Đề xuất quy định về Hội đồng thẩm định kịch bản sản xuất phim sử dụng NSNN

Thứ sáu, ngày 26 tháng 8 năm 2022 | 10:5

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định kịch bản sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước.

Dự thảo hoạt động của Hội đồng thẩm định kịch bản sản xuất phim sử dụng NSNN - Ảnh 1.

Dự thảo quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định kịch bản sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước

Hội đồng thẩm định kịch bản sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước có ít nhất 5 thành viên

Hội đồng thẩm định kịch bản sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước do Chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước quyết định thành lập. Chủ đầu tư có quyền miễn nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng.

Hội đồng thẩm định kịch bản sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, gồm: a- Hội đồng thẩm định kịch bản phim truyện; b- Hội đồng thẩm định kịch bản phim tài liệu, khoa học; c- Hội đồng thẩm định kịch bản phim hoạt hình; d- Hội đồng thẩm định kịch bản phim kết hợp các loại hình.

Căn cứ vào loại hình kịch bản phim truyện; phim tài liệu, khoa học; hoạt hình; phim kết hợp các loại hình, Chủ đầu tư quyết định thành lập Hội đồng.

Hội đồng có chức năng tư vấn cho chủ đầu tư trong hoạt động thẩm định kịch bản sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 14 Luật Điện ảnh.

Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định, đánh giá, xếp loại chất lượng nội dung tư tưởng và nghệ thuật của kịch bản sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước.

Hội đồng có ít nhất từ 05 thành viên trở lên (là số lẻ), gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên.

Tiêu chí đánh giá, chấm điểm kịch bản

Dự thảo nêu rõ, thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá từng kịch bản thẩm định, ghi vào Phiếu thẩm định và chấm điểm với tiêu chí sau:

Chấm điểm kịch bản theo thang điểm 10, bội số là 0,5. Kết quả được tính điểm từ cao xuống thấp.

a- Xuất sắc: Chấm các điểm 9,0 đến 10 đối với kịch bản có nội dung tư tưởng sâu sắc, giá trị nhân văn cao, khái quát được những vấn đề lớn của đời sống xã hội, có phát hiện độc đáo về cuộc sống và con người; không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh; Kịch bản thể hiện được ngôn ngữ điện ảnh, trình độ chuyên môn cao, đặc sắc, sáng tạo;

b- Tốt: Chấm các điểm 7,5 đến 8,5 đối với kịch bản có nội dung tư tưởng tốt, có tính nhân văn và giá trị xã hội; không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh; Kịch bản thể hiện được ngôn ngữ điện ảnh, trình độ chuyên môn khá, tạo được sức hấp dẫn;

c- Khá: Chấm các điểm 6,0 đến 7,0 đối với kịch bản có nội dung tư tưởng tốt, có ý nghĩa xã hội nhất định; không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh; Kịch bản được viết với nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế nhưng có thể khắc phục và nâng cao chất lượng;

d- Kém: Chấm các điểm từ 5,5 trở xuống đối với kịch bản có nội dung, hình thức thể hiện kém.

Điểm số của thành viên Hội đồng chấm cho kịch bản là cơ sở để tính điểm trung bình cộng của kịch bản.

Điểm trung bình cộng của kịch bản là cơ sở để cơ quan quản lý dự án tham mưu cho chủ đầu tư tuyển chọn kịch bản sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuyết Hạ