Doanh nghiệp có được thưởng tết bằng sản phẩm của công ty không?
Với những người lao động, khoản tiền thưởng tết là sự trông chờ của cả một năm lao động. Nhưng do tình hình dịch bệnh kéo dài suốt năm 2021, nhiều đơn vị đã tính đến phương án chi trả bằng sản phẩm.
Trả lương bằng sản phẩm của công ty không phải mới xuất hiện. Đối với một số doanh nghiệp kinh doanh về thực phẩm, ngoài phần tiền thưởng hoặc lương tháng 13, người lao động có thể nhận thêm sản phẩm do chính họ làm ra. Mặt hàng này có giá trị sử dụng trực tiếp trong dịp tết.
Thế nhưng, với những đơn vị sản xuất hàng hóa, việc chi trả bằng sản phẩm đem lại không ít phiền toái và thất vọng cho người lao động. Bởi dù giá trị sản phẩm cao, người nhận không có nhu cầu sử dụng phải đem đi bán lại với mức giá rẻ hơn nhiều.
Dưới góc độ luật, luật sư Trần Viết Hà, Công ty Luật Nam Sơn cho hay, theo Điều 104, Luật lao động 2019, tiền thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Luật sư Trần Viết Hà, Công ty Luật Nam Sơn
Đồng thời, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc, sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
"Do đó, việc thưởng tết là không bắt buộc, nó phụ thuộc kết quả kinh doanh. Trường hợp có thỏa thuận việc chi trả thưởng giữa người lao động và doanh nghiệp thì mới bắt buộc phải chi trả thưởng", luật sư Hà khẳng định và chia sẻ thêm, thưởng có thể bằng tiền hoặc hiện vật, nên việc thưởng bằng sản phẩm cũng được. Song, không khuyến khích hình thức này, bởi người lao động đã cực nhọc cả năm và chỉ mong có khoản tiền thưởng về ăn tết cùng gia đình.
Ngoài ra, theo điều 104 của Luật lao động, lương tháng thứ 13 cũng không bắt buộc. Khoản tiền này phụ thuộc vào sự thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động.
Mặc dù vậy, người lao động sẽ nhận được một số quyền lợi nếu phải làm trong dịp nghỉ tết. Theo Điều 98 Luật lao động 2019, người lao động đồng ý đi làm trong dịp tết thì phải chi trả bằng 300% mức lương của ngày công làm việc bình thường. Đối với những người làm việc hưởng lương theo ngày, mức chi trả là 400% so với ngày bình thường.
"Nếu người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định nêu trên, người sử dụng lao động phải trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương, hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường, hoặc của ngày nghỉ hàng tuần, hoặc của ngày nghỉ lễ, tết", luật sư Hà cho hay.
Đặc biệt, người sử dụng lao động không được ép người lao động làm việc ngày lễ tết nếu không có sự đồng ý. Mức phạt từ 5-75 triệu đồng, căn cứ theo Nghị định 28/2020.
Lo lắng về lương thưởng cuối năm, anh N.H. (Hà Nội), bưu tá của Trung tâm Bưu chính Sài Gòn cho biết, chưa nói tới thưởng tết, lương của anh H. và nhiều lao động ở đây cũng chưa được chi trả trong nhiều tháng qua. Riêng anh H., Trung tâm Bưu chính Sài Gòn mới chỉ chi trả lương tháng 10, trong khi lương tháng 8,9,11,12 anh vẫn chưa được nhận.
Trong trường hợp này, theo luật sư Hà, Điều 97 Luật lao động nêu rõ, trừ trường hợp bất khả kháng thì không được trả chậm lương của người lao động quá 30 ngày. Trường hợp trả chậm từ ngày 15 trở đi phải trả kèm lãi suất bằng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng của các ngân hàng.
(Theo Dân trí)
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine