Tỉnh Hà Giang có gần 135 nghìn trẻ trong độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi và hơn 88 nghìn trẻ từ 12 đến 17 tuổi cần tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi đạt 66%; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi đạt 53%. Tại một số huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Điện Biên tỷ lệ tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi cũng khá thấp, như huyện Tủa Chùa đạt 48,3%; huyện Mường Nhé đạt 53,2%.
Ở nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỉnh Điện Biên có 66,9% trẻ đã tiêm mũi 2, nhưng tỷ lệ này ở các huyện vùng cao thấp hơn so với tỷ lệ chung của tỉnh, trong đó, huyện Mường Nhé mới đạt 36,8%; huyện Nậm Pồ đạt 58,9%. Tiến độ tiêm vắc-xin cho trẻ em ở tỉnh Sơn La nhanh hơn hai tỉnh Hà Giang, Điện Biên, song tính đến sáng 15/9, số trẻ từ 5 đến 11 tuổi của Sơn La đã tiêm mũi 2 cũng mới đạt 71,3%.
Nguyên nhân dẫn đến việc triển khai tiêm vắc-xin cho các nhóm trẻ dưới 18 tuổi tại các tỉnh miền núi phía bắc còn thấp trước hết là do điều kiện khách quan. Các tỉnh miền núi có địa bàn rộng, địa hình bị chia cắt, đi lại khó khăn, trong khi nhân lực y tế cơ sở có hạn.
Tại các xã vùng sâu của tỉnh Hà Giang, nhiều thôn cách trung tâm xã từ 10 đến 20km, dân cư sống rải rác trên những sườn núi cao, khó huy động người lớn đưa trẻ đến trung tâm thôn, xã tiêm vắc-xin. Mặt khác, thời điểm tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; tiêm nhắc mũi 1 (mũi 3) cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi trùng thời gian học sinh nghỉ hè.
Đây cũng là thời điểm các huyện vùng cao các tỉnh miền núi bắt đầu vào mùa mưa lũ, nhiều thôn, bản bị chia cắt, cản trở cán bộ y tế khi tiêm chủng lưu động tại bản.
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ và chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Nhiều người có tâm lý coi nhẹ tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) hoặc e ngại vì lo con em tiêm phòng xong hay bị sốt, mệt.
Ông Nguyễn Văn Giao, Quyền Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang cho biết: "Nhiều người dân đã mắc Covid-19 nhưng do được tiêm vắc-xin nên diễn biến bệnh nhẹ, do đó không cho con em mình đi tiêm, số khác thì lo ngại những biến chứng sau tiêm, ảnh hưởng đến sự phát triển của con em mình".
Cán bộ Trạm Y tế xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ. (Ảnh KHÁNH TOÀN) |
Chỉ đạo khắc phục ngay các biểu hiện chủ quan, thờ ơ trong phòng, chống dịch Covid-19 tại một số địa bàn của tỉnh Điện Biên, nhất là tâm lý e ngại không cho trẻ đi tiêm vắc-xin của các phụ huynh, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh; Ban Chỉ đạo cấp huyện phải bám sát phương châm "truyền thông tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chuyên gia tại chỗ, ngôn ngữ tại chỗ và nhân lực tại chỗ" để vận động nhân dân cho con em mình tiêm đủ liều và thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo ngành chức năng, các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, vai trò của tiêm vắc-xin trong phòng, chống dịch Covid-19. Khắc phục những khó khăn về điều kiện địa hình, các cơ sở y tế tuyến huyện, xã cũng thành lập các tổ tiêm lưu động để đi tiêm phòng tại các thôn vùng sâu, vùng xa.
Bà Nguyễn Thị Dự, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vị Xuyên cho biết: "Huyện gắn trách nhiệm triển khai công tác tiêm vắc-xin cho trẻ đối với người đứng đầu các xã, thị trấn. Hằng ngày, lãnh đạo huyện và ngành y tế nắm bắt, đôn đốc tiến độ tiêm vắc-xin của từng xã, thị trấn thông qua nhóm Zalo, từ đó có biện pháp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn kịp thời".
