Doanh nghiệp chủ động phản biện thủ tục hành chính qua cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh

Thứ sáu, ngày 23 tháng 9 năm 2022 | 13:10

Đây cũng là quan điểm chính tại Hội nghị tập huấn: Kỹ năng phân tích, phản biện, tham gia ý kiến về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và sử dụng cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh diễn ra vào sáng ngày 22/9 tại Ninh Bình.

Toàn cảnh Hội nghị Tập huấn

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn.

Tham gia Hội nghị, có ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc dự án USAID LinkSME. 

ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ

Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phát biểu khai mạc.

Khai mạc Hội nghị, ông Ngô Hải Phan đã phát biểu chỉ đạo về một số nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2022 của Hội đồng tư vấn. Ông chia sẻ: "Nỗ lực cải cách của Chính phủ có sự hỗ trợ của các cơ quan thành viên, bước đầu đã có những kết quả đáng ghi nhận. Thời gian qua, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã tham mưu tới Thủ tướng ban hành các phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính. Có thể nói thời gian ngắn nhưng kết quả rõ rệt. Quan điểm là giảm hồ sơ giấy, không để thủ tục lòng vòng".

"Với 'Bộ chỉ số đánh giá dịch vụ công Quốc gia', thủ trưởng cơ quan có thể nắm bắt ý kiến, phản ảnh từ người dân với từng cán bộ. Từ đó kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cán bộ có dấu hiệu nhũng nhiễu. Về tình hình cải cách hành chính hiện nay, chúng ta đã đồng bộ 130 triệu hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Trên tổng số 17.000 quy định chúng ta mới cắt giảm được 1.700 quy định tương đương 10%. Mục tiêu của chúng ta là giảm 20% vào năm 2025. Do đó, thời gian tới Chính phủ tiếp tục chú trọng cải cách quy định, cải thiện môi trường kinh doanh", ông Phan nhận định.

 

ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, TS.Nguyễn Văn Thân cũng đã đánh giá Hội nghị hôm nay là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo ông, đây là một hoạt động thường niên của Hội đồng tư vấn nhằm nâng cao chất lượng phân tích, phản biện và tham gia ý kiến về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cho cán bộ của Hội đồng.

"Buổi tập huấn lần này được tổ chức trong bối cảnh khác so với 2 buổi tập huấn trước đây, đó là khi đất nước chúng ta đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và rất cần có những bước chuyển nhanh chóng về thể chế, chính sách để tạo điều kiện thu hút đầu tư cả trong nước và quốc tế (nhất là khi chính trị thế giới còn đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường)", ông Thân nhận định.

Cách đây 3 tuần, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao đóng góp của Hội đồng tư vấn về công tác tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ về những quyết sách thay đổi, ban hành mới các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, có công sức lớn của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính và Ban thư ký Hội đồng, vì đây là hai cơ quan dẫn hướng và điều phối công việc rất hiệu quả cho hoạt động của Hội đồng nói chung và từng Ban chuyên môn nói riêng.

 

Bên cạnh những nỗ lực đó, ông Thân cũng đánh giá cao các tổ chức, cá nhân là thành viên của Hội đồng cũng đã phát huy rất tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình để đóng góp vào thành quả chung của công tác cải cách thể chế, chính sách. Một số cái tên nổi bật như Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản, Phòng thương mại và công nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, VCCI và Hiệp hội DNNVV Việt Nam… 

ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc dự án USAID LinkSME

Ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc dự án USAID LinkSME chia sẻ.

Đối với hội nghị tập huấn kỹ năng phân tích, phản biện, tham gia ý kiến về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và sử dụng cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh theo ông Daniel Fitzpatrick, đây là cơ hội tốt để chúng ta có thể đưa tiếng nói của các doanh nghiệp trong việc góp ý chính sách của chính phủ.

Ông cảm thấy rất vui mừng khi được xem video, clip những thành tựu liên quan đến việc sử dụng cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là chuyển đổi số trong thủ tục hành chính cũng như việc sử dụng cổng tham vấn để lấy thông tin và ý kiến của người dân.

