Đề xuất mức lương tối thiểu theo giờ từ ngày 1/7

Thứ bảy, ngày 21 tháng 5 năm 2022 | 8:42

Lương tối thiểu giờ được đề xuất từ 15.600 đồng tới 22.500 đồng tương ứng bốn vùng, bên cạnh tăng lương tối thiểu tháng thêm 6% từ ngày 1/7.

Ngày 20/5, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội bắt đầu lấy ý kiến 29 bộ ngành, cơ quan, hiệp hội về dự thảo nghị định quy định mức lương tối thiểu, áp dụng với lao động làm việc theo hợp đồng trong doanh nghiệp.

Dự thảo đề xuất lương tối thiểu tháng tăng thêm 6% từ ngày 1/7, tương ứng 180.000-260.000 đồng so với hiện hành. Nếu được thông qua, lương tối thiểu lần lượt vùng I là 4,68 triệu; vùng II 4,16 triệu, vùng III là 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng. Mức hiện hành dao động 3,07-4,42 triệu đồng, giữ nguyên từ đầu năm 2020 đến nay.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp. Thông thường, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh sau một năm thực hiện, song từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch tác động tiêu cực khiến việc tăng lương tối thiểu vùng bị trì hoãn tới hai năm. Lương tối thiểu hiện tại không còn đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình, thấp hơn khoảng 1,3% vào năm 2022, theo tính toán của Bộ phận kỹ thuật, Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Trên cơ sở này, lương tối thiểu theo giờ được đề xuất áp dụng tương ứng với vùng I là 22.500 đồng; vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng. Lần đầu tiên, dự thảo đưa loại hình lương mới này vào, nhằm triển khai quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ tháng 1/2021.

Bộ Lao động lý giải, luật quy định lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo giờ, nên ngoài lương tối thiểu tháng, Chính phủ cần có quy định về lương tối thiểu giờ. Lương tối thiểu tháng chủ yếu áp dụng cho lao động làm công việc ổn định trong khu vực chính thức.

Với người lao động làm việc linh hoạt cho các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê... thì việc dùng lương tối thiểu tháng làm căn cứ thỏa thuận trả lương theo ngày, giờ, tuần đang cứng nhắc, ảnh hưởng quyền lợi lao động. Chính phủ cần quy định lương tối thiểu giờ để mở rộng độ bao phủ, bảo vệ các nhóm lao động làm công việc linh hoạt, bán thời gian.

Công nhân làm việc tại xưởng công ty may mặc Dony, quận Tân Bình, TP HCM, ngày 21/10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

 

Nghị định dự kiến áp dụng với lao động được trả lương theo tháng, theo giờ. Với loại hình khác như lương theo tuần, ngày, sản phẩm hoặc lương khoán sẽ do doanh nghiệp lựa chọn quy đổi sang mức lương tháng hoặc giờ, đảm bảo không thấp hơn lương tối thiểu tháng hoặc giờ. Doanh nghiệp không cần thay đổi hình thức trả lương mà chỉ quy đổi ra mức lương tháng hoặc giờ để đối chiếu, kiểm chứng độ tuân thủ quy định của Chính phủ.

Hội đồng Tiền lương quốc gia hôm 12/4 thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7/2022. Nếu được thông qua, đây là lần đầu tiên kể từ khi áp dụng lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp (năm 2009), tiền lương tăng vào giữa năm thay vì đầu năm và dự kiến kéo dài 18 tháng thay vì 12 tháng như thường lệ.

Đại diện VCCI đồng ý với mức tăng 6% song chưa hài lòng với thời điểm tăng từ 1/7, mong muốn điều chỉnh từ 1/1/2023 để doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị. Ngày 14/4, tám hiệp hội doanh nghiệp có công văn gửi Chính phủ kiến nghị lùi thời điểm tăng lương sang đầu năm sau. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sau đó có ý kiến, đề nghị các hiệp hội rút đề xuất này, trong bối cảnh khảo sát 56% lao động nói tiền lương không đủ sống.

 

Nguồn https://vnexpress.net/de-xuat-muc-luong-toi-thieu-theo-gio-tu-ngay-1-7-4466157.html