Xã biên giới Minh Tân, huyện Vị Xuyên có 14 thôn, trong đó, thôn xa nhất cách trung tâm xã gần 30km. Chính quyền xã đã phân công cán bộ xã phụ trách thôn, cán bộ thôn là thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, phụ trách từng nhóm hộ. Cán bộ, đảng viên rà soát, lập danh sách, đến từng thôn, từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động tiêm vắc-xin.
Ông Nguyễn Đức Quế, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Minh Tân cho biết, đã thành lập tổ tiêm vắc-xin lưu động để đến các thôn xa trung tâm xã tiêm vắc-xin cho trẻ, nên tiến độ tiêm đã chuyển biến tích cực. Ngày 13/9, tổ tiêm vắc-xin lưu động của Trạm Y tế xã Minh Tân đã vượt đường rừng đến thôn Tả Lèng, thôn Thượng Lâm để tiêm vắc-xin cho học sinh tại các điểm trường tiểu học.
Do được cán bộ đến tuyên truyền trước, cho nên phụ huynh học sinh đã chủ động ra điểm trường, ký cam kết cho con em mình tiêm vắc-xin. Trong ngày, 36/58 học sinh tại hai điểm trường đã được tiêm mũi 2. Ông Hầu Mí Dương, phụ huynh cháu Hầu Thị Trấu, thôn Tả Lèng, xã Minh Tân cho biết: "Trước đây tôi cũng không muốn cho cháu tiêm vì sợ ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Nhưng cán bộ thôn xuống tận nhà vận động, tôi đã hiểu ý nghĩa của tiêm vắc-xin nên đồng ý cho cán bộ tiêm vắc-xin cho cháu".
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La (CDC Sơn La) đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các nhóm trẻ. Trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác truyền thông, thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", để không bỏ sót đối tượng tiêm chủng.
* Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo khảo sát, phối hợp ngành y tế rà soát các đối tượng học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi; chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, tạo điều kiện tốt nhất để việc tiêm vắc-xin diễn ra thuận lợi, an toàn. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La Nguyễn Huy Hoàng cho biết, hiện nay, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã hoàn thiện việc rà soát, lập danh sách đầy đủ học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi theo từng lớp; phối hợp với cơ quan y tế và cha mẹ học sinh đánh giá ban đầu về tình trạng sức khỏe của trẻ, quan tâm đến các em mắc bệnh lý nền để có phương án tiêm chủng bảo đảm an toàn.
Sở cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học liên hệ với lực lượng công an lấy mã số định danh của những học sinh nộp cho nhà trường nhập lên hệ thống. Đến nay, công tác nhập dữ liệu của học sinh lên hệ thống tiêm chủng đã cơ bản được hoàn tất.
Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang Lê Thị Như Quỳnh cho biết: "Lãnh đạo các trường giao trách nhiệm cho các giáo viên chủ nhiệm rà soát, lập danh sách từng học sinh đã tiêm, chưa tiêm vắc-xin để gửi đến cơ quan y tế địa phương. Việc vận động phụ huynh cho trẻ đi tiêm trên tinh thần khuyến khích tự nguyện, nhưng các trường cũng thực hiện rất quyết liệt, kiên trì bởi xác định vắc-xin là giải pháp cốt lõi để phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học".
Đặt mục tiêu trước ngày 20/9/2022 phải hoàn thành tiêm vắc-xin cho học sinh, giáo viên trong trường học, Tỉnh ủy Điện Biên giao ngành giáo dục và đào tạo Điện Biên phải tuyên truyền, vận động 100% số cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành gương mẫu thực hiện nghiêm việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19; quyết liệt chỉ đạo rà soát, lập danh sách học sinh từ 5 đến dưới 18 tuổi và sinh viên chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đầy đủ để vận động phụ huynh, học sinh đồng ý tiêm chủng đúng thời gian, bảo đảm phát huy hiệu quả của vắc-xin trong phòng, chống bệnh.