Đẩy nhanh việc gỡ các nút thắt pháp lý, khai thông thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng

Thứ sáu, ngày 6 tháng 5 năm 2022 | 15:2

Đại diện Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết: Các điểm nghẽn pháp lý đã khiến nhiều dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa lâm vào cảnh "dở khóc dở cười". Vì vậy, để tháo gỡ nút thắt này cần có chính sách phù hợp và quyết liệt hơn.

Việt Nam đang thiếu cơ sơ lưu trú có chất lượng

Với lợi thế bờ biển dài hơn 3.000km, đi kèm nhiều bãi biển đẹp, Việt Nam lợi thế trong việc phát triển du lịch. Thực tế cho thấy, trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng rất mạnh, riêng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng 2 con số mỗi năm.

Thế nhưng, một bất cập hiện nay của ngành du lịch Việt Nam là đang thiếu các cơ sở lưu trú có chất lượng.

day nhanh viec go cac nut that phap ly khai thong thi truong bat dong san du lich nghi duong hinh 1

Việt Nam đang thiếu cơ sơ lưu trú có chất lượng

Trong Hội thảo “Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, những nút thắt pháp lý và tháo gỡ” diễn ra trong ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam phân tích: Tính đến năm 2019, cả nước có khoảng 216 dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, cung ứng cho thị trường khoảng 140.000 sản phẩm lưu trú các loại, bao gồm condotel, biện thự, phòng khách sạn, villa.

Tuy nhiên, hiện nguồn cung sản phẩm mới chỉ đáp ứng khoảng ¼ nhu cầu của khách hàng. Điều đó cho thấy, nguồn cung sản phẩm chưa nhiều, đồng thời năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam còn yếu và thua ngay cả những nước láng giềng như Thái Lan, Singapore và Malaysia…

Ông Đính nhấn mạnh: Nguyên nhân có một phần từ vướng mắc chính sách, đã tạo ra rào cản thu hút đầu tư phát triển. Các chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa đầy đủ, chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, đã và đang là điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư kinh doanh của thị trường này.

Vướng mắc chính sách khiến hàng trăm dự án dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh thành, hàng trăm nghìn tỉ đồng của doanh nghiệp và nhà đầu tư đang “đóng băng”. 

“Điều này dẫn đến việc nhà đầu tư thứ cấp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, ông Đính nói.

Ông Đính cho rằng, việc đầu tư của nhà đầu tư chỉ được khẳng định bằng hợp đồng hợp tác đầu tư hay góp vốn… mà không có giấy tờ pháp lý đủ mạnh hơn để họ có thể tự do chuyển nhượng tài sản đầu tư trên thị trường dẫn đến việc kém thanh khoản, rủi ro pháp lý. 

Điều này, không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, thiệt hại cho ngân sách mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, thị trường bất động sản nói riêng.

day nhanh viec go cac nut that phap ly khai thong thi truong bat dong san du lich nghi duong hinh 2

Hội thảo “Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, những nút thắt pháp lý và tháo gỡ” tại Khánh Hòa.

Để khơi thông thị trường bất động sản du lịch, ông Đính cho rằng, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo các địa phương có cơ chế chính sách rõ ràng, minh bạch để thúc đẩy sự phát triển thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp phát triển và nhà đầu tư. Đặc biệt, rất cần thiết phải đẩy nhanh điều chỉnh các quy định pháp luật.

 

Trong đó, cần quy định rõ đất đai đưa vào đầu tư bất động sản du lịch hoặc một số nhóm ngành dịch vụ quan trọng theo đó cần quy định rõ các quyền của nhà đầu tư đó là quyền sở hữu tài sản đối với sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. 

“Cụ thể là làm rõ việc cấp giấy tờ khẳng định quyền sử dụng. Cần quy định rõ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các bất động sản thương mại dịch vụ đặc hữu làm cơ sở để phát triển bền vững các sản phẩm nghỉ dưỡng mới”, ông Đính nói.

“Giải cứu” các dự án tại Khánh Hòa

Ông Nguyễn Văn Đính lấy ví dụ về các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa đang cần được “giải cứu” về mặt thể chế, pháp luật.

Theo đó, tại Khánh Hòa hiện có hơn 40 dự án dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, tổng vốn đầu tư trên 30.000 tỷ đồng.

Nhiều dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng cách đây vài năm, đã thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính và được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 

Nhưng, nhiều dự án hiện vẫn chưa được địa phương này giải quyết cấp sổ đỏ cho nhà đầu tư thứ cấp. Nếu các địa phương không có giải pháp cấp bách sẽ làm nản lòng các doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp và thực tế đã làm giảm sút lực đầu tư này vào hoạt động phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong khoảng 3 năm vừa qua.

day nhanh viec go cac nut that phap ly khai thong thi truong bat dong san du lich nghi duong hinh 3

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam.

Về vấn đề này, ông Đính nói: Thực tế câu chuyện tại Khánh Hòa đã xảy ra nhiều năm,  giờ đây chúng ta cũng không cần bàn về câu chuyện đúng sai, không mổ xẻ lỗi thuộc về ai.

Tuy nhiên, việc cấp bách phải bàn là làm thế nào để tháo gỡ hàng trăm nghìn tỷ đồng đang bị ứ đọng đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thị trường bất động sản và cho cả nền kinh tế. 

“Thiết nghĩ cơ quan chính quyền cần phải báo cáo Chính phủ và các bộ ngành chuyên môn liên quan để bàn thảo, đưa ra giải pháp khắc phục càng nhanh càng tốt. Như vậy, mới lấy lại niềm tin cho thị trường, nhà đầu tư”, ông Đính nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành các văn bản dưới luật để giải quyết cấp bách về pháp lý cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng để có cơ sở tiếp tục thực hiện các dự án đã và đang triển khai. 

Điều này vừa nhanh chóng gỡ khó cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư thứ cấp, không gây ách tắc dòng vốn đầu tư, khơi dậy được tiềm năng từ đất đai cũng như thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này, giúp cho thị trường phát triển minh bạch và bền vững.

 

 

Nguồn

https://congluan.vn/day-nhanh-viec-go-cac-nut-that-phap-ly-khai-thong-thi-truong-bat-dong-san-du-lich-nghi-duong-post193118.html