiến độ.