Điều 'chưa thể' trong chiến dịch tiêm vắc xin sởi tại TPHCM
Không rà soát được hết lượng trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, số trẻ được tiêm vắc xin sởi trong 4 ngày qua vẫn rất thấp là những khó khăn trong "cuộc chiến" chống dịch sởi của TPHCM.
Số ca mắc sởi tăng từng ngày
Báo cáo tại cuộc họp phòng chống dịch sởi tại UBND TPHCM chiều 5/9, ông Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) - cho biết tính đến ngày 4/9, thành phố ghi nhận 541 ca sởi, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Nhóm trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi mắc bệnh chiếm 48%. Có đến 74% ca bệnh chưa được tiêm chủng đầy đủ. Toàn bộ 22 quận, huyện, TP Thủ Đức đều có ca bệnh. Trong đó, huyện Bình Chánh và quận Bình Tân có số trường hợp mắc sởi nhiều nhất.
“Số ca mắc sởi tăng nhanh theo từng ngày” - ông Tâm nói.
Trẻ tiêm vắc xin sởi tại quận Bình Tân. Ảnh: Bạch Dương
Chiến dịch tiêm vắc xin sởi của TPHCM đã bắt đầu được triển khai từ ngày 31/8. Tuy nhiên, tổng số trẻ được các quận huyện rà soát thấp hơn số trẻ ghi nhận trên hệ thống tiêm chủng. Trong khi đó, theo nguyên tắc, số liệu này phải đạt 100% hoặc hơn do tình trạng biến động dân cư, số trẻ trên danh sách luôn thấp hơn số thực tế.
Sau 4 ngày đầu tiên của chiến dịch, có 16.907 người đã được tiêm, nhưng tất cả quận huyện đều chưa tiêm hết theo danh sách đã rà soát. Địa phương có tỷ lệ tiêm cao nhất là huyện Bình Chánh đạt 60%. Trong khi đó, huyện Cần Giờ chỉ đạt 9,3%.
“TPHCM đang cố gắng trong 1 tháng làm xong việc tiêm chủng. Nhưng những ngày vừa qua, số trẻ được tiêm vẫn còn rất ít” - Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng lo ngại.
Ông Thượng yêu cầu các quận huyện phải ưu tiên rà soát tại những nơi có biến động dân cư, cơ sở trợ giúp xã hội... để tăng khả năng tiếp cận của người dân.
Theo ông Thượng, một số giáo viên nhắn tin cho phụ huynh, đề nghị đưa trẻ qua Viện Pasteur TPHCM để tiêm là chưa đúng.
"Chiến dịch được triển khai miễn phí tại các trạm y tế. Ngành y tế sẽ phối hợp tổ chức tiêm chủng tại trường học, đảm bảo trẻ được tiếp cận với vắc xin sởi sớm nhất, an toàn nhất" - ông Thượng khẳng định.
Phải ưu tiên giải quyết điểm nóng
Bác sĩ Nguyễn Văn Khuôn - Trưởng phòng Y tế TP Thủ Đức - thì cho biết số liệu thống kê chưa đầy đủ do nhập cư rất đông, đặc biệt biến động dân cư lớn sau dịch Covid-19.
Địa phương hiện có 18.500 trẻ từ 1-5 tuổi không đi học nên đội ngũ y tế vẫn "đi từng ngõ, gõ từng nhà", cố gắng hết tuần sau đảm bảo thống kê, rà soát, đối chiếu số lượng theo danh sách quản lý của cơ quan tiêm chủng.
Khu vực khám sàng lọc bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Bạch Dương
Trong khi đó, TS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM - đánh giá 6 quận huyện vùng ven có biến động dân cư lớn, chiếm 73% số ca mắc sởi của thành phố. Vì thế, nếu chiến dịch chưa đủ nguồn lực thì cần ưu tiên giải quyết điểm nóng trước để hạn chế tốc độ lây lan.
Các địa phương cần huy động đội ngũ cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng để rà soát, không bỏ sót người tạm trú. Nhà trường phải có hệ thống giám sát sốt phát ban, nếu có trẻ nghỉ học nhiều phải báo cáo. Trường nào có trẻ mắc sởi cần được ưu tiên tiêm trước, tránh lây lan cho gia đình và cộng đồng.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thuý khẳng định: “Trách nhiệm của phường xã là làm sao để tỷ lệ tiêm và số liệu cập nhật trẻ tăng lên, đặc biệt đối với các quận huyện có nhiều ca mắc”.
- Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da khi trời hanh khô
- Căn bệnh khiến nhiều người không bao giờ tỉnh lại vào ngày hôm sau
- Bác sĩ trẻ phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối từ 2 dấu hiệu mờ nhạt
- Hà Nội: Số ca mắc sởi, sốt xuất huyết trong tuần cao nhất từ đầu năm
- Bác sĩ trẻ phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối từ 2 dấu hiệu mờ nhạt
- Hút thuốc lá 10-20 năm, phổi đen kịt do hắc ín
- Chuyên gia chỉ ra 3 thói quen gây ung thư thực quản
- Vị trí đau cảnh báo căn bệnh ung thư nguy hiểm số 1
- Viện phí điều trị ung thư đứng đầu danh sách chi trả thuốc BHYT