Đến Việt Nam, hiệu trưởng ĐH top 20 thế giới thừa nhận: “Cấm sử dụng ChatGPT là không khả thi”
GS Michael I. Kotlikoff, Hiệu trưởng ĐH Cornell, trường ĐH trong top 20 của thế giới, cho rằng việc cấm ChatGPT là không khả thi, thay vào đó hãy làm việc này.
Ngay sau khi ra mắt vào ngày 30/11/2022, ChatGPT đã và đang tạo nên cơn sốt trên toàn cầu. Chatbot này phát triển từ mô hình GPT-3.5 của OpenAI và được đào tạo để có thể đưa ra câu trả lời giống như một cuộc trò chuyện với người thật. ChatGPT thu hút nhờ khả năng tương tác tự nhiên và trả lời đa dạng câu hỏi. Mặc dù gây tranh cãi khi có thể cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác, nhưng ChatGPT đã đạt 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng có mặt trên thị trường (tính đến ngày 31/1, theo Similar Web).
Nhiều ngành nghề, lĩnh vực được dự đoán là sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ của ChatGPT, trong đó có giáo dục.
Vậy, có nên cấm dùng ChatGPT trong trường học?
Lần đầu đến Việt Nam và có bài giảng về "Sáng tạo đổi mới giải quyết các thách thức lớn" tại ĐH VinUni, theo GS Michael I. Kotlikoff, Hiệu trưởng ĐH Cornell, việc cấm dùng ChatGPT là không khả thi. Thay vào đó, các trường học cần nghĩ đến cách sử dụng chatbot này trong công tác đào tạo như một công cụ học tập.
Có thể so sánh ChatGPT với máy tính giải toán cầm tay đã được giới thiệu cách đây 20 năm. Vào thời điểm đó, một số cá nhân muốn cấm máy tính trong lớp học. Họ muốn học sinh tự mình giải quyết các câu hỏi và làm các phương trình. Họ sợ rằng học sinh sẽ không học được phương trình nếu sử dụng máy tính bỏ túi. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta biết rằng đây là một công cụ giúp con người đạt được mục đích.
"Tôi nghĩ rằng nên tập trung hơn vào việc sử dụng ChatGPT và các chatbot AI khác để cải thiện kỹ năng của con người, thay vì lo lắng về việc học sinh có sử dụng công cụ này để đạo văn và không có ý tưởng của riêng mình hay không. Tôi nghĩ đó là thách thức bây giờ", GS Michael I. Kotlikoff chia sẻ quan điểm.
Đồng quan điểm với GS Michael I. Kotlikoff, GS Wray Buntine, Giám đốc Chương trình Khoa học Máy tính tại Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, ĐH VinUni, cho rằng, hiện nay nhiều tổ chức và nhiều trường học đã dùng ChatGPT. Do đó, thay vì cấm cản hay tránh né, dự kiến vào tháng 3/2023, VinUni sẽ đưa ChatGPT cho sinh viên sử dụng.
"Chúng tôi sẽ dạy về cách sử dụng ChatGPT một cách có trách nhiệm và đảm bảo được tính đạo đức hay liêm chính trong học tập và nghiên cứu, bởi sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ sử dụng chatbot này nhiều trong công việc thực tiễn", GS Wray Buntine chia sẻ.
Chấp nhận thực tế có thể gian lận từ ChatGPT
Đưa ra câu trả lời chỉ trong vài giây và với nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều người bày tỏ lo ngại việc các học sinh, sinh viên sử dụng ChatGPT có thể dẫn tới những gian lận trong giáo dục.
Hiệu trưởng ĐH Cornell bày tỏ: "Đây là một thách thức. Tôi nghĩ rằng giảng viên cần phải chấp nhận thực tế này vì việc ngăn chặn nó là không khả thi. Bởi việc truy cập và sử dụng ChatGPT thật sự quá đơn giản".
Thay vào đó, theo người đứng đầu ĐH Cornell, giảng viên phải thay đổi cách tiếp cận của họ về bài tập để giảm khả năng gian lận của sinh viên. Điều quan trọng ở đây là giáo dục sinh viên về tính liêm khiết trong học thuật và chia sẻ thông tin nguồn tài liệu.
"Tôi nghĩ đó là điểm mấu chốt. Thay vì cấm cản, chúng ta hay trao đổi với sinh viên rằng họ cần phải cung cấp nguồn nếu họ sử dụng công nghệ này. Các sinh viên cũng cần nêu rõ những điểm họ đã cải thiện và bổ sung. Đó chính là điều quan trọng trong tương lai. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên nhấn mạnh việc công nghệ này có thể được sử dụng để gian lận mà thay vào đó xem nó là một công cụ hỗ trợ con người", GS Michael I. Kotlikoff nhấn mạnh.
Cũng trao đổi về vấn đề này, GS Wray Buntine, cho biết trong tương lai gần, giảng viên có thể cho phép sinh viên sử dụng ChatGPT để khởi soạn dự thảo đề tài. "Tuy nhiên, tôi hy vọng các bài luận hay yêu cầu mà giảng viên đưa ra phải có độ khó nhất định để buộc sinh viên vẫn phải tự làm, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào ChatGPT", GS Wray Buntine chia sẻ.
Tuy nhiên, theo vị GS này, trong thời gian tới, VinUni có thể sẽ nghĩ đến phương án về cách phân loại các bài kiểm tra khác nhau để đánh giá sinh viên. Chẳng hạn, trường sẽ có bài kiểm tra được phép sử dụng ChatGPT, và có những bài không được phép sử dụng chatbot này.
Sử dụng ChatGPT thế nào cho hiệu quả?
Trả lời câu hỏi này, GS Michael I. Kotlikoff tin rằng, giảng viên có thể sử dụng những công cụ như ChatGPT, cho phép sinh viên ứng dụng AI trong học tập và cải thiện bản thân. Tất nhiên, ChatGPT chỉ sử dụng những nội dung có sẵn. Công nghệ này tổng hợp mọi thứ đã được nêu xung quanh một chủ đề nhất định.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần làm là giảng viên nên nghĩ về những nội dung mới mà họ có thể bổ sung. Học sinh, sinh viên cũng có thể sử dụng công nghệ này để tìm hiểu những nội dung có sẵn và sử dụng kiến thức đó để tạo ra giá trị bổ sung.
Hơn nữa, một vấn đề đang thảo luận là ChatGPT hiện nay phụ thuộc phần lớn vào các thông tin đến từ những nguồn tài liệu, thông tin bằng tiếng Anh. Vậy, chúng ta có thể áp dụng như thế nào? Làm cách nào để chúng ta có thể ứng dụng vào các ngôn ngữ khác, khiến nó trở nên hữu dụng với mọi người trên toàn thế giới, không chỉ ở Mỹ hay các nước nói tiếng Anh? Đó là một lĩnh vực cần xem xét.
Trong tương lai, để sử dụng ChatGPT hiệu quả, GS Michael I. Kotlikoff cho rằng cần có sự nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về mục đích sử dụng. Ngoài ra, GS tin rằng sẽ có các robot hoặc máy móc ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể cung cấp những loại thông tin này và dần cải tiến trong các lĩnh vực cụ thể mà ChatGPT chưa thực sự tốt.
Nguồn: https://toquoc.vn/
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân
- Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
- 1.337 chỉ tiêu tại Hội chợ việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
- Vụ máy bay rơi tại Bình Định: Đã liên lạc được với cả hai phi công
- Hỗ trợ 5 nghìn công nhân, lao động Thủ đô về quê đón Tết