Doanh nhân Ngô Tường Vy: Bí quyết “”bẻ khóa”” thị trường xuất khẩu khó tính
Doanh nhân Ngô Tường Vy, CEO Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu tự tin rằng, nông sản Việt sẽ có chỗ đứng trên thị trường thế giới nếu chủ động đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe ngay từ đầu của nhà nhập khẩu.
Doanh nhân Ngô Tường Vy, CEO Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. |
Đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất
Năm 2022, đối với bà Ngô Tường Vy và Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Công ty Chánh thu) là giai đoạn gặt hái được nhiều thành tựu. Tháng 9/2022, Chánh Thu là doanh nghiệp xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên đi Trung Quốc, tháng 11, xuất khẩu lô bưởi đầu tiên sang Mỹ. Trước đó, Chánh Thu được nhiều người biết đến khi là doanh nghiệp được lựa chọn xuất khẩu lô xoài đầu tiên vào thị trường Mỹ (năm 2019), xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên vào thị trường Nhật Bản (năm 2020)…
Thành công với những “lần đầu tiên”, nhưng có lẽ không nhiều người biết, người chèo lái Chánh Thu đạt được thành tựu như ngày hôm nay là một phụ nữ còn khá trẻ, sinh năm 1986.
Để đạt được những thành quả này, bà Tường Vy chia sẻ, doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng theo nhiều tiêu chuẩn như GlobalGap, VietGap, FSSC 22000… nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính. Ngoài ra, Chánh Thu cũng không ngừng nâng cao tiêu chuẩn cho riêng mình để hoạt động xuất khẩu chính ngạch không còn là điều xa xỉ và hạn chế.
“Thị trường chính của nông sản Việt Nam là Trung Quốc cũng đã thay đổi tiêu chuẩn nhập khẩu và có các yêu cầu tương đương như Mỹ, châu Âu… May mắn, Chánh Thu đã có kinh nghiệm chinh phục thị trường Mỹ hơn 12 năm, nên khi xuất khẩu sang những thị trường khác là điều không quá khó”, bà Tường Vy nói.
Nói về bí quyết thâm nhập thị trường khó tính, CEO Chánh Thu cho hay, để xuất khẩu thành công cần phải xác định rõ thị trường, sản phẩm và nghiên cứu kỹ về những tiêu chuẩn riêng mà mỗi quốc gia yêu cầu. Như ở thị trường Mỹ, hoạt động xuất khẩu không theo các tiêu chuẩn chung, nhưng lại có những quy định riêng bắt buộc doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt.
Một ví dụ điển hình khác, từ nhiều năm trước, khi đa số người Việt vẫn còn cho rằng Trung Quốc là thị trường dễ tính và tiềm năng mà không doanh nghiệp nào có thể bỏ qua, thì Chánh Thu đã xác định đây sẽ là một thị trường khó tính trong thời gian tới. Vì vậy, nâng cao chất lượng sản phẩm và để lại dấu ấn nông sản Việt là điều mà Công ty Chánh Thu luôn chú trọng.
CEO Ngô Tường Vy cho biết, khi bước vào con đường chính ngạch sẽ giúp doanh nghiệp tự tin hơn khi xây dựng thương hiệu của chính mình, không còn trường hợp trái cây Việt chỉ bán tiểu ngạch và gia công, đóng gói cho các thương hiệu Trung Quốc.
Cũng chính niềm tin từ thị trường Trung Quốc đã trở thành bước đệm giúp Chánh Thu có được sự tin tưởng của nhiều đối tác, khách hàng, người tiêu dùng như hiện tại. Niềm tin ấy giúp quả xoài vào thị trường Mỹ, quả vải thiều đi Nhật Bản, sắp tới sẽ là bưởi da xanh và nhiều loại trái cây khác. Có thể thấy, sản phẩm chất lượng là yếu tố tiên phong để xuất khẩu, nhưng niềm tin mới là yêu cầu then chốt để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.
Để hiện thực hóa điều đó, CEO Ngô Tường Vy tiên phong xây dựng các mô hình theo chuẩn GlobalGap, VietGap, FSSC 22000… đầu tiên là áp dụng cho trái chôm chôm và tiếp tục thực hiện trên các loại trái cây khác.