"Có 1 lí do nữa vì sao tôi rất hứng thú khi được mời đến Hội nghị ngày hôm nay bởi trước đây tôi là luật sư, tôi có văn phòng ở thủ đô oa sing tơn , thời gian đó tôi làm việc cho công ty luật và có nhiều khách hàng, đó là các đối tượng quan tâm đến các chính sách, quy định được ban hành trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Vào thời gian đó internet chưa phát triển nên tất cả công việc chúng tôi thực hiện toàn trên giấy tờ, gửi thư mời,… 30 năm sau tôi có vinh dự được làm việc một số dự án tại Lào. Tôi đã hỗ trợ chính phủ Lào trong việc xây dựng cổng tham vấn tương tự", ông Daniel Fitzpatrick chia sẻ. 

 

Ông nhận định: "Với kinh nghiệm thực tế như thế, vừa tư vấn chính sách cho các công ty luật và hỗ trợ cho chính phủ Lào trong việc xây dựng cổng tham vấn, chúng tôi rất mong chờ tiếp sau chúng tôi sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm mà thực tế tôi đã thực hiện và chứng kiến, đồng thời muốn lắng nghe những chia sẻ của các doanh nghiệp về những khó khăn và thuận lợi trong việc sử dụng cổng tham vấn của Việt Nam".

Có thể nói rằng, trách nhiệm xã hội lớn nhất là sự tham gia tham vấn, xây dựng chính sách pháp luật, làm cho chính sách có tính khả thi, hợp lý và điều đó sẽ tác động rất lớn đến xã hội và phát triển kinh tế.

chuyên gia Phùng Thị Thanh Xuân đã giới thiệu tính năng, cách thức, hướng dẫn đăng ký và đăng nhập vào cổng tham vấn và tra cứu

Chuyên gia Phùng Thị Thanh Xuân đã giới thiệu tính năng, cách thức, hướng dẫn đăng ký và đăng nhập vào cổng tham vấn và tra cứu.

Trong chương trình Hội nghị tập huấn ngày hôm nay, chuyên gia Phùng Thị Thanh Xuân đã giới thiệu tính năng, cách thức,  hướng dẫn đăng ký và đăng nhập vào cổng tham vấn và tra cứu. Bà Xuân nhấn mạnh đây là bước cải tiến mới nhằm đơn giản hóa thông tin đến cho doanh nghiệp cũng như công dân để tìm kiếm những thông tin cần tìm kiếm. 

Tại hội nghị, các đại biểu được thực hành sử dụng các tính năng trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh bao gồm: Đăng ký tài khoản; Gửi vướng mắc, đề xuất của hiệp hội, doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước; Tham gia ý kiến đối với các dự thảo phương án cắt giảm, đơn giản hóa và quy định dự kiến ban hành.

Ngoài ra, các đại biểu tham dự cũng được chuyên gia hướng dẫn thực hành sử dụng các tính năng trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh bao gồm các bước: Theo dõi đánh giá việc phản hồi của cơ quan quản lý nhà nước đối với ý kiến của hiệp hội, doanh nghiệp; Tra cứu quy định kinh doanh.

Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh có trọng tâm là cải cách quy định thủ tục hành chính; phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm, khai thác dữ liệu quy định kinh doanh và đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước tham gia vào cải cách các quy định kinh doanh. Buổi tập huấn ngày hôm nay đã diễn ra trong không khí hào hứng, sôi nổi, có nhiều thông tin bổ ích, thú vị. Qua Hội nghị, các đơn vị tham gia hiểu được mong muốn của Chính phủ trong việc cải cách thủ tục hành chính, với tiêu chí tránh việc cắt quy định này, thêm quy định khác. Bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả bộ công cụ để tự bảo vệ mình, cho ý kiến để có thể sử dụng công cụ tốt hơn.

Công cụ này sẽ là giải pháp hữu ích, giúp cho công dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tham vấn những vấn đề liên quan về vấn đề kinh doanh. Thông qua đó giúp giảm bớt thủ tục, giảm bớt chi phí đi lại. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh cung cấp bộ công cụ giúp các bộ, cơ quan cập nhật, quản lý, công khai minh bạch quy định kinh doanh hiện hành và dự kiến ban hành; rà soát, tính toán chi phí tuân thủ, kiến nghị phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; tham vấn, lấy ý kiến đối tượng tuân thủ về phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và quy định kinh doanh dự kiến ban hành trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Khóa tập huấn cũng sẽ giúp mọi người có thêm phương pháp phân tích để phục vụ công tác phân tích và đóng góp ý kiến xây dựng chính sách trong thời gian tới. 

Thảo Linh - Ngọc Trinh

Ảnh: La Hằng - Đức Hạnh