Đến trường, vẫn… vui!
“Khi ông mặt trời thức dậy/Mẹ lên rẫy em đến trường/Em nghe lòng mình niềm vui đong đầy…” - những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Thủ đô khác những e bé vùng cao, chẳng biết đến rẫy, đến nương nhưng có lẽ, lại có cùng một điểm chung, ấy là niềm vui đến trường.
Gần một năm buộc phải học online tại nhà do dịch có thể tạo nên nhiều bức bối nhưng đồng thời cũng khiến các em học sinh và cả cha mẹ các em hiểu rõ hơn về một điều đã từng bị xem nhẹ: Niềm vui đến trường.
1. “Học sinh lớp 1-6 vui mừng trong ngày đầu trở lại trường sau dịch”; “Học sinh tiểu học Hà Nội háo hức đến trường sau gần một năm học online”, “Học sinh lớp 1-6 Hà Nội nô nức trở lại trường sau nghỉ dịch, “Học sinh lớp 1 - 6 ở Hà Nội náo nức “khai giảng” sau 11 tháng ở nhà”… là những cái tít xuất hiện đồng loạt trên mặt báo ngày 6/4/2022 - ngày khoảng 1 triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 30 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội chính thức trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài tạm dừng đến trường (học trực tuyến) để phòng, chống dịch COVID-19.
Cái sự náo nức, háo hức ấy càng đặc biệt lớn với các bé học sinh lớp 1 - đi học nhưng mới chỉ biết đến trường lớp, bạn bè, thầy cô qua… màn hình điện thoại, máy tính. Qua ống kính của các phóng viên, niềm vui của các em hiển hiện rõ qua từng gương mặt, từng cử chỉ khi các em háo hức thức dậy thật sớm, hồ hởi chạy như bay vào cổng trường, tay bắt mặt mừng với bạn bè. Trò vui, thầy cô cũng vui lây.
“Chúng tôi rất vui khi được đón các em học sinh quay trở lại trường học trực tiếp, nhất là các em học sinh lớp 1 lần đầu tiên đến trường học” - cảm xúc của cô Nguyễn Thanh Tịnh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Mai Dịch có lẽ cũng là cảm xúc chung của rất nhiều thầy cô giáo tiểu học Hà Nội trong ngày 6/4.
Điều đáng nói là niềm vui cũng được bắt gặp ở cha mẹ các em. Nếu như cách đây ba bốn tháng, đó còn là sự lo âu nghi ngại thì đến nay, đó dường như chỉ còn lại sự vui mừng, thậm chí là thở phào nhẹ nhõm khi rốt cuộc con em họ cũng được đến trường, cuộc sống lâu nay bị xáo trộn bởi cái sự học online bấy lâu cũng có cơ hội được khép lại.
“Hôm nay là ngày hội đến trường không chỉ là của các bạn nhỏ mà cũng là của tất cả các phụ huynh. Theo tôi thấy, các con còn nhỏ nên việc đến trường học được tiếp xúc với các bạn luôn tốt hơn ở nhà học online, đây cũng là niềm vui và mong mỏi của các bậc phụ huynh như chúng tôi” - đó có lẽ không chỉ là cảm xúc của chị Nguyễn Thị Thảo (phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) khi đưa con đến trường học trực tiếp sáng 6/4.
Rõ ràng, dịch COVID-19 đã khiến cuộc sống phần đa các gia đình, vốn đã vất vả càng thêm gian nan, càng thêm xáo trộn. Nhưng cũng chính đại dịch là cơ hội để hết thảy các phụ huynh, học sinh cảm nhận được một cách rõ rệt nhất giá trị, ý nghĩa, đôi khi không thể diễn tả hết của việc được đi học, được đến trường, được trực tiếp tiếp xúc trò chuyện với thầy cô, bạn bè, rằng hóa ra, đến trường, thực sự vẫn có những niềm vui.