Có thể thấy, Chánh Thu đi từ câu chuyện khó nhất đến tiêu chuẩn cao nhất để đáp ứng tất cả yêu cầu của nhiều quốc gia trên thế giới. “Thông điệp tôi muốn truyền tải, muốn chứng minh đến đối tác, khách hàng, người tiêu dùng là sản phẩm của chúng tôi đã thay đổi như thế nào, đã đạt các tiêu chuẩn ra sao. Mục đích là để xây dựng niềm tin, từ đó lan tỏa câu chuyện nông sản Việt Nam”, CEO Ngô Tường Vy tâm sự.
Đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19, mặc dù có khó khăn, nhưng Chánh Thu vẫn gặt hái được những thành công nhất định khi thay đổi mẫu mã sản phẩm, chuyển mình đầu tư công nghệ mới trong bảo quản, thành công với trái sầu riêng đông lạnh và một số sản phẩm khác.
Cũng theo bà Tường Vy, hiểu được thị trường, thích nghi với thị trường và mang lại giá trị cao cho người tiêu dùng là yếu tố quyết định cho thành công trong xuất khẩu các mặt hàng nói chung, trái cây nói riêng.
Xây dựng thương hiệu
Miền Chợ Lách - Cái Mơn (tỉnh Bến Tre) là bãi bờ phù sa của sông Cổ Chiên và Hàm Luông, vốn nức tiếng khắp nơi với trái sầu riêng, măng cụt, chôm chôm. Như bao chủ vựa khác, ông Chánh, bà Thu đều mang trong mình sứ mệnh đưa trái cây Việt vươn ra thế giới và cô con gái Ngô Tường Vy cũng không ngoại lệ khi bắt đầu theo ba mẹ mua hàng, ghi chép sổ sách, cộng trừ nhân chia… từ năm mới 9, 10 tuổi.
Như một sự sắp đặt của cuộc đời, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Tường Vy lên TP.HCM học một số kiến thức về kinh doanh. Cô không học để lấy bằng cấp, mà học những chứng chỉ cơ bản, thiết thực với việc quản trị, rồi nhanh chóng quay về quê hương đảm nhiệm vị trí quản lý chi nhánh tại tỉnh Tiền Giang ở tuổi 23 - thời điểm Ngô Tường Vy xác định phải thay đổi tư duy và xây dựng niềm tin.
CEO Chánh Thu cho biết, thời điểm mới bắt đầu quản lý chi nhánh của doanh nghiệp thì khó khăn trăm bề với khối lượng công việc nặng nề, không phòng ban kế toán, hay máy móc kiểm tra chất lượng… Có những ngày cô phải kiểm tra từng trái nhãn, cân từng giỏ hàng, đôi khi phải xử lý 45 tấn nhãn/ngày, một con số không hề nhỏ.
Tuy vất vả vì mọi việc đều đến tay, nhưng đây là hành trang đáng quý để Tường Vy học hỏi nhiều kinh nghiệm như tư duy, cách quản lý, thấu hiểu được quá trình sản xuất… từ đó làm nền tảng để đảm nhiệm những vị trí quản lý cao hơn.
Cũng nhờ vậy, khi kế nghiệp gia đình, Ngô Tường Vy đã tạo bước đi khác biệt và chuyên nghiệp hơn. Bắt đầu hành trình là thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu vào năm 2009, sau đó tiến tới xây dựng vùng trồng nguyên liệu với tiêu chuẩn khắt khe và mở rộng xuất khẩu một số sản phẩm trái cây Việt Nam như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, xoài, bưởi, nhãn, dừa, vải… qua các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Canada, Australia, Đài Loan…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về khó khăn trong ngành, Tường Vy bộc bạch: “Sau quá trình dài đồng hành cùng gia đình, trải qua nhiều lần mất trắng và gần như quay về làm lại từ đầu, đôi khi còn bắt đầu từ con số âm, tôi nhận ra, rủi ro chỉ đến khi bản thân không có sự đầu tư bài bản trong quản lý, cũng như không xây dựng được chất lượng ổn định và phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc”.
Chính vì vậy, Tường Vy dành nhiều thời gian để đến Thái Lan, Malaysia… tìm hiểu những sản phẩm có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính và phương thức thực hiện để thay đổi tư duy từng bước một. Nhờ vậy đã có sự thành công như ngày nay.
