Diễn biến phiên xử vụ gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 291 tỷ đồng ở Cần Thơ

Thứ ba, ngày 13 tháng 8 năm 2024 | 9:31

Phiên xét xử 6 người bị cáo buộc gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 291 tỷ đồng phải tạm dừng, trong đó có lý do vắng mặt luật sư bào chữa cho 1 bị cáo...

Ngày 12/8, TAND TP Cần Thơ mở phiên xét xử sơ thẩm (lần thứ hai) vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. 

Các bị cáo trong vụ án gồm: Lê Thanh Hải (60 tuổi) và Trần Huy Liệu (52 tuổi) - nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Agribank Cần Thơ; Bùi Tuấn Anh (49 tuổi) - nguyên Trưởng phòng Tín dụng; Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (44 tuổi) - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam; Phạm Tường Thi (44 tuổi); Nguyễn Văn Đạt (38 tuổi).

Cần Thơ 2.jpg

Các bị cáo tại phiên tòa vào ngày 12/8. Ảnh: H.T

Trong phần thủ tục khai mạc phiên tòa, Nguyễn Văn Đạt đề nghị hoãn phiên xét xử do vắng mặt luật sư bào chữa cho bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nhân đề nghị tòa hoãn xử để tiếp cận hồ sơ do luật sư này mới tham gia vụ án. Ngoài ra, những người tham gia hội đồng định giá trong tố tụng hình sự được tòa triệu tập vắng mặt.

Đại diện VKSND cho rằng, do bị cáo Đạt bị truy tố ở khung hình phạt tới 20 năm tù nên bắt buộc phải có luật sư...

Sau khi vào hội ý, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa và sẽ tiếp tục xét xử vụ án vào ngày 16/8. 

Theo cáo trạng mới nhất của VKSND TP Cần Thơ, từ năm 2006-2013, Nhân thành lập 7 công ty và thuê người làm giám đốc, kế toán. Nhân là người trực tiếp điều hành mọi hoạt động của các công ty. 

Cáo trạng nêu, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân có quan hệ tín dụng với Agribank Cần Thơ từ năm 2011 nên muốn vay tiền theo Quyết định số 63/2010 của Thủ tướng (quy định về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản). Nhân liên hệ với Liệu đặt vấn đề vay vốn để thực hiện dự án đầu tư ở tỉnh Hậu Giang. 

Sau khi xem xét, Liệu cho Nhân biết phải thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, chuẩn bị hồ sơ pháp lý, hồ sơ tài chính, hồ sơ vay vốn. Liệu sẽ hướng dẫn và giúp cho Nhân được vay vốn tại ngân hàng. 

Đồng thời, Liệu dẫn Nhân gặp ông Lê Thanh Hải, khi đó là Phó giám đốc ngân hàng để trao đổi. Ông Hải đồng ý và hứa giúp đỡ cho Nhân vay vốn.

Cần Thơ.jpg

Bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân tại tòa ngày 12/8. Ảnh: H.T 

Tháng 9/2011, ông Hải được bổ nhiệm làm giám đốc ngân hàng. 

Sau đó, Nhân thành lập Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam (Công ty Tây Nam) và lập hồ sơ dự án “Đầu tư xây dựng Cụm chế biến nông sản Tây Nam” tại xã Tân Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Ông Hải chỉ đạo Liệu hướng dẫn Nhân hoàn thiện hồ sơ vay vốn, hồ sơ dự án. Còn Liệu phân công Bùi Tuấn Anh, khi đó là cán bộ tín dụng, phụ trách khoản vay. 

Cũng theo cáo trạng, quá trình tiếp nhận hồ sơ, ông Hải, Liệu và Tuấn Anh biết Công ty Tây Nam không thuộc đối tượng vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 63 trên; không đáp ứng đủ các yêu cầu theo văn bản của Agribank Việt Nam. Tuy nhiên, các bị can này vẫn đồng ý và cùng Nhân hợp thức hóa hồ sơ để được vay vốn và hỗ trợ lãi suất. 

"Công ty Tây Nam không thuộc đối tượng được vay hỗ trợ lãi suất, hồ sơ vay vốn không đủ điều kiện (không có hợp đồng tiêu thụ nông sản và dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân, chưa có tài sản đảm bảo thế chấp, dự án chưa được cấp phép xây dựng, chưa có quyết định phê duyệt, báo cáo đánh giá tác động môi trường...), nhưng Hải vẫn ký hợp đồng tín dụng cho vay vốn và hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 63” - cáo trạng nêu rõ. 

Nhân đã cùng Hải, Liệu và Tuấn Anh thống nhất nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để thế chấp cho khoản vay của Công ty Tây Nam. Phạm Tường Thi và Nguyễn Văn Đạt có vai trò giúp sức cho Nhân.

Ông Hải, Liệu và Tuấn Anh chấp nhận cho Nhân sử dụng tiền vay hỗ trợ lãi suất sai mục đích như: mua bất động sản, trả nợ cho các khoản vay khác, bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án, gửi tiết kiệm để lấy tiền lãi…

Từ đó, những người này đã gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 291 tỷ đồng.

Đây là vụ án đã kéo dài nhiều năm, quyết định khởi tố đầu tiên được ban hành từ cuối năm 2015. 

Lần lượt các tội danh được đề cập trong vụ án này gồm: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đầu năm 2022, TAND TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm lần đầu đã tuyên cả 6 bị cáo nói trên không phạm tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". 

Sau đó, VKSND TP Cần Thơ kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm. Tháng 8/2022, xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.