Đề xuất chính sách hỗ trợ lao động nữ di cư

Thứ hai, ngày 3 tháng 6 năm 2024 | 13:43

Theo Thông báo 249/TB-VPCP năm 2024, sẽ đề xuất phương án, giải pháp tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho đối tượng người lao động nữ di cư.

Đề xuất chính sách hỗ trợ lao động nữ di cư

Sẽ đề xuất chính sách hỗ trợ lao động nữ di cư (Hình từ internet)

Đề xuất chính sách hỗ trợ lao động nữ di cư

Ngày 31/5/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 249/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo đó, đối với kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chính sách hỗ trợ lao động nữ di cư có thêm điều kiện để ổn định cuộc sống gia đình, đặc biệt chính sách thuê mua nhà giá rẻ, các thiết chế văn hóa, giáo dục:

Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đề xuất phương án, giải pháp tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho đối tượng người lao động là phụ nữ di cư.

Như vậy trong thời gian tới sẽ đề xuất chính sách hỗ trợ lao động nữ di cư theo kiến nghị của công đoàn.

Những chính sách cơ bản đối với lao động nữ hiện nay

Pháp luật hiện hành quy định nhiều chính sách đối với lao động nữ, cụ thể thông qua 4 chính sách cơ bản sau đây:

Một là, lao động nữ được đảm bảo bình đẳng trong việc làm, lao động.

Tại Điều 26 Hiến pháp 2013 nêu rõ:

- Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.

- Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.

- Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Lao động 2019 nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử trong lao động.

Tại Điều 136 Bộ luật Lao động 2019 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động là bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác. Đồng thời, tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.

Như vậy, cơ hội và điều kiện việc làm của lao động nữ là ngang bằng với lao động nam.

Hai là, quyền lợi khi lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014; Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008; Điều 43 Luật Việc làm 2013, lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng (đối với BHXH bắt buộc); từ đủ 03 tháng (đối với BHYT),...là đối tượng tham gia các loại bảo hiểm này.

Với việc tham gia bảo hiểm xã hội ở thời điểm hiện tại, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi tương ứng cho sau này.

Chẳng hạn, sau này đến tuổi nghỉ hưu thì sẽ có lương hưu; trong thời gian thất nghiệp thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp; khi ốm đau được khám bệnh bảo hiểm y tế với mức chi trả theo luật định; khi nghỉ sinh con được hưởng chế độ thai sản; trường hợp lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau, sẩy thai, khám thai, nạo, hút thai, phá thai bệnh lý, thai chết lưu, thực hiện các biện pháp tránh thai hoặc triệt sản thì người lao động sẽ được hưởng các khoản trợ cấp theo quy.

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm của người lao động gồm: Mức lương theo công việc hoặc chức danh; Phụ cấp lương (khoản bù đắp yếu tố điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động …) và các khoản bổ sung khác. (Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017)

Ba là, những quyền lợi chỉ có ở lao động nữ.

Bên cạnh những quyền lợi như với lao động nam trong công việc, thì lao động nữ còn được hưởng các quyền lợi đặc thù có thể kể đến như:

- Lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản 1 lần/năm. Riêng đối với lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, là người khuyết tật, chưa thành niên, người cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.

- Lao động nữ được nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh; được nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi; được lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ nếu doanh nghiệp sử dụng hơn 1000 lao động nữ

- Lao động nữ khi mang thai được tạm hoãn hợp đồng lao động khi có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Khi mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được chuyển công việc nhẹ hơn; không phải làm đêm, làm thêm, đi công tác xa; được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới khi hợp đồng hết hạn; không bị xử lý kỷ luật; không bị sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

- Lao động nữ được hưởng chế độ thai sản trước và sau sinh con 6 tháng; được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian thai sản mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.

(Căn cứ: Thông tư 32/2023/TT-BYTBộ luật Lao động 2019Nghị định 145/2020/NĐ-CP)