Mục tiêu năm 2023 của Tường Vy là xây dựng thành công sản phẩm với thương hiệu “Chánh Thu - Made in Việt Nam” để mở rộng thị trường tại Trung Quốc và làm tiền đề tiếp cận thêm nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Thay đổi tư duy, đưa nông sản Việt vươn xa
CEO Ngô Tường Vy chia sẻ: “Tôi nhận thấy, nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều lợi thế để khai thác. Nếu như không quyết đoán đầu tư và thay đổi, có lẽ tôi đã bỏ qua một cơ hội cho bản thân cũng như chính doanh nghiệp mình đang chèo lái”.
Vì vậy, Tường Vy quyết định thay đổi tất cả về hệ thống quản lý, đầu tư máy móc, đóng gói tiêu chuẩn chất lượng, thậm chí xây dựng thương hiệu để trái cây Việt Nam nâng cao khả năng chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước trong tương lai gần.
Theo vị CEO 8X này, doanh nghiệp chỉ đóng vai trò chịu trách nhiệm sản xuất, thu mua đến đóng gói, bảo quản và kiểm soát chất lượng, còn với vùng nguyên liệu, câu chuyện làm sao để nông dân tuân thủ, đi cùng doanh nghiệp và đảm bảo được những tiêu chuẩn đặt ra là bài toán vô cùng khó khăn, đến tận bây giờ Chánh Thu vẫn đang gian nan trong vấn đề này.
“Thực tế, để thay đổi tư duy của người nông dân trong canh tác là câu chuyện kéo dài nhiều năm mà bản thân tôi cũng khá đau đầu”, Tường Vy trăn trở.
Đơn cử, trái vú sữa Sóc Trăng, doanh nghiệp đã đàm phán với nông dân về phương thức chuẩn bị cho trái vú sữa xuất khẩu sang Mỹ, trong đó yêu cầu nông dân phải bao trái để tránh côn trùng. Thế nhưng, nhiều người lại nghĩ Tường Vy bị “điên” mới đưa ra đề nghị bao cả ngàn trái vú sữa mỗi cây.
Nhưng thực tế đã chứng minh, đến bây giờ, không cần phải xuất khẩu sang Mỹ, mà kể cả thị trường Việt Nam, việc bao trái mang lại hiệu quả cho nông dân và nâng cao giá trị nông sản.
Cũng giống như trái sầu riêng, khi các chuyên gia phân tích, sầu riêng có phát triển được hay không, phát triển được ở giai đoạn nào, hay đến khi nào sẽ quay lại câu chuyện trồng - chặt, chặt - trồng… Theo Tường Vy, nếu người nông dân thay đổi được tư duy, trồng sản phẩm sạch, an toàn và đáp ứng đủ tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu thì sẽ nhận lại giá trị bền vững. Lúc đó sẽ không phải lo câu chuyện khủng hoảng thừa nữa, vì nhu cầu thị trường thế giới với nông sản sạch, chất lượng rất lớn.
Cũng vì thế, những năm gần đây, Chánh Thu xây dựng chuỗi liên kết bền vững với các hợp tác xã, thương lái, với đầy đủ chức năng để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư về thị trường, hỗ trợ nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu bền vững… Chuỗi liên kết này không thể thiếu bất kỳ cá nhân nào.
“Làm điều gì cũng cần có sự liên kết, nông dân cũng thế, doanh nghiệp cũng vậy, cùng đầu tư thì cùng gặt hái thành công. Khi xây dựng được thương hiệu, thị trường ổn định, tất cả chúng ta đều nhận được lợi ích”, CEO Ngô Tường Vy đúc kết kinh nghiệm.
Nguồn: https://baodautu.vn/
- Người thay đại gia Lương Trí Thìn làm Chủ tịch tập đoàn Đất Xanh xuất thân thế nào?
- 'Vua thép' Trần Đình Long muốn làm thép cho đường sắt tốc độ cao
- nữ doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam: Những bóng hồng không hề 'mềm yếu'
- Việt Nam sẽ có 10 tỷ phú USD: Doanh nhân nào giàu tiềm năng nhất?
- Tử hình “nữ doanh nhân” thành đạt ở Hà Tĩnh
- 1. Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
- Thư Chúc tết Giáp Thìn năm 2024
- Từ cậu bé nghèo chỉ được học hết cấp 3 đến đại gia ngành thực phẩm
- Đặng Khắc Vỹ - ông chủ kín tiếng ngân hàng Việt thuộc top lợi nhuận cao nhất