Dịch cúm A tiếp tục gia tăng bất thường

Thứ tư, ngày 20 tháng 7 năm 2022 | 15:21

Hai tuần gần đây, số bệnh nhân nhập viện vì cúm A tiếp tục tăng, trong đó có một số trường hợp tổn thương phổi nặng, phải can thiệp ECMO.

Bệnh nhân cúm A nhập viện theo dõi vì triệu chứng sốt cao dồn dập. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Bệnh nhân cúm A nhập viện theo dõi vì triệu chứng sốt cao dồn dập. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Tổn thương phổi, suy hô hấp vì điều trị cúm A muộn

Chỉ chưa đầy một tháng, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận gần 100 bệnh nhi mắc cúm A nhập viện theo dõi, trong đó có trường hợp vì phát hiện chậm mắc cúm A phải can thiệp ECMO.

Sau một tuần điều trị tại bệnh viện tuyến huyện và tỉnh Nghệ An vì sốt cao liên tục, một bệnh nhi được chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy hô hấp nặng, tổn thương phổi. Bệnh nhân nhanh chóng được can thiệp ECMO để bảo toàn tính mạng.

Bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực nội nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi này bị tổn thương phổi rất nặng nề. Các bác sĩ đang duy trì các chỉ số chức năng sống trong giới hạn bình thương nhưng tổn thương phổi rất trầm trọng, phục hồi chậm.

Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho hơn 100 bệnh nhi mắc cúm A, tăng hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trung bình mỗi ngày Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp tiếp nhận 30-40 trường hợp nhiễm cúm A đến khám. Các trường hợp phải nhập viện chủ yếu là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai.

Đặc biệt, bệnh viện ghi nhận chùm ca bệnh gần 20 trường hợp có triệu chứng cúm, đều là công nhân tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội.

Dịch cúm A tiếp tục gia tăng bất thường ảnh 1

Nhiều trường hợp ho, sốt đi khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: bác sĩ cung cấp)

Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời điểm đến bệnh viện, các bệnh nhân đều có triệu chứng tương đối giống nhau như: đau đầu, sốt, nhức mỏi người. Qua test nhanh, hầu hết các bệnh nhân đều cho kết quả dương tính với cúm A.

Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy thời gian gần đây cũng ghi nhận số lượng trẻ mắc cúm A tăng đột biến với khoảng 20 bệnh nhi đang điều trị tại viện. Triệu chứng trẻ gặp phải khi nhiễm cúm A là sốt cao, đau đầu, mỏi người, viêm đường hô hấp như hắt hơi, sổ mũi. Một số bệnh nhi có biến chứng nặng như viêm phế quản, viêm tai giữa.

Tránh biến chứng đáng tiếc do cúm A

Theo các chuyên gia, việc xuất hiện nhiều ca mắc cúm A tại thời điểm này có dấu hiệu bất thường. Cúm A rất ít xuất hiện trong mùa nắng nóng, do virus cúm không phát triển và gây bệnh trong thời tiết khô, nóng, mà thường sinh sôi mạnh vào mùa đông-xuân khi thời tiết lạnh, nồm, ẩm.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, ban đầu triệu chứng của trẻ là sốt do mắc cúm. Sau đó vài ngày, trẻ có thể bị viêm phổi do vi khuẩn.

 

“Biến chứng nguy hiểm nữa gần đây xuất hiện nhiều là viêm não sau khi mắc cúm. Khoảng 3-5 ngày mắc cúm, trẻ sẽ có biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương như lơ mơ, li bì, co giật…”, bác sĩ Hải cho hay.

Cúm A có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt bắn hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân có nguy cơ cao bị các biến chứng do cúm đó là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó trẻ em dưới 2 tuổi ở mức nguy cơ đặc biệt cao; người lớn trên 65 tuổi; những người có tình trạng bệnh lý mạn tính (thí dụ: bệnh tim phổi, tiểu đường, suy thận hoặc suy gan, bệnh hemoglobin, suy giảm miễn dịch); phụ nữ trong tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kỳ.

Bệnh nhân có tình trạng bệnh lý làm suy giảm việc bài tiết ở đường hô hấp… cũng là đối tượng nguy cơ cao.

Theo bác sĩ Thiệu, nếu so sánh với Covid-19 thì cúm A nặng hơn nhưng nhanh khỏi hơn. Bệnh dễ lây lan, đặc biệt tại nơi tập trung đông người và khu vui chơi. Số lượng người mắc cúm A tăng lên sớm hơn, thậm chí tạo thành các ổ dịch, chuỗi lây truyền. Đáng nói, một số trường hợp còn diễn biến nặng, nguy kịch.

"Trước đây, do chúng ta có các biện pháp cách ly phòng bệnh Covid -19 khiến cho cúm không thể lây lan được. Nhưng vô tình điều này làm một loạt kháng thể kháng cúm trong cộng đồng bị giảm mạnh và giảm sâu do trong cộng đồng xuất hiện cúm ít, các biện pháp tiêm phòng vaccine cúm không được chú trọng do cộng đồng không có dịch... Ngoài ra kháng thể cúm hay không bền vững và sẽ giảm sau 3 đến 6 tháng tiêm", bác sĩ Thiệu cho hay.

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C.

Để phòng tránh cúm A, bác sĩ Thiệu khuyến cáo các phụ huynh nên tiêm vaccine phòng cúm hằng năm cho con trước hai tuần đến một tháng trước thời điểm dịch cúm diễn ra (tháng 3, 4, 9, 10 trong năm) để duy trì hiệu giá kháng thể và cho phép thay đổi vaccine để bù cho lệch cấu trúc kháng nguyên.

Cúm A và Covid-19, sốt xuất huyết có triệu chứng khá giống nhau nên khi có dấu hiệu sốt, người dân nên đi khám sớm, sử dụng thuốc điều trị kịp thời, không nên tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng đáng tiếc.

Để chủ động phòng, chống bệnh, người dân cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng phòng bệnh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang lưu hành.

Ngoài ra, mọi người nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.