Đổ xô đầu tư vào AI tạo sinh vì FOMO?
Hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO) có thể là nguyên nhân khiến nhiều “ông lớn” công nghệ ngày nay rót những khoản tiền khổng lồ vào các startup AI tạo sinh.
Do môi trường pháp lý không thuận lợi, các gã khổng lồ công nghệ không thực hiện nhiều vụ thâu tóm như trước. Thay vào đó, họ chi hàng tỷ USD cho “điều lớn lao tiếp theo”.
Khoản đầu tư 2,75 tỷ USD của Amazon vào startup AI Anthropic là thương vụ liên doanh lớn nhất từ trước tới nay của hãng. Nó cũng là ví dụ mới nhất về “cơn sốt” AI khiến các công ty công nghệ lớn nhất phải mở hầu bao.
Anthropic là nhà phát triển mô hình AI Claude, cạnh tranh với GPT của OpenAI và Gemini của Google. Từ Meta đến Apple, tất cả đều đang chạy đua để tích hợp AI vào danh mục sản phẩm và tính năng để đảm bảo họ không bị tụt hậu trong thị trường được dự đoán sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD trong vòng một thập kỷ.
Amazon nằm trong số các ông lớn công nghệ mở hầu bao cho startup AI tạo sinh. Ảnh: Synthesia
Theo PitchBook, năm 2023, các nhà đầu tư đã “bơm” tổng cộng 29,1 tỷ USD vào gần 700 giao dịch AI tạo sinh, tăng hơn 260% giá trị so với năm trước.
Một phần đáng kể của số tiền đó mang tính chiến lược, đến từ các công ty công nghệ chứ không phải là các nhà đầu tư mạo hiểm hoặc các tổ chức khác. Fred Havemeyer, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu phần mềm và AI của Mỹ tại Macquarie cho rằng, hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO) là một yếu tố thúc đẩy quyết định của họ.
"Họ chắc chắn không muốn bỏ lỡ cơ hội trở thành một phần của hệ sinh thái AI", Havemeyer nói. "Tôi chắc chắn có FOMO trên thị trường này".
Cần phải có các khoản đầu tư khổng lồ vì các mô hình AI khét tiếng tốn kém để xây dựng và đào tạo, đòi hỏi hàng nghìn chip chuyên dụng. Meta, đang phát triển mô hình riêng Llama, tiết lộ đang chi hàng tỷ USD cho GPU của Nvidia.
Dù đi theo con đường xây dựng hay đầu tư, chỉ có số ít các công ty đủ tiềm năng để chơi trên thị trường. Ngoài việc phát triển chip, Nvidia đã nổi lên như một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Silicon Valley, nắm cổ phần trong một số công ty AI mới nổi. Tương tự, Microsoft, Google và Amazon đôi khi cung cấp tín dụng đám mây như một phần của khoản đầu tư.
Trong thỏa thuận Amazon - Anthropic, hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ theo nhiều cách khác nhau. Anthropic sử dụng Amazon Web Services (AWS) cho nhu cầu điện toán cũng như chip của Amazon. Các mô hình của Anthropic sẽ được Amazon phân phối cho khách hàng AWS. Đầu tháng này, Anthropic đã ra mắt Claude 3, mô hình mạnh mẽ nhất của hãng và cho phép người dùng tải lên ảnh, biểu đồ, tài liệu và các loại dữ liệu phi cấu trúc khác để phân tích và trả lời.
Microsoft đã tham gia đầu tư AI trước đó với số tiền 1 tỷ USD cho OpenAI vào năm 2019. Quy mô đầu tư của hãng đã tăng lên khoảng 13 tỷ USD. Microsoft sử dụng rất nhiều mô hình của OpenAI và cung cấp các mô hình nguồn mở trên đám mây Azure của mình.
Alphabet – công ty mẹ Google – đóng hai vai nhà xây dựng và nhà đầu tư. Công ty tái tập trung việc phát triển sản phẩm vào AI tạo sinh và mô hình Gemini, bổ sung tính năng cho tìm kiếm, tài liệu, bản đồ... Năm ngoái, Google cam kết đầu tư 2 tỷ USD vào Anthropic, sau khi xác nhận đã mua 10% cổ phần của startup này bên cạnh một hợp đồng đám mây lớn giữa hai công ty.