2. Nhưng để sự hồ hởi, háo hức ấy được nối dài, để “Mỗi ngày đến trường thực sự là mỗi ngày vui” như những thông điệp, những khẩu hiệu chúng ta và cả ngành giáo dục vẫn liên tục nhắc đến, thì có lẽ cả nhà trường, ngành giáo dục, gia đình và bản thân các em cũng còn quá nhiều điều phải làm, thậm chí phải “sửa mình”.
Chuyện liên tiếp một số em học sinh gieo mình tự vẫn mới đây càng nhắc nhớ tất cả chúng ta về điều đó. Trong rất nhiều sự lý giải về nguyên cớ dẫn đến những sự giải tỏa đáng tiếc ấy, chứng trầm cảm do COVID-19, do không được đến trường được nhắc đến khá nhiều. Điều ấy chẳng sai. Thực tế này đã được nhiều chuyên gia, người làm giáo dục và cả các em học sinh thừa nhận.
Tại buổi tọa đàm “Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng COVID-19”, do báo Tiền Phong tổ chức vào ngày 4/3/2022, Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay, Cố vấn cao cấp Tổ chức Giáo dục AEG Việt Nam đã chỉ ra rằng, đợt dịch lần thứ tư vừa qua có gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên và 1 triệu giáo viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy và học trực tuyến...
Việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, trẻ em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển. Trẻ phải ngồi trước thiết bị điện tử thời gian dài khiến các em có cảm giác bị cô lập, xa cách, từ đó trẻ dễ gia tăng cảm xúc tiêu cực, hay cáu gắt, cãi lại người lớn, luôn thấy mệt mỏi, buồn phiền, thậm chí trầm cảm, rối loạn hành vi và khó tập trung chú ý… Trong khi đó, nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian trẻ ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ.
Những tác động đó đã ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần, thể chất và hạnh phúc của các em và chắc chắn sẽ còn kéo dài hậu quả trong nhiều năm tới. Để giải quyết được, đòi hỏi cả thời gian lẫn nỗ lực, sự kiên trì, phối hợp của cả chính các em, bố mẹ và thầy cô, nhà trường.
Cũng tại buổi tọa đàm nói trên, Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4) khẳng định: “Rối loạn tâm lý học đường là thực trạng đang diễn ra ở tất cả các trường học hiện nay”. COVID-19 là nguyên nhân nhưng cũng phải khẳng định rằng, COVID-19 không phải là nguyên nhân duy nhất. Khó ai có thể phủ nhận, cái gọi là “gia tăng rối loạn tâm lý học đường” ấy, không có “bàn tay thủ phạm” từ cái sự học và thi cử đang ngày càng trở nên quá áp lực, quá căng thẳng, diễn ra ở mọi cấp học; từ sự “hám thành tích” và tư duy “bằng con bạn con bè” của rất nhiều nhà trường, phụ huynh tại hầu hết các địa phương trong cả nước. Con số 80% học sinh bị áp lực học hành từ phía cha mẹ, 20% do nghiện game, mạng xã hội, áp lực học online có lẽ thực sự là những con số không thể bỏ qua…
Ít nhất 4 trường hợp trẻ em tìm tới cái chết do áp lực từ việc học hành chỉ trong vòng 2 tháng qua. Câu chuyện của em học sinh trường chuyên 15 tuổi ở Hà Nội với lá thư tuyệt mệnh mới đây thực sự là nỗi ám ảnh… nó cho thấy áp lực học hành hoàn toàn là vấn đề không thể xem nhẹ, nó cho thấy trong cái sự học, điểm số không phải là tất cả, con mình đôi khi không nhất thiết phải “bằng con bạn” chỉ nhờ qua một kỳ thi, một cái giấy khen… Nó cho mỗi người làm cha làm mẹ , làm giáo dục trong mỗi chúng ta, phải nhắc nhớ lại trước hết cho mình một thông điệp tưởng chừng đã rất quen, rất cũ: “Hãy để trẻ mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Đến trường, trước hết, cứ phải… vui.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/den-truong-van-vui-post188956.html
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam