Để sàn giao dịch việc làm thực sự hiệu quả
Năm 2023, thành phố Hà Nội giải quyết việc làm cho 214.258 lao động, đạt 132,2% kế hoạch được giao, tăng 11.231 việc làm mới, tương đương tăng 5,5% so với năm 2022.
Việc nâng cao hiệu quả các sàn giao dịch việc làm, qua đó phát triển thị trường lao động, cung cấp thông tin phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội sẽ tiếp tục được coi trọng trong thời gian tới.
Tư vấn tuyển dụng cho bộ đội xuất ngũ tại Sàn giao dịch việc làm trung tâm (số 215 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy).
Tổ chức 258 phiên giao dịch việc làm
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội là đơn vị được thành phố Hà Nội giao tổ chức quản lý và vận hành hệ thống sàn giao dịch việc làm - nơi diễn ra các hoạt động giao dịch về việc làm của người tìm kiếm việc làm và người có nhu cầu tuyển dụng nhân lực.
Năm 2023, trung tâm đã tổ chức 258 phiên giao dịch việc làm (trong đó có 1 phiên lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật; 4 phiên trực tuyến kết nối với các tỉnh; 1 phiên chuyên đề dành cho bộ đội xuất ngũ...) với 7.658 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 129.382 người; tổng số lao động được phỏng vấn là 55.855 lao động; số lao động được tuyển dụng tại các phiên giao dịch là 19.654 lao động.
Đáng chú ý, trung tâm đã tiếp nhận, thẩm định và đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội kịp thời ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 86.249 trường hợp, số tiền hỗ trợ 2.461 tỷ đồng, hỗ trợ học nghề cho 722 người mất việc làm với kinh phí học nghề là 3,216 tỷ đồng…
Cùng với Sàn giao dịch việc làm trung tâm tại địa chỉ 215 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy), không thể không kể đến nỗ lực và những đóng góp của hệ thống 14 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện: Hà Đông, Ứng Hòa, Nam Từ Liêm, Long Biên, Hoài Đức, Gia Lâm, Sóc Sơn, Mê Linh, Thường Tín, Đông Anh, Ba Vì, Phú Xuyên, Đan Phượng, Thạch Thất.
Được mệnh danh là “cánh tay nối dài” của Sàn giao dịch việc làm trung tâm, hệ thống các sàn giao dịch việc làm vệ tinh đã góp phần giúp hoạt động giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố được tổ chức thống nhất, đồng bộ. Một mặt là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, mặt khác hệ thống sàn giao dịch việc làm vệ tinh còn góp phần thực hiện tốt việc ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động giới thiệu việc làm bất hợp pháp mang yếu tố chụp giật, lừa đảo, xâm hại lợi ích của người lao động trên địa bàn thành phố.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành đánh giá: Các sàn giao dịch việc làm vệ tinh đã góp phần cung cấp thông tin, kết nối cung - cầu lao động, giải quyết được tối đa nhu cầu việc làm của người lao động, bao gồm lao động thanh niên, lao động bị thất nghiệp, lao động cao tuổi tìm việc làm thêm... Các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và người lao động được tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi. Qua đó, người lao động được tư vấn, định hướng về nghề nghiệp, có nhiều cơ hội tìm được việc làm, đào tạo nghề phù hợp.
Phát huy tính chuyên nghiệp
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, một trong những giải pháp trọng tâm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch việc làm chính là không ngừng phát huy tính chuyên nghiệp trong tổ chức và bảo đảm chất lượng của các phiên giao dịch việc làm. Hiện nay, các phiên giao dịch việc làm định kỳ, chuyên đề, lưu động, lồng ghép, trực tuyến… được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, từ đó, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn. Tần suất tổ chức phiên giao dịch việc làm được duy trì ổn định hằng tuần, đáp ứng tối đa nhu cầu việc làm cho từng đối tượng lao động, giúp các doanh nghiệp mở rộng nguồn tuyển dụng với nhiều đối tượng ở các địa bàn khác nhau.
Cùng với việc nâng cao hiệu quả các sàn giao dịch việc làm, Hà Nội đã bước đầu hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động. Nhờ đó, đáp ứng việc tra cứu thông tin của doanh nghiệp, người lao động và các cơ quan chức năng liên quan của địa phương.
Ở góc độ ngược lại, công tác phân tích, dự báo thị trường lao động đã hỗ trợ tích cực cho hệ thống sàn giao dịch việc làm trong việc thiết lập hệ thống thông tin, thống kê cơ sở dữ liệu thống nhất về việc làm, tình trạng thất nghiệp. Từ đó, đánh giá, dự báo với độ tin cậy cao về thông tin thị trường lao động trên địa bàn Thủ đô, phục vụ kịp thời công tác cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và người lao động, công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chương trình giải quyết việc làm của thành phố.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch việc làm, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhân viên phải từng bước được đào tạo bài bản, nâng cao tính chuyên nghiệp, không ngừng trau dồi kỹ năng nghiệp vụ. Đặc biệt, các sàn giao dịch việc làm rất cần được đầu tư mạnh mẽ hơn về trang thiết bị để có thể vận hành phần mềm quản lý điều hành phục vụ công tác phỏng vấn trực tuyến, lưu trữ cơ sở dữ liệu, kết nối tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề và bảo hiểm thất nghiệp...
- Trục vớt, di dời quả bom M-118 thứ 3 tại quận Long Biên
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3