Doanh nghiệp kêu trời càng bán càng lỗ, mỗi lít xăng phải bù 600-700 đồng
"Mỗi lít xăng bán ra đang lỗ 600-700 đồng. Trung bình một cửa hàng bán được 600 khối thì tháng mất 400 triệu đồng. Nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận, biết kêu ai giờ", một doanh nghiệp than thở.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang phải "gồng" lên để kinh doanh khi giá nhập bằng giá bán, chiết khấu 0 đồng trong khi phải trả đủ các chi phí vận chuyển, lương cho nhân viên… (Ảnh: Mạnh Quân).
Doanh nghiệp xăng dầu than gánh lỗ nặng
Trước thời điểm điều chỉnh xăng dầu ngày 11/2, cả thị trường "nháo nhác" vì tình trạng khan cung, chiết khấu thấp, doanh nghiệp than càng bán càng lỗ. Nhiều cửa hàng với những lý do khác nhau đóng cửa, treo biển hết hàng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những biến động trên thị trường vừa qua được cho là đợt điều chỉnh hôm ngày 1/2 rơi đúng vào mùng 1 Tết nên phải lùi lại tới 10 ngày sau, tức là mức giá cũ áp dụng kéo dài trong khi thế giới tăng cao liên tục.
Sau kỳ điều chỉnh ngày 11/2, khó khăn của thị trường xăng dầu vẫn chưa hạ nhiệt. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục xót xa kêu than cảnh bán càng nhiều càng lỗ nặng.
Nói với Dân trí, ông Nguyễn Văn Tiu - Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Tự lực 1 - cho biết doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang phải "gồng" lên để kinh doanh khi giá nhập bằng giá bán, chiết khấu 0 đồng trong khi phải trả đủ các chi phí vận chuyển, lương cho nhân viên… "Mỗi lít xăng bán ra đang lỗ 600-700 đồng. Trung bình một cửa hàng bán được 600 khối thì tháng mất 400 triệu đồng. Vậy nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận, biết kêu ai giờ. Mặt hàng này không phải muốn đóng là đóng", ông Tiu nói.
Cũng theo chủ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu này, vẫn có những trục trặc từ nguồn cung, lấy hàng vẫn hạn chế, nhất là mặt hàng xăng. "Nếu một cửa hàng trong nội thành bán được 700-800 khối thì lỗ to, không thể kéo dài qua 3 tháng mà tình trạng này bây giờ cũng được 1 tháng rồi", ông tâm sự.
Từ góc độ doanh nghiệp bán lẻ, vị này kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp kịp thời để giải tỏa các vấn đề này, giảm khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông M. - Giám đốc một doanh nghiệp phân phối xăng dầu lớn trên thị trường Hà Nội cho biết, hiện mức chiết khấu mà doanh nghiệp đang nhận được từ đầu mối là 100 đồng/lít (áp dụng từ 15/2). Với mức chiết khấu này, các thương nhân phân phối chở đến cho hệ thống cửa hàng bán lẻ sẽ phải bù lỗ 200 đồng/lít.
Vì thương nhân đầu mối lỗ nên không thể chiết khấu được cửa hàng bán lẻ, buộc các cửa hàng bán lẻ phải chấp nhận "giá nhập bằng giá bán".
Ông M. tính toán, trung bình một cửa hàng có sản lượng bán ra đạt trên 100 khối/tháng thì cần có chênh lệch hoa hồng là 500 đồng/lít. Còn muốn lãi thì 1.000 đồng/lít. Tức là phân phối nhận chiết khấu 300 đồng/lít và chuyển phần hoa hồng 700 đồng còn lại cho các cửa hàng thì có thể duy trì được.
Giá nhập cao, đầu mối chiết khấu không thể nhiều
Nói với Dân trí, một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn lý giải việc không liên tục điều chỉnh giảm chiết khấu. Theo vị này, giá xăng dầu hiện đang nhập cao hơn trong nước. "Chiết khấu không thể cao hơn được, nhiều đơn vị tôi biết chiết khấu chỉ có khoảng 50 đồng/lít, thậm chí là 0 đồng", vị này cho biết.
Theo doanh nghiệp đầu mối này, vấn đề lớn của thị trường hiện nay vẫn là vấn đề về giá, hàng thì có, nhưng nhiều doanh nghiệp đắn đo khi mua bởi đúng là "càng bán càng lỗ", còn từ trách nhiệm đầu mối thì nguồn cung luôn được đảm bảo. Ông này cho biết thêm, trước kia khi thị trường ổn định, với mức chiết khấu 1.000 đồng/lít thì hài hòa lợi ích các bên.
Ông M. lo ngại xu hướng tăng giá xăng dầu còn tiếp diễn, nếu không có giải pháp căn cơ chắc chắn sẽ thường xuyên xảy ra tình trạng khó khăn nêu trên.
Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nhưng theo ông M., để doanh nghiệp có thể phục vụ lâu dài thì cũng cần phải cho doanh nghiệp những quyền lợi tối thiểu.
"Chúng tôi cần chi phí tối thiểu duy trì, vì còn bao nhiêu khoản chi phí cho xăng dầu từ vận chuyển, tiền lương, lãi vay, mặt bằng… Biết là kinh doanh cần phải chấp nhận lúc lỗ lúc lãi nhưng mà kéo dài thì không trụ được", ông M. than thở.
Bình luận về thực tế thị trường xăng dầu hiện nay, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nhiều doanh nghiệp phải thông báo hết xăng, đóng cửa phản ánh một thực tế những doanh nghiệp này đang muốn bảo tồn giá trị kinh doanh, không muốn chịu lỗ hơn nữa. Đối với tư duy kinh doanh thông thường, theo ông Thịnh, nếu càng bán càng lỗ thì tốt nhất đóng cửa. Tuy nhiên với mặt hàng xăng dầu thì có những đặc thù vì đây là mặt hàng chiến lược, đầu vào.
Ông Thịnh cho biết, để điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, cần có những giải pháp căn cơ hơn từ cơ quan quản lý, điều hành.
Nguôn Dân Trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-keu-troi-cang-ban-cang-lo-moi-lit-xang-phai-bu-600700-dong-20220215100404822.htm
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine