Đề nghị tù chung thân cựu chủ tịch khiến hơn 1.000 người 'sập bẫy lừa'

Thứ sáu, ngày 5 tháng 8 năm 2022 | 14:44

Thông qua chương trình “Trái tim Việt Nam”, bị cáo Trần Đức Trung và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng của 1.008 bị hại.

Sau 3 ngày xét xử nhóm lừa đảo qua chương trình “Trái tim Việt Nam”, chiều nay (4/8), đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Đức Trung (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới) án tù chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng tội danh, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt các cựu nhân viên Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới là Bùi Thị Oanh 16-17 năm tù; Phan Văn Lực và Nhâm Sỹ Phúc: 7-8 năm; Phan Thị Thoa 9-10 năm.

Theo cáo buộc, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới được Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn thành lập năm 2013, do Trần Đức Trung làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, bà Lê Thị Hằng (sinh năm 1963, đã chết) làm Tổng Giám đốc.

Các bị cáo tại tòa

Dù Trung tâm chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động và không có hoạt động gì phát sinh doanh thu, nhưng từ tháng 4/2015, các bị cáo lấy danh nghĩa Trung tâm để tổ chức chương trình “Trái tim Việt Nam”, đưa ra chính sách bất khả thi, hứa hẹn hỗ trợ lãi suất cao để lôi kéo người dân nộp tiền cho Trung tâm.

Các bị cáo đã lập 26 điểm tư vấn, 6 nhóm thu tiền và thông qua các điểm tư vấn, nhóm thu tiền để thu tiền của người tham gia tại 16 tỉnh, thành phố, sau đó chuyển tiền về Trung tâm và Văn phòng 102 Trường Chinh, Hà Nội tổng cộng khoảng 148 tỷ đồng.

Thực chất, các bị cáo sử dụng một phần tiền của người nộp trước trả cho người nộp sau, mua sản phẩm hỗ trợ, còn lại dùng chi tiêu cá nhân và chiếm đoạt hết.

Cáo buộc cho rằng, thông qua chương trình “Trái tim Việt Nam”, Trần Đức Trung và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng của 1.008 bị hại. Riêng bị cáo Trung chiếm hưởng 26,3 tỷ đồng.

Cuối năm 2015, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn giải thể Trung tâm Hỗ trợ người nghèo, nhưng các bị cáo tiếp tục móc nối để tổ chức chương trình “Liên kết ba bên”, hoạt động theo mô hình đa cấp để bán thực phẩm chức năng, thu về gần 17,5 tỷ đồng của 104 người tham gia trên khắp cả nước.

Chiêu trò tinh vi

Để tuyên truyền quảng bá về Chương trình “Trái tim Việt Nam”, bị cáo Trần Đức Trung và bà Lê Thị Hằng soạn thảo các tâm thư, thư kêu gọi ủng hộ Trung tâm và Chương trình “Trái tim Việt Nam”.

Sau đó bà Hằng đi xin chữ ký ủng hộ của các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và một số người có uy tín trong xã hội.

Để nhận được sự ủng hộ của các vị lãnh đạo và người có uy tín nói trên, nội dung các tài liệu mà bà Hằng đưa ra để vận động ủng hộ chỉ nêu mục đích tốt dẹp của Chương trình là kêu gọi lòng hảo tâm giúp đỡ người nông dân và dân nghèo, không thể hiện việc người tham gia phải nộp tiền để trở thành thành viên.

Các bị cáo dùng các bức thư kêu gọi ủng hộ Trung tâm nói trên để tuyên truyền, tạo uy tín, làm cho người dân tin tưởng đây là chính sách của Đảng, Nhà nước và nộp tiền tham gia.

Ngoài ra, các bị cáo còn tuyên truyền về việc nguồn vốn của Trung tâm để chi trả cho người tham gia chương trình là rất lớn, ngoài tiền do người dân tham gia chương trình đóng góp còn có nguồn vốn do tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước, tổ chức từ thiện quốc tế tài trợ...

Trong vụ án này, bị cáo Trần Đức Trung bị xác định là người chủ mưu, tổ chức và điều hành hoạt động của Chương trình “Trái tim Việt Nam”, “Liên kết ba bên” trái pháp luật, gian dối trong việc đưa ra chính sách hỗ trợ nhằm lừa đảo chiếm đoạt của người tham gia Chương trình “Trái tim Việt Nam” hơn 49 tỷ đồng, trong đó  bị cáo Trung chiếm đoạt cá nhân hơn 26 tỷ đồng.

Tại tòa ông Trung vẫn cho rằng: “Tôi không sai, tôi làm đúng”.

Trước đó, vụ án này đã nhiều lần được đưa ra xét xử sơ thẩm, nhưng sau đó bị trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc hoãn phiên tòa do vắng mặt hoặc thiếu lời khai của nhiều người bị hại.