Đề nghị bác kháng cáo của 19 bị cáo vụ sai phạm cao tốc 34.000 tỷ
Hôm nay (28/6), tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đại diện VKS đề nghị không giảm tội cho 19 bị cáo kháng án.
Đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của 19 bị cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.
Theo quan điểm của đại diện VKS, các bị cáo là những người tham gia thi công, mỗi người chịu trách nhiệm từng khâu, từng giai đoạn của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, các bị cáo đã không thực hiện đúng quy định của Nhà nước và của chủ đầu tư, gây thiệt hại hơn 811 tỷ đồng. Trách nhiệm để xảy ra sai phạm thuộc về chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các nhà thầu liên quan.
Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 2 bị cáo thuộc nhóm Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, theo đại diện VKS, những người này phải chịu trách nhiệm liên đới với số tiền cao hơn so với các bị cáo khác.
Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại tòa
Quá trình thực hiện dự án, các bị cáo là đại diện cho chủ đầu tư nhưng đã không tuân thủ các quy định khi quản lý, thi công dự án. Bản án mà tòa án cấp sơ thẩm tuyên các bị cáo là đúng người đúng tội, đã áp dụng hết các tình tiết giảm nhẹ.
Đối với nhóm 17 bị cáo thuộc nhà thầu và các đơn vị vấn giám sát, đại diện VKS cho rằng, dù có một số tình tiết giảm nhẹ mới được cung cấp tại phiên tòa phúc thẩm, nhưng bản án sơ thẩm đã tuyên các bị cáo với khung hình phạt nhẹ nên không có căn cứ giảm án thêm.
Tranh cãi về bồi thường
Theo bản án sơ thẩm, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139km, từ TP Đà Nẵng - TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Đây là công trình trọng điểm quốc gia, chi phí đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, song chủ đầu tư, các đơn vị thi công đã không tuân thủ đúng yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến sau một thời gian vận hành khai thác, 65km đường giai đoạn I, từ TP Đà Nẵng - TP Tam Kỳ, xảy ra hỏng hóc, gây mất an toàn giao thông.
Các bị cáo tại tòa
Dù chất lượng dự án không đảm bảo, các bị cáo vẫn ký nghiệm thu đưa vào sử dụng và thanh toán cho đơn vị thi công hơn 811 tỷ đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Công ty Cienco1 cho rằng, phán quyết buộc công ty phải bồi thường cho chủ đầu tư hơn 132 tỷ đồng liên quan đến gói thầu số 1,7 của tòa án cấp sơ thẩm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của công ty.
Theo đại diện của Cienco1, quá trình điều tra, xét xử không có việc giám định thiệt hại, chỉ căn cứ vào số tiền chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu và coi đó là số tiền thiệt hại là không thỏa đáng.
Hơn nữa, tại phiên tòa sơ thẩm, VEC yêu cầu các nhà thầu sửa chữa, duy tu, khắc phục mọi thiếu sót, khiếm khuyết của dự án. Cienco 1 chấp nhận yêu cầu này vì cho rằng bản chất đây là sự đồng thuận về phương thức bồi thường và yêu cầu này không trái pháp luật, không trái đạo đức thì cần được ghi nhận.
Phía luật sư Nguyễn Thanh Văn (người bảo vệ quyền và lợi ích nhà thầu là Công ty Tuấn Lộc) yêu cầu các nhà thầu phải bồi thường cho VEC.
Trong khi đó, Tổng công ty Sông Đà đề nghị tòa miễn trách nhiệm bồi thường dân sự để đàm phán, giải quyết theo điều khoản hợp đồng với VEC. Doanh nghiệp này cho biết đã chuyển 17 tỷ đồng vào tài khoản của VEC.
Nguồn https://vietnamnet.vn/de-nghi-bac-khang-cao-cua-19-bi-cao-vu-cao-toc-34-000-ty-2034632.html
- Bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục bị đề nghị tử hình
- Bị cáo Trương Mỹ Lan đem khu đất 152 Trần Phú bị thu hồi đi khắc phục hậu quả
- Đường dây cho vay nặng lãi, đòi nợ bằng thủ đoạn hắt mắm tôm, đe dọa khổ chủ
- Bà Trương Mỹ Lan: '2.000 người làm đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo'
- Xô xát tại phòng trọ, một thanh niên tử vong ở Gia Lai
- Công an TPHCM bắt 1 đối tượng tham gia tổ chức phản động lưu vong
- Khởi tố kẻ đứng sau web phim lậu cực lớn tại Việt Nam
- Nữ nhân viên ngân hàng lừa đảo 6 tỷ đồng đầu tư tiền ảo, công an tìm thêm bị hại
- Hai chú cháu bị khởi tố trong vụ buôn lậu hơn 6kg vàng từ Campuchia về Việt Nam