Doanh nghiệp Việt chưa nhận thức rõ cách AI tạo giá trị cho công việc hằng ngày
Trong bài phân tích tác động của AI đến thị trường lao động Việt Nam, chuyên gia Đại học RMIT nhận định, các doanh nghiệp Việt còn chưa nhận thức rõ ràng về cách AI có thể tạo ra giá trị cụ thể cho công việc hằng ngày của họ.
Ảnh hưởng của AI đến thị trường lao động Việt Nam
Sự phổ biến của các AI tạo sinh được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm 2024. Theo bà Bee Kheng, Chủ tịch phụ trách khu vực ASEAN của hãng công nghệ Cisco, AI sẽ chuyển từ vị thế một công nghệ “có cũng được” sang một vị thế quan trọng, nhất định phải có.
Đại diện Cisco khu vực ASEAN phân tích, ngành công nghiệp AI được dự báo sẽ là một trong những động lực chính của nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới. Tuy vậy, không phải tất cả các tổ chức đều đã chuẩn bị đầy đủ để tận dụng cơ hội này. Nghiên cứu của Cisco chỉ ra rằng, chỉ 27% tổ chức ở Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ để triển khai và tận dụng AI, trong đó 84% thừa nhận quan ngại về tác động của AI với hoạt động kinh doanh nếu họ vẫn bị động trong 12 tháng tới.
Trong bài phân tích mới đây về tác động của AI đến thị trường lao động Việt Nam, Tiến sĩ Jung Woo Han, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và Khởi nghiệp, khoa Kinh doanh, Đại học RMIT cho rằng, các công cụ AI giúp nâng cao năng suất của con người, và nhìn chung vẫn chưa đủ để thay thế hoàn toàn lực lượng lao động.
“Mặc dù những lĩnh vực AI đang phát triển với tốc độ vũ bão có thể là mối đe dọa đáng kể trong tương lai gần, các chuyên gia tin rằng ảnh hưởng của nó có thể vẫn chỉ giới hạn ở quy mô nhất định, cụ thể là người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng hơn những người trong lĩnh vực sản xuất”, Tiến sĩ Jung Woo Han chia sẻ.
Tiến sĩ Jung Woo Han, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và Khởi nghiệp, khoa Kinh doanh, Đại học RMIT.
Đáng chú ý, theo chuyên gia RMIT, những công việc sáng tạo nội dung và mang tính chất lặp đi lặp lại trong văn phòng có nhiều khả năng bị thay thế bởi AI tạo sinh, trong đó phải kể đến nghề phân tích thị trường, viết tài liệu kỹ thuật và phát triển website, vốn từng được coi là những nghề ổn định với người có trình độ đại học.
Phân tích kỹ hơn về thị trường lao động Việt Nam, Tiến sĩ Jung Woo Han cho hay, là nền kinh tế mới nổi vẫn phụ thuộc đáng kể vào lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp, Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi AI. Do đó, tác động ngắn hạn của AI tới thị trường việc làm Việt Nam sẽ tương đối thấp so với các quốc gia phát triển.
Tuy nhiên, chuyên gia RMIT nêu rõ: Điều đó không có nghĩa là thị trường việc Việt Nam an toàn trước công nghệ đột phá và một số lĩnh vực dịch vụ nhất định chẳng hạn như du lịch, sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi dự kiến sẽ phát triển nhanh chóng trong vài năm tới. Khi AI tiên tiến kết hợp với công nghệ robot mới nhất, thị trường việc làm trong các lĩnh vực có thể bị ‘rúng động’.
Minh chứng cho nhận định của mình, Tiến sĩ Jung Woo Han dẫn thông tin của OpenAI - nhà phát triển ChatGPT cho rằng các công việc có trình độ đại học sẽ chịu nhiều rủi ro hơn so với công việc chỉ đòi hỏi bằng cấp trung học. Bởi lẽ, người có trình độ học vấn làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ có yêu cầu sáng tạo nội dung nhiều hơn. Không chỉ vậy, khả năng tạo nội dung kết hợp yếu tố tương tác trực tiếp còn đe dọa những nhân viên tuyến đầu trong lĩnh vực dịch vụ, như cách AI mang tên Sapia có thể phỏng vấn ứng viên bằng chatbot trong quá trình tuyển dụng.
