Đề xuất các giải pháp về quy hoạch nhằm giảm thiểu tình trạng ngập lụt tại Hà Nội

Thứ ba, ngày 31 tháng 5 năm 2022 | 14:2

Sáng 30-5, trao đổi bên hành lang kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia đã chia sẻ những giải pháp về quy hoạch nhằm giảm thiểu tình trạng ngập lụt sau cơn mưa lớn tại Hà Nội.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang).

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang):
Khắc phục chất lượng quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch

Quy hoạch phải đồng bộ từ các hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội phục vụ cho người dân. Theo đó, khi xây dựng các quy hoạch cần phải tính toán được quy mô dân số, quy mô xây dựng nhà ở, chợ dân sinh, công viên vui chơi… Đó là những vấn đề người dân mong “quy hoạch” giải quyết được.

Vấn đề đặt ra là cần khắc phục chất lượng quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch. Trong đó, giải pháp trước mắt đề ra là cần khắc phục những vấn đề “nóng” như quy hoạch cấp thoát nước phải làm trước, làm khẩn trương. Vấn đề tắc đường phải giải quyết đồng bộ từ việc cấp phép xây dựng, quy hoạch đến tái định cư di dân. Dân số tập trung quá đông trong nội đô cần được di dân ra ngoại thành.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội):
Tích hợp, đồng bộ quy hoạch phát triển đô thị

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội).

Hiện nay, Hà Nội thường xuyên ngập lụt là do xây dựng các công trình về phát triển đô thị, phát triển nhà ở, phát triển bất động sản. Tuy nhiên, bên cạnh việc xây dựng, lại không kèm theo hệ thống đồng bộ về công trình tiêu nước, thoát nước, thủy lợi.

Trước đây, việc quy hoạch của chúng ta rất rời rạc. Ví dụ khi quy hoạch bãi rác thì chỉ quan tâm vị trí đổ rác mà chưa tính toán khu dân cư, các công trình xã hội khác... hoặc khi quy hoạch nhà ở thì mới quan tâm tới số tầng chứ chưa đánh giá kỹ tác động giao thông, hạ tầng, hệ thống cấp thoát nước, do đó dẫn tới những mâu thuẫn.

Với những hệ lụy từ trước, cần tìm các điểm mâu thuẫn để giải quyết. Quá trình triển khai thấy những điểm bất cập, không đồng bộ thì cần có những điều chỉnh. Còn những quy hoạch đúng rồi thì cần có cơ chế thu hút đầu tư và tổ chức thực hiện đúng.

Về lâu dài, cần quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở, tiêu thoát nước được tiến hành tích hợp đồng thời, đồng bộ. Chỉ khi làm được như vậy mới hết tình trạng làm công trình này lại vi phạm, lại vướng hay phá vỡ quy hoạch khác, tránh được tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà:
Thiết kế đô thị chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Thời tiết hiện nay có biến đổi bất thường, nhiệt độ nóng lên. Không phải chỉ Việt Nam mà ở các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ hoặc tại châu Âu, hiện tượng bất thường tập trung vào một thời điểm thì không có hạ tầng nào có thể chịu đựng được. Chúng ta cũng phải phân biệt vấn đề dị thường thời tiết như mưa lớn cực đoan với các vấn đề như đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn.

Với Hà Nội, thứ nhất cần tăng cường công tác dự báo. Thứ hai cần có dự án tổng thể đánh giá một cách căn cơ, đưa ra những số liệu lịch sử cũng như số liệu hiện nay về hiện tượng cực đoan của thời tiết. Thứ ba là cần nghiên cứu một cách kỹ càng khi thiết kế đô thị, để làm sao đô thị đó là đô thị thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan. Phải tính toán trong quá trình thiết kế các đô thị tạo ra hệ thống thoát nước, còn khi đã ngập rồi thì phải sử dụng các máy bơm để thoát nước, đó gần như là điều mang tính trù bị bắt buộc.

Cần có dự án tiếp cận một cách tổng thể, xuất phát từ dự báo, quy hoạch, tính toán để có một hạ tầng có thể chống chịu, thích ứng, phù hợp được. Thêm vào đó là các giải pháp kỹ thuật, sử dụng các giải pháp mang tính chủ động như hệ thống chứa nước tạm thời.

 

 

Nguồn http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1033339/de-xuat-cac-giai-phap-ve-quy-hoach-nham-giam-thieu-tinh-trang-ngap-lut-tai-ha-noi