Havemeyer nhận xét các khoản đầu tư nói trên phù hợp với lộ trình sản phẩm của họ. "Tôi không nghĩ điều đó là phù phiếm”, ông nói. Theo chuyên gia, liên minh với các nhà cung cấp đám mây lớn không chỉ mang lại nguồn tiền mặt rất cần thiết cho các startup mà còn giúp họ có thêm khách hàng.
'Định hình thập kỷ tiếp theo'
Trong các cuộc họp báo cáo thu nhập gần đây, các lãnh đạo công nghệ nhắc lại định hướng về AI tạo sinh, nói rõ với các nhà đầu tư rằng họ phải chi tiền để kiếm tiền, dù là phát triển nội bộ hay thông qua đầu tư vào các startup.
Giám đốc tài chính của Microsoft, Amy Hood cho biết, sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư vào AI, "thứ sẽ định hình thập kỷ tiếp theo".
Các nhà lãnh đạo của Google, Apple và Amazon cũng úp mở về việc sẵn sàng cắt giảm chi phí mạnh tay để chuyển hướng tài trợ nhiều hơn cho các nỗ lực AI.
Các startup nằm trong số những người hưởng lợi.
Ngoài OpenAI, Microsoft còn nắm cổ phần trong Mistral, Figure và Humane. Công ty đã đầu tư vào Inflection AI trước khi startup về cơ bản giải thể và gia nhập Microsoft trong tháng 3. Mistral tập trung vào nguồn mở, sử dụng đám mây Azure và cung cấp dịch vụ cho khách hàng Azure.
Figure, startup đang tìm cách chế tạo robot đi lại như con người, đã huy động tiền từ Microsoft, OpenAI và Nvidia và được định giá 2,6 tỷ USD.
Ván cược lớn nhất của Amazon là Anthropic khi rót tổng cộng 4 tỷ USD cho đến nay. Công ty cũng đã đầu tư vào nhà phát triển nền tảng AI Hugging Face.
Các khoản đầu tư của Google bao gồm Essential AI, công ty đang phát triển các chương trình AI dành cho người tiêu dùng và được AMD và Nvidia hậu thuẫn. Alphabet và Nvidia cũng là rót tiền vào Runway ML, một công ty AI nổi tiếng với các công cụ chỉnh sửa video và hiệu ứng hình ảnh. Những công ty khác trong danh mục đầu tư của Nvidia là Mistral, Perplexity và Cohere.
Trong khi đó, nhiều Big Tech tiếp tục chi tiêu nội bộ để phát triển các mô hình của riêng họ. Microsoft đầu tư vào nhiều kỹ thuật nền tảng cho AI tạo sinh thông qua bộ phận Microsoft Research. Amazon được cho là có kế hoạch đào tạo một mô hình lớn hơn, ngốn dữ liệu hơn cả GPT-4 của OpenAI.
Các nhà nghiên cứu của Apple gần đây đã công bố chi tiết về công việc của họ với MM1, một họ các mô hình AI nhỏ có thể lấy cả đầu vào văn bản và hình ảnh. Truyền thông đưa tin Apple đang tìm kiếm các đối tác AI, bao gồm cả Google ở Mỹ và Baidu ở Trung Quốc.
(Theo CNBC)
- Indonesia: Apple đã rót hơn 15 tỷ USD vào sản xuất tại Việt Nam
- Chuyển đổi số để phát triển quận Bắc Từ Liêm xứng tầm
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- OpenAI chi bao nhiêu để mua nội dung đào tạo ChatGPT?
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- Doanh nghiệp Việt loay hoay tăng thu giảm chi bằng chuyển đổi số
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số
- Điện thoại Trung Quốc thách thức Samsung, Apple tại châu Âu
- Khóa tài khoản, xóa nội dung vi phạm trên Internet là kịp thời, cần thiết