‘Điều quan trọng là phát triển các kỹ năng AI mới nổi’
Đưa ra lời khuyên với người lao động Việt, Tiến sĩ Jung Woo Han khuyến nghị, thay vì lo lắng quá mức về việc làm sao để giữ công việc, điều quan trọng là cần phát triển các kỹ năng AI mới nổi. “Dù tất cả các kỹ năng và kiến thức dần dà đều có thể bị AI thế chỗ, vẫn có một lĩnh vực có thể không bao giờ bị thay thế bởi bất kỳ công nghệ nào. Đó là thái độ tích cực để xây dựng văn hóa năng suất, nuôi dưỡng đổi mới và sáng tạo, từ đó khai phá tiềm năng vô hạn cho tổ chức”, Tiến sĩ Jung Woo Han nêu quan điểm.
Chuyên gia RMIT khuyến nghị, học về AI nên được coi như học một ngôn ngữ mới (Nguồn ảnh: Freepik)
Chia sẻ phát hiện từ tọa đàm ‘Nhân sự RMIT-Deloitte 2023’, Tiến sĩ Jung Woo Han cho biết: Các doanh nghiệp Việt còn chưa nhận thức rõ ràng về cách AI có thể tạo ra giá trị cụ thể cho công việc hằng ngày của họ. "Tại tọa đàm, Phó giáo sư Phạm Công Hiệp, quyền Phó trưởng khoa phụ trách Nghiên cứu và Đổi mới tại Khoa Kinh doanh thuộc RMIT Việt Nam, nêu ra một vấn đề quan trọng là AI được thiết kế để giao tiếp với con người thông qua giao diện trò chuyện”, Tiến sĩ Jung Woo Han thông tin thêm.
Theo chuyên gia RMIT, học về AI nên được coi như học một ngôn ngữ mới. Một khi càng có nhiều người được đào tạo để giao tiếp hiệu quả với AI thì nó càng có thể giúp tạo ra và mang lại nhiều kết quả có giá trị hơn. Cùng với đó, độ tin cậy và tính đạo đức của việc AI thống trị khả năng tạo ra kiến thức trong xã hội đang dấy lên quan ngại đáng kể. Bởi lẽ, AI tạo sinh ‘cố gắng trả lời các câu hỏi của chúng ta ngay cả khi chúng không hiểu rõ ràng’.
“Mức độ tin cậy và hợp lệ của những câu trả lời tạo ra bởi AI thường bị nghi ngờ, làm dấy lên những vấn đề về bản quyền và đạo văn. Nếu ngày càng có nhiều nội dung được tạo ra dựa trên một AI thống lĩnh trên thị trường, thì thuật toán AI của họ sẽ tạo ra sự thiên vị nhất định. Ngoài ra, có rất nhiều báo cáo và nghiên cứu cho thấy AI có thể làm trầm trọng hóa nạn phân biệt chủng tộc và các hình thức phân biệt đối xử khác trong xã hội con người. Vì vậy, cần phải có khung pháp lý để ngăn chặn những tác động tiêu cực này”, Tiến sĩ Jung Woo Han đề xuất.
- Mạng xã hội Threads có thêm 35 triệu người dùng nhờ Elon Musk và Donald Trump
- Nhiều startup công nghệ thắng lớn tại Techfest Việt Nam 2024
- Indonesia: Apple đã rót hơn 15 tỷ USD vào sản xuất tại Việt Nam
- Chuyển đổi số để phát triển quận Bắc Từ Liêm xứng tầm
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- OpenAI chi bao nhiêu để mua nội dung đào tạo ChatGPT?
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- Doanh nghiệp Việt loay hoay tăng thu giảm chi bằng chuyển đổi